Sau khi “mẹ Hổ” Amy Chua tạo ra những tranh luận gay gắt về việc nuôi dạy con thì mới đây một doanh nhân người Trung Quốc cũng tự nhận mình là “bố Sói” khi áp dụng “thiết quân luật” trong cách dạy dỗ 4 đứa con.

TIN BÀI KHÁC


Đòn roi.. cũng là văn hóa

Xiao Baiyou, một doanh nhân đang kinh doanh tại Hồng Kông mới đây đã xuất bản một cuốn sách nói về cách dạy dỗ con cái. Trong đó người đàn ông tự nhận là “bố Sói” này khẳng định 4 đứa con của ông bao gồm Xiao Jun, Xiao Yao, Xiao Xiao và Xiao Bing đã trưởng thành từ đòn roi, minh chứng là 3 trong số đó đã đậu ĐH Bắc Kinh danh giá, còn cô con gái út cũng đang phấn đấu để thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Trung ương Trung Quốc.


"Bố Sói" tiếp tục châm ngòi cho những tranh luận về cách giáo dục con cái trong cuốn sách của mình

“Đòn roi là cách tốt nhất để cha mẹ giáo dục con cái. Nó không làm gãy xương con bạn, nhưng sẽ làm con bạn nhớ suốt đời”, với quan điểm này, Xiao đang châm ngòi cho một cuộc tranh luận mới về phương pháp nuôi dạy con.

Xiao Baiyou từng tốt nghiệp ĐH Tế Nam và hiện đang là một doanh nhân thành đạt tại Hồng Kông. Ông cho rằng mình đã áp dụng cách giáo dục con cái bằng phương pháp truyền thống nhất. Ngay từ khi 3 tuổi, các con ông đều phải thấm nhuần quy định của gia đình. Theo đó, nếu phạm lỗi, chúng sẽ phải tự biết rằng sẽ bị bố đánh bao nhiêu roi, đánh nặng hay nhẹ, đánh bằng hình thức nào và ở đâu….

“Bố Sói” cho rằng đánh là một nét uy nghiêm, một ký ức, tôn giáo và là một nét văn hóa. Xiao đặt ra một số quy định “bất di bất dịch” với các con: Làm xong bài tập mới được nghỉ ngơi, không hoàn thành sẽ bị đánh. Sau bữa tối, việc đầu tiên Xiao Baiyou làm là kiểm tra việc học thuộc lòng 3 cuốn sách “Tam tự kinh”, “Đệ tử quy”, “Thanh luật khởi mộng”… Nếu không thuộc, chúng sẽ tự động nằm xuống chịu đòn. Tiếp đó lại đọc, và chỉ được đi ngủ khi đã thuộc làu.

"Bố Sói" bên 4 con

Khi được hỏi, liệu phương pháp này có gì tương đồng với cách giáo dục con khắc nghiệt của “mẹ Hổ” Amy Chua không thì Xiao Baiyou quả quyết: “Tôi chưa từng đọc cuốn sách Battle Hymn of the Tiger Mother (Chiến ca của Mẹ Hổ) và có chăng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi”.

Nói về tựa đề của cuốn sách, Xiao Baiyou cho rằng sói là một loài động vật hoang dã luôn bằng mọi cách để đạt được mục đích với tinh thần dám đối mặt và cạnh tranh, đức tính này cần có trong một xã hội hiện đại. “Tôi được sinh ra từ những năm 60 của thế kỷ trước, do đó bài học về sự thành công sau chừng ấy năm không còn nguyên vẹn để áp dụng với bọn trẻ và tôi cần phải chỉ cho chúng thấy điều đó”.

Giám sát mọi nơi, mọi lúc

Xiao Baiyou đã quyết định xây dựng một trường mẫu giáo tư nhân dành cho trẻ em, con cái ông được học trong đó, và phải tuân thủ theo những nguyên tắc bất di bất dịch.

“Bố Sói” quan niệm, gia đình là một tổ chức dân chủ, trong đó con là dân, cha mẹ là chủ. Cha mẹ có quyền đưa ra các điều kiện, và con cái phải có nghĩa vụ thực hiện vô điều kiện. Xiao Baiyou cho biết, khi ở nhà, ông là người vạch sẵn các nhiệm vụ cho từng con, theo dõi tiến trình thực hiện. Khi “bố Sói” vắng nhà, mẹ của lũ trẻ sẽ là giám sát tối cao và có nhiệm vụ gọi điện báo cáo tình hình thường xuyên.


Xiao Baiyou cho mình là "hoàng đế" trong gia đình, có quyền đưa ra mọi yêu cầu và con cái phải thực hiện vô điều kiện

Để kiểm soát thói quen của các con, “bố Sói” ra quy định: Không được uống Coca Cola, không mở tủ lạnh tùy tiện, thậm chí không bật điều hòa giữa tiết trời mùa hè oi bức của Quảng Châu… Với “bố Sói”, những quy định này có thể bất hợp lý với nhiều người, nhưng đây là những nguyên tắc gia đình cơ bản nhất.

Để thành công, “bố Sói” luôn yêu cầu các con phải ghi nhớ: Vào ĐH Bắc Kinh mới chỉ là giai đoạn đầu tiên của thành công. Nghiên cứu ở ĐH Bắc Kinh là giai đoạn thành công thứ hai, giai đoạn này phải luôn gắn liền với những cuốn sách trong thư viện, và kết quả trong mỗi kỳ thi là yếu tố quyết định. Giai đoạn thành công thứ ba được đánh giá dựa trên sự đóng góp cho xã hội và gia đình.

Nói về cách giáo dục hà khắc của “bố Sói”, cậu con trai lớn Xiao Yao thẳng thắn chia sẻ “Trong ký ức của cháu, chỉ duy nhất một lần có cảm xúc rõ ràng về thời thơ ấu đó là lần cháu đi chơi mà không bị đánh. Có đôi lúc, cháu hy vọng khoảnh khắc như vậy sẽ lặp lại nhiều hơn trong những năm tháng tuổi thơ”.

Tuy nhiên Xiao Yao khẳng định chính sự khắc nghiệt của “bố Sói” đã giúp cậu có quyết tâm hơn trong học hành để đỗ vào ĐH Bắc Kinh. Cậu cũng cho rằng dù phải sống trong một gia đình với muôn vàn các nguyên tắc cứng nhắc và bất hợp lý, nhưng khi so sánh với các hoàn cảnh của các bạn có gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do bố mẹ cãi vã thì cậu vẫn thấy mình còn may mắn. Cậu tự hào vì có một người mẹ hết mực vì gia đình.

Thiên Thư (Theo Morning News)