Dịp Tết Nguyên đán năm trước, Vietnam Airlines (VNA) cất cánh gần 500 chuyến/ngày, năm nay dự báo khách giảm nhiều. Sau Tết, thêm một hãng hàng không tư nhân sẽ ngừng bay.
Thông tin từ Cục Hàng không cho biết, do khó khăn, nhiều khả năng một hãng bay tư nhân sẽ ngừng bay vào cuối tháng 2. Phóng viên đã tìm hiểu được thông tin có hãng hàng không tư nhân mỗi tháng lỗ hàng chục tỷ đồng.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, hàng không chết yểu (trước đây là hàng không Đông Dương do nhạc sỹ Hà Dũng sáng lập) chủ yếu do các chủ hãng đánh giá chưa đúng về thị trường hàng không nội địa, chưa kể việc thiết lập đội bay không phù hợp.
Những con số công bố về tăng trưởng của thị trường hàng không nội địa (khoảng 12 triệu lượt năm 2011) khiến chủ doanh nghiệp nhanh chóng lao vào thành lập hãng bay.
“Trên thực tế, chỉ có 3 triệu khách trong tổng số 12 triệu lượt hành khách/năm là đi lại bằng đường hàng không. Trong số này, thực chất chỉ có khoảng 1 triệu người là bay thường xuyên. Thị phần không đủ lớn để nhiều hãng hàng không kiếm ăn” - một chuyên gia hàng không nói.
Tháng củ mật nhưng nhiều chuyến bay nội địa vẫn vắng khách. |
Vì thế mới có câu chuyện, giá vé hàng không dù được duyệt với mức trần mới, nhưng các hãng bay không dám tăng kịch trần (trừ dịp cao điểm hiếm hoi).
Các hãng hàng không nội địa cạnh tranh quyết liệt bằng cách giảm giá vé. Nếu trước đây, khoang thương gia và khoang hạng thường của VNA trên trục Bắc Nam có ngày đầy ắp thì nay tỷ lệ trống ghế tăng lên.
Thậm chí, nhiều khách hàng trước đây ngồi ghế thương gia để tiện bàn chuyện làm ăn với đối tác, nay âm thầm hạ xuống hạng thường, ngủ vùi cho qua chặng bay buồn tẻ. Những ngày gần đây, hành khách có thể mua được vé giá rẻ của nhiều hãng bay vào gần ngày cất cách (thông thường vé càng gần ngày bay giá càng cao).
Chật vật bay Tết
Có thể nói, việc có thêm Vietjet Air, Airmekong bên cạnh VNA, Vasco và Jetstar Pacific đã làm thay đổi nhận thức kinh doanh của ngành hàng không: cạnh tranh bằng cách giảm giá vé, nếu không đối thủ sẽ hút khách. Có một thực tế, VNA khó kiếm lãi từ vận chuyển hàng không nội địa, thường chủ yếu từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ mặt đất (cho thuê xe thang máy bay, bán hàng sân bay, bán xăng dầu hàng không...).
Một trong những thay đổi rõ nét nhất ở VNA là hãng hàng không truyền thống (không chú trọng bán vé giá rẻ), nhưng nay đã cơ cấu nhiều mức giá (có cả giá rẻ).
VNA đã cơ cấu nhiều mức giá vé, có cả vé giá rẻ. |
Chưa kể, hiện có thêm dòng phân khúc chuyên giá rẻ của Jetstar Pacific (sau khi chuyển vốn của nhà nước về cho VNA quản lý). Thực ra, thị trường hàng không nội địa đã manh nha hình thành các phân khúc: VNA dành cho khách bay có tiền, bay quốc tế; Jetstar Pacific và VietJet Air phục vụ khách bình dân; Airmekong chuyên đường bay nhánh đi biển đảo và Tây Nguyên; Vasco cũng chuyên thực hiện bay dịch vụ với đường bay ngắn. Tuy nhiên, giờ đây, riêng VNA (với cổ phần chi phối Jetstar Pacific và Vasco) có thể thực hiện các phân khúc trên.
Chính vì khó khăn của ngành hàng không (và tác động từ sự ảm đạm nền kinh tế) nên năm 2012, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific gần như không tung ra các chiêu quảng bá mà âm thầm bay.
Tổng giám đốc Jetstar Pacific - Lê Hồng Hà khi trả lời câu hỏi làm sao có một hãng bay thực sự giá rẻ, đã nói: “Giảm các loại chi phí tới mức có thể. Ví dụ, Jetstar Pacific tự khai thác phục vụ mặt đất bằng các thiết bị của mình (thay vì thuê VNA hoặc các đơn vị cảng hàng không); dùng kỹ sư riêng để xử lý kỹ thuật ngoại trường; ngay cả phi công, tiếp viên cũng phải làm thêm nhiều việc khác...”.
Từ câu chuyện Jetstar Pacific (có nhiều hỗ trợ từ VNA và đại bản doanh Jetstar ở khu vực châu Á, nhưng vẫn dè dặt bay), có thể thấy sự tồn tại của các hãng hàng không tư nhân khác là điều không đơn giản. Mùa bay cao điểm Tết năm nay, các hãng hàng không nội địa chật vật vì khách ít, bay rỗng một chiều (chiều đi đông, chiều ngược lại vắng).
Vì sao ế vé bay Tết vẫn khó mua?
Vừa qua, nhiều hành khách phản ánh, các hãng hàng không thông báo ế vé Tết, nhưng khó mua.
Lý giải hiện tượng này, một chuyên gia hàng không nói: “Thực tế, câu chuyện đại lý găm vé dịp cao điểm bằng cách đặt tên ảo, sau đó kiếm tiền chênh lệch vẫn phổ biến. Điều này khiến cho hệ thống bán vé qua mạng lúc nào cũng kín chỗ giờ bay đẹp trong ngày cao điểm, nhưng khách bay chỉ cần chi tiền là có ngay vé. Nhiều khi hành khách có việc gấp sẵn sàng chi số tiền gấp đôi để có được chiếc vé”.
(Theo Tiền Phong)