Dù những vết thương chưa liền sẹo, nhưng cũng không khiến chị Liễu đau đớn bằng việc người chồng đâm đơn ly dị.
Gần một năm sau ngày xảy ra vụ cháy xưởng may giày da ở An Lão, Hải Phòng
(ngày 29/7/2011), chúng tôi đã có dịp quay trở lại địa phương này. Ngoài nỗi đau
đớn, mất mát về thể xác mà vụ hỏa hoạn gây ra, những người may mắn sống sót trở
về còn đau đớn hơn khi bị chồng đâm đơn li dị; có gia đình vì chuyện tiền bồi
thường cái chết của người thân mà tranh chấp, kiện tụng nhau...
Mặc dù những vết thương trên cơ thể từ vụ tai nạn bỏng kinh hoàng chưa liền sẹo,
gây ngứa ngáy, đau đớn ngay cả khi lên giường đi ngủ nhưng cũng không khiến chị
Đào Thị Liễu (SN 1976, ở thôn Lai Thị, Tân Dân, An Lão, Hải Phòng) đau đớn bằng
việc người chồng đâm đơn ly dị.
Tai họa bất ngờ
Mới hôm nào chị Đào Thị Liễu đang là lao động chính trong gia đình, thì sau vụ
hỏa hoạn, chị phải ngồi một chỗ, không thể tự chủ được các sinh hoạt cá nhân.
Các vết thương không còn đe dọa tính mạng của chị nhưng chúng mãi không thể liền
sẹo.
Đến việc bế con giờ chị Liễu vẫn còn ngượng nghịu. Ảnh: GĐ |
Trước đây, chị cũng đi làm giày da, nhưng từ ngày có con nhỏ thì chị nghỉ ở nhà. Chồng thường xuyên đi xa, lại phải chăm hai con nhỏ nên kinh tế quá eo hẹp. Chị bàn với anh xin đi làm ở xưởng may mũi giày gần nhà mong có thêm thu nhập và tiện chăm sóc hai con nhỏ. Mới vào làm được 4 ngày thì chị bị nạn. Khi xảy ra cháy, chị không chạy kịp nên đã bị bỏng lửa 31% ở mặt, thân, chi, trong đó bỏng hô hấp 10%. Nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng đã qua, chị Liễu vẫn chưa hết bàng hoàng vì nỗi đau đang hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần.
Những hình ảnh của các nạn nhân khác vẫn ám ảnh chị không nguôi. Những vết bỏng khắp người lên da non khiến da phồng rộp, cảm giác ngứa ngáy, tay cử động rất khó. Chị lúc nào cũng đeo găng tay, chân để che đi những mảng da thâm đỏ, loang lổ.
Suốt cuộc nói chuyện, chị cứ liên tục xuýt xoa đau đớn: “Tai nạn này chắc chẳng bao giờ quên được. Tôi sống được nhưng thành tàn phế, không biết rồi sẽ làm gì để sống, hai đứa con lại đang trong tuổi ăn tuổi học. Dù cũng gần một năm trôi qua rồi nhưng vết thương cứ nhức nhức, khó chịu. Người tôi lúc nào cũng mệt mỏi, nằm xuống thì vết thương bỏng rát, ngồi lâu thì ê ẩm hết người. Ngày đã vậy, đêm không sao ngủ được, hai tay nhức nhối như kim châm. Khổ nhất là giờ bế con còn ngượng, vệ sinh đều phải nhờ mẹ với chị gái giúp”.
Chồng ngoảnh mặt
Nỗi đau về thể xác khiến chị Liễu đau đớn là vậy, nhưng nỗi đau trong lòng chị còn nhân lên gấp bội khi thiếu vắng sự chia sẻ, gần gũi chăm sóc của người chồng. Chị Liễu cho biết, ngay sau ngày biết chị bị tai nạn, người chồng đã tỏ ra thờ ơ, hững hờ trước nỗi đau của vợ mình. Ngay từ những ngày chị còn điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia, người chồng đã bỏ về đi làm. Đến ngày chị Liễu xuất viện về quê, chị chỉ nhận được sự quan tâm của nhà ngoại.
Vụ cháy xưởng may gia công giày da tại Hải Phòng ngày 29/7/2011 đã khiến 13 người tử vong, 24 người chuyển lên cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia hầu hết bị bỏng nặng, tỷ lệ tổn thương từ 20-56%, trong đó hơn 90% bỏng hô hấp, 23/24 bệnh nhân bỏng là nữ, đang trong độ tuổi lao động. Giờ đây, họ đang phải gồng mình vượt qua nỗi đau về tinh thần, vật chất bởi nỗi lo mình sẽ bị tàn phế suốt đời… |
Chị Liễu cho biết thêm, sau khi xuất viện, chị về nhà ngoại ở một tháng rồi trở về tổ ấm riêng của mình. Mặc dù chưa thể tự chăm sóc bản thân nhưng chị Liễu cũng không nhận được sự giúp đỡ từ chồng. Chị lại đành nhờ chị gái lên chăm sóc. Không những vậy, anh chồng còn viết đơn ly hôn. Khi chị Liễu hỏi lý do thì anh chỉ bảo là do hai vợ chồng không hợp nhau. "Nhưng đâu phải vậy, vợ chồng sống với nhau hạnh phúc, có hai đứa con. Không ngờ anh lại quay 180 độ thế này”, chị Liễu nói.
Hiện tại, chị Liễu được đưa về nhà ngoại để chăm sóc. Hai đứa con mỗi đứa một nơi. Cậu con trai đang học lớp 6 ở cùng bố, con gái nhỏ mới 1 tuổi thì theo mẹ. Căn nhà là tài sản chung của 2 vợ chồng nhưng chị Liễu không thể mở cửa để vào quét dọn bởi chồng liên tục thay đổi khóa.
“Bữa trước, anh ấy có đưa đơn ly hôn nhưng tôi không ký vì thương bọn trẻ. Con trai lớn mỗi lần muốn sang thăm mẹ phải trốn bố. Nghĩ buồn và tủi thân lắm”, chị Liễu khóc nói.
Ngồi bên cạnh, ông Đào Văn Nuôi - bố của chị Liễu không khỏi bức xúc khi nói đến con rể: “Trước đây vợ chồng nó hòa thuận lắm. Dù ra ở riêng chúng nó vẫn ở đây suốt. Giờ nó chê con tôi xấu và sợ là gánh nặng nên từ ngày con Liễu bị nạn là nó không một lần ghé qua nhà vợ thăm. Đứa con gái lúc mẹ nó bị tai nạn mới được 8 tháng tuổi tới giờ cũng chưa một lần được bố ôm vào lòng. Gia đình thông gia cũng từ đó không qua lại nữa. Tôi không ngờ rằng con gái tôi phải chịu cảnh thiệt thòi lớn đến vậy”.
Vẫn biết bố mẹ già (đều trên 70 tuổi) như ngọn đèn trước gió nhưng chị Liễu chỉ còn biết nương tựa vào bố mẹ. Bố chị Liễu bị thoái hóa cột sống, mắc chứng thần kinh tọa... nhiều khi phải đi bằng nạng nhưng vẫn phải chở con gái bệnh tật vượt gần 20km đến Bệnh viện Nauy ở Kiến An điều trị.
Chị Liễu đã nhiều lần rơi nước mắt khi nhắc đến chồng nhưng chị vẫn mong được đoàn tụ: “Tôi chỉ mong một ngày anh ấy nghĩ lại để về sống nuôi hai đứa con, cho chúng có bố, có mẹ. Mỗi lần cháu lớn trốn về thăm mẹ, nhìn thấy mẹ nó lại khóc nói "bố mẹ có bỏ nhau thì mẹ đừng nuôi em. Mẹ để bố nuôi em, con ở với mẹ cơ" là tôi thấy đau nhói".
(Theo Gia đình)