“Đại gia” bất động sản thờ ơ
“Sẽ có chế tài buộc các doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều lao động xây nhà ở cho công nhân” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Trưởng ban BCĐ TW về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội thảo Nhà ở công nhân, thực trạng và giải pháp do Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tổ chức ngày 17-10.
Hội thảo về nhà ở công nhân tại Bình Dương |
Theo ông Trịnh Đình Dũng, hội thảo đã tập trung thảo luận các nhóm vấn đề như:
Những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ, bổ
sung, sửa đổi; đề xuất giải pháp xử lý, đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật,
chính sách mới cần được nghiên cứu, ban hành để đẩy mạnh phát triển nhà ở cho
công nhân.
Bên cạnh đó, hội thảo đã đề xuất mô hình đầu tư để phát triển nhà ở, các công trình văn hóa, công trình phúc lợi phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước, cũng như điều kiện thực tế của từng địa phương.
Ông Dũng yêu cầu các DN cần xem việc xây dựng nhà ở cho công nhân là yếu tố để tăng sức cạnh tranh, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội của DN. Hiện Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở cho công nhân, do vậy các DN cần nhanh chóng vào cuộc.
Đối với các DN kinh doanh nhà ở, bất động sản, ông Dũng đánh giá cần có chế tài yêu cầu họ tham gia xây dựng nhà ở phi hàng hóa (bên cạnh nhà ở thương mại).
“Hiện Nhà nước đã có chính sách này nhưng chưa thực hiện quyết liệt. Sắp tới, chúng ta phải bắt buộc cụ thể hơn, đặc biệt với những DN lớn, kinh doanh thành đạt trong lĩnh vực bất động sản. Ở các nước, DN kinh doanh nhà thương mại đều phải cam kết dùng 40% diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội” - ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Xây dựng,
cộng đồng dân cư gần các KCX-KCN đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhà
ở cho người dân. Nhà nước cần tiếp tục khuyến khích, vận động người dân tham gia
xây dựng nhà ở cho công nhân.
“Công nhân không có nhà ở là do doanh nghiệp”
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, sau 2 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính
phủ về phát triển nhà ở cho công nhân lao động các khu công nghiệp, các địa
phương đăng ký 110 dự án nhưng chỉ có 25 dự án khởi công. Số còn lại đều nằm
trên giấy vì lý do thiếu đất, thiếu vốn, thiếu chính sách hấp dẫn nhà đầu tư.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng VN cho rằng, để phát triển
nhà ở xã hội cho công nhân KCN, các địa phương cần quy hoạch xây dựng một KĐT đa
chức năng gồm nhiều đường phố với nhà nhiều tầng, trong đó tầng trệt được bán
rộng rãi theo giá thương mại để các chủ hộ có thể mở cửa hàng, cửa hiệu.
KĐT này có chính quyền quản lý với nhân lõi ban đầu là nhà ở xã hội cho công nhân và nhà ở cho các đối tượng khác làm việc và sinh sống tại đây.
"Một đô thị như vậy sẽ có sức sống và phát triển bền vững, góp phần vào quá trình đô thị hoá của các địa phương", TS. Liêm khẳng định.
Cảnh sống tạm bợ của công nhân tại xã Bình Trị, Bình Sơn, Quảng Ngãi - (Ảnh: Tiền Phong) |
Theo ông Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thực ra nhà ở công nhân
đã được xã hội hóa từ lâu. Do không có sự can dự của Nhà nước nên chủ đầu tư
thường tận dụng các diện tích đất chật hẹp để xây nhà trọ cho công nhân thuê với
giá phù hợp.
“Phần lớn công nhân đang sống
trong những nhà trọ như vậy nhưng các nhà làm chính sách lại không quan tâm cải
thiện thực trạng này. Thay vào đó, họ chỉ muốn làm cuộc “cách mạng” về nhà ở,
đưa công nhân vào những chung cư kiên cố có chiều cao không quá sáu tầng, diện
tích 30-60 m2 (Điều 47 Luật Nhà ở)” - ông Liêm nói.
Từ thực trạng trên, ông Liêm đưa ra giải pháp: Nên tài trợ kinh phí để chủ nhà
trọ cải thiện phòng trọ mà không cần tăng giá thuê. Cụ thể, mỗi phòng 2-3 công
nhân cần có một bệ xí, nhà tắm rộng 1 m2; mái không bị dột, nền xi măng, tường
gạch…
UBND các tỉnh, thành nên ủy nhiệm
công đoàn các KCN ký hợp đồng tài trợ với các chủ nhà trọ. Nguồn kinh phí được
trích từ tiền thuế của các nhà máy trong KCN được Chính phủ cho phép tỉnh giữ
lại để chi vào mục đích cải thiện và phát triển nhà ở cho công nhân.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Để huy động các
nguồn lực phát triển quỹ nhà cho CNLĐ, TP đã thực hiện thí điểm một số cơ chế
chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho CNLĐ thuê trong các KCN.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sử dụng lao động tại các KCN vẫn rất hạn chế trong việc tham gia xây dựng nhà ở cho CNLĐ của mình. Việc tham gia của các chủ sử dụng lao động vẫn chủ yếu là sự hảo tâm mà chưa có chế tài bắt buộc chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm về nơi ở cho người lao động của mình.
Chính vì vậy, một trong những
giải pháp để phát triển các dự án nhà ở cho CNLĐ tại các KCN-KCX đó là cần ban
hành chế tài bắt buộc các chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm, nghĩa vụ về
nơi ở với người lao động của mình.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc công nhân không có nhà ở là do doanh
nghiệp thờ ơ với người lao động.
Ông Dũng cho biết sắp tới sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp để phát triển nhà xã hội, tạo điều kiện cho công nhân có chỗ ở, yên tâm làm việc.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả
nước đã có 260 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó có 174
KCN đã hoạt động với diện tích 43.500 ha phân bổ ở 57 tỉnh, thành
phố, tập trung nhiều ở 3 Vùng kinh tế trọng điểm, trong đó Vùng kinh
tế trọng điểm miền Nam với 124 KCN chiếm gần 48% tổng số KCN cả
nước.
Các KCN cả nước thu hút hơn 4.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 56 tỉ USD trong đó có hơn 3.000 dự án hoạt động và khoảng 4.400 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 360 ngàn tỉ đồng. Các KCN thu hút và tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp... Theo Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2015 tổng số công nhân lao động tại các KCN khoảng 6,3 triệu người và đến năm 2020 khoảng 7,2 triệu người, nhưng thực tế dự kiến đến năm 2015 khoảng 04 triệu người và năm 2020 khoảng 06 triệu người. Về nhà ở hiện mới có 20% công nhân các khu công nghiệp có chỗ ở ổn định, còn khoảng 80% phải thuê nhà ở trọ chật chội và thiếu tiện nghi. Trong khi đó thu nhập của công nhân lao động còn thấp: 1,5-2 triệu đồng/tháng. Theo báo cáo của các địa phương, 70% công nhân ở các khu công nghiệp là người ngoài tỉnh có nhu cầu về nhà ở. Như vậy số công nhân, lao động tại các khu công nghiệp cả nước có nhu cầu về nhà ở đến năm 2015 khoảng 2,65 triệu người và cần khoảng 21,2 triệu m2 nhà ở và năm 2020 con số tương ứng là 4,2 triệu người và 33,6 triệu m2 nhà ở... |
Thu Lý