Cũng theo Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, Bộ GTVT cần làm rõ các căn cứ để tính toán nhu cầu vốn cho công tác sửa chữa đường bộ, trong đó cần xem xét lại định mức sửa chữa đường bộ, xác định rõ hiện vốn ngân sách đáp ứng đến mức độ nào, huy động đóng góp của người dân tham gia giao thông đến mức độ nào.
Mức thu phí cũng cần phải có lộ trình, không nên nhảy từ mức thu qua trạm thu phí khá thấp hiện nay sang mức phí quá cao gây xáo trộn lớn.
Theo dự thảo các bộ trình Thủ tướng Chính phủ: Các trạm thu phí nộp ngân sách sẽ được giải thể, các trạm đã bán quyền thu phí hoạt động lâu nhất đến năm 2015. Trên hệ thống vẫn hoạt động các trạm thu phí của nhà đầu tư BOT. |
Công tác thu phí cho Quỹ bảo trì đường bộ dứt khoát không được làm tăng bộ máy. Thu phí giao thông qua xe máy thống nhất sẽ giao cho địa phương quyết định mức thu, lộ trình thu tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của địa phương và quyết định của Hội đồng nhân dân, Bộ GTVT chỉ xây dựng quy định khung.
Việc giải quyết lao động dôi dư từ các trạm thu phí bị giải thể sẽ đưa sử dụng các quỹ chính sách lao động hiện tại và Luật Lao động, không sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ.
Trước ý kiến của 2 Bộ Tài chính và Tư pháp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đi đến thống nhất ý kiến: Sẽ trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án thu cho Quỹ bảo trì đường bộ.
Trong đó Phương án 1 (phương án lựa chọn) Quỹ bảo trì đường bộ sẽ được hình thành từ nguồn thu chủ yếu qua đầu phương tiện giao thông, gồm cả ôtô và xe máy, cộng với ngân sách Nhà nước cấp bù cho đủ nhu cầu.
Các trạm thu phí nộp ngân sách sẽ được giải thể, các trạm đã bán quyền thu phí hoạt động lâu nhất đến năm 2015. Trên hệ thống vẫn hoạt động các trạm thu phí của nhà đầu tư BOT.
Phương án 2: Quỹ Bảo trì đường bộ được hình thành qua 3 nguồn thu chủ yếu: Thu qua đầu phương tiện (chỉ thu ôtô), thu qua phí xăng và Ngân sách Nhà nước cấp bù thêm cho đủ nhu cầu.
Huy động các nguồn thu cho Quỹ sẽ theo lộ trình, trong đó năm đầu đáp ứng được 70% nhu cầu sửa chữa đường bộ, tổng nguồn thu cho Quỹ sẽ đạt được cao nhất đáp ứng toàn bộ nhu cầu sau 5 năm hoạt động.
Chậm nhất ngày 30/10, các Bộ phải hoàn tất dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ, để Quỹ có thể chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2012.
Gia Văn – Q. Dũng