{keywords}
Việc triển khai ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" là một bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo Trung tâm CNTT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2020, ngành Bảo hiểm xã hội đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho toàn bộ 27 thủ tục hành chính của ngành; tích hợp và cung cấp 15 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tổng số hồ sơ giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử trong năm 2020 đã được cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận và giải quyết đạt gần 85 triệu hồ sơ.

Đặc biệt, hệ sinh thái bảo hiểm xã hội số đã và đang được Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thiện, hiện đã cung cấp ứng dụng “VssID – Bảo hiểm xã hội số”, dịch vụ tin nhắn SMS, dịch vụ thanh toán trực tuyến, hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng…

Trong đó, việc triển khai ứng dụng VssID được nhận định là một bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện các nhiệm vụ về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, hướng tới sự hài lòng cho các tổ chức, cá nhân.

Được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính thức công bố ngày 16/11/2020 trên nền tảng thiết bị di động Android và iOS, ứng dụng VssID hiện đã cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu như: theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, ứng dụng còn giúp tra cứu các thông tin về mã số bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và các điểm thu, đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, dịch vụ hỗ trợ 24/7...

Ứng dụng VssID còn có một vai trò quan trọng khác là giúp người dùng giám sát việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp  của người sử dụng lao động. Đây cũng là một kênh truyền thông trực tiếp về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Đảng và Nhà nước.

Trong kế hoạch chuyển đổi số ngành thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định sẽ tiếp tục ưu tiên nghiên cứu và triển khai tích hợp các dịch vụ công, tiện ích thanh toán trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID để đảm bảo người dân có thể thực hiện các giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội tại bất cứ đầu và bất kỳ lúc nào.

Song song với đó, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác như: Tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu DWH phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ của ngành; tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các bộ ngành, kết nối và cung cấp thông tin báo cáo trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Đồng thời, tới đây ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng sẽ tập trung triển khai các nội dung về cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

Được biết, dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, gồm 4 chương với 29 điều. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chủ trì trình Chính phủ phê duyệt Nghị định này.

Vân Anh

Người dân đã có thể tra cứu thông tin BHXH trên ứng dụng

Người dân đã có thể tra cứu thông tin BHXH trên ứng dụng

Ngoài việc tra cứu thông tin, 10 tỉnh miền Trung đã có thể sử dụng ứng dụng VssID trên điện thoại thay thế thẻ BHYT giấy khi điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT.