Ông Nguyễn Thế Tân, CEO VCCorp đưa ra 3 cơ chế quản lý ứng xử hỗ trợ các dịch vụ, công nghệ mới phát triển. Ảnh: Xuân Phú |
Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam (Make in Vietnam) ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp đã có phần trình bày về bức tranh thị trường nội dung số cùng với những điểm bất lợi của doanh nghiệp nội dung số Việt Nam khi phải cạnh tranh với các ông lớn công nghệ của nước ngoài do những quy định, tư duy quản lý cũ.
Một trong những ví dụ cho chính sách quản lý cũ, tư duy không phù hợp với các dịch vụ được tạo ra từ công nghệ mới như: Grab phải “đeo mào” như xe taxi, yêu cầu này làm phá vỡ mô hình kinh doanh tận dụng xe gia đình, lãng phí 100 triệu USD đầu tư phát triển mô hình kinh tế mới của hãng công nghệ. Đó là tư duy quản lý mạng xã hội như quản lý báo chí, khi các công ty công nghệ sản xuất các video đăng lên mạng là vi phạm chính sách quản lý báo chí, tư nhân không được làm báo. Trong khi nếu đăng các video này lên Google, Facebook thì thoải mái, không bị kiểm soát, cùng nhiều quy định khác khiến các doanh nghiệp sáng tạo muốn làm cũng không được làm, hoặc không dám làm.
Nói về tư duy quản lý cũ áp đặt cho các dịch vụ sáng tạo công nghệ, ông Tân ví von như là tư duy thời khủng long cổ đại áp dụng cho xã hội loài người. Ông Nguyễn Thế Tân hy vọng, thông qua Diễn đàn các ý kiến sẽ được Bộ TT&TT tiếp nhận và đề xuất sửa đổi các chính sách, đảo ngược bất lợi, để doanh nghiệp Việt có cơ hội phát triển thực sự.
Ông Nguyễn Thế Tân cũng đề xuất 3 cơ chế ứng xử hỗ trợ cái mới phát triển. Các cơ chế mới này để các doanh nghiệp nội dung số trong nước được làm, dám làm mà vẫn có thể quản lý, kiểm soát được.
Theo đó, mỗi bộ ngành đều tách riêng kinh tế số ra quản lý để tránh cái cũ kéo lùi cái mới. Ví dụ rõ nhất là Bộ Giao thông Vận tải phải tách riêng taxi điện tử ra để có chính sách quản lý riêng, không nên áp đặt chính sách quản lý taxi truyền thống với taxi công nghệ để cho các dịch vụ tiên tiến như Grab, Be, FastGo có cơ hội phát triển.
Đề xuất thứ hai là Nhà nước cần ban hành cơ chế sandbox (khung chính sách riêng) dành cho cái mới: Cơ chế này rộng về phạm vi, rộng về đối tượng tham gia, giới hạn quy mô ảnh hưởng. Ví dụ, cho phép ví điện tử nạp tiền mặt, nhưng giao dịch không quá 1 triệu ngày, giao dịch hóa đơn cơ bản thì được giao dịch các khoản tiền to hơn.
Thứ ba là áp dụng chính sách đặc khu ảo cho những cái quá hóc búa, cần kiểm soát, hoặc có rủi ro lớn, nhà nước chọn lọc công ty, chọn lọc vấn đề với quy định thông thoáng hơn để áp dụng thử nghiệm, sau thời gian thử nghiệm sẽ điều chỉnh chính sách để cho phép áp dụng chính thức. Ví dụ như quản lý tiền ảo chẳng hạn thì cần áp dụng chính sách đặc khu ảo.