Keeng đang cung cấp các dịch vụ giải trí trực tuyến cho người dùng Việt Nam. (Ảnh: Internet) |
Hiện nay, các ứng dụng dịch vụ nội dung xuyên biên giới (truyền hình OTT) của Trung Quốc như WeTV (của Tencent) và iQIYI (của Baidu) đã mở cung cấp cho người dùng Việt Nam. Với hàng chục ngàn phim Trung Quốc mà Tencent và Baidu đang sở hữu bản quyền, phim Trung Quốc lại phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam nên sức cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước rất lớn.
Trả lời ICTnews mới đây, về việc các OTT cung cấp phim từ nước ngoài vào Việt Nam có đe dọa các dịch vụ OTT trong nước hay không, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ OTT của Việt Nam sẽ gặp khó khăn như thế nào khi phải cạnh tranh với các dịch vụ xuyên biên giới? Ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media, nhà cung cấp dịch vụ OTT Keeng cho biết: “Chúng tôi khuyến khích các OTT nước ngoài vào Việt Nam. Hiện tại vấn đề vi phạm bản quyền phim ở Việt Nam vẫn còn xảy ra nhiều, các web phim lậu vẫn còn tràn lan. Đây mới chính là rào cản khiến thị trường phim số ở Việt Nam khó phát triển. Các OTT nước ngoài vào Việt Nam sẽ cùng với các OTT trong nước mang đến dịch vụ tốt hơn cho người dùng, thị trường cũng lành mạnh hơn, giảm được các dịch vụ phi pháp. Thị trường đang ở giai đoạn đầu phát triển nên càng có nhiều tay chơi, thị trường càng mở rộng nhanh”.
Cũng theo ông Hải, OTT nội cũng có những lợi thế riêng của mình, nội dung, yếu tố địa phương hóa là quyết định cho sự thành bại.
Hiện tại, Viettel Media có chiến lược đầu tư cho lĩnh vực phim số với dịch vụ Keengmovies. Ngoài việc hợp tác với các nhà cung cấp nội dung lớn trên toàn cầu, Viettel Media thực hiện đầu tư cho sản xuất nội dung phim trong nước, tập trung vào các thể loại webdramas (phim ngắn, dành cho giới trẻ, phát hành trên hạ tầng OTT) và phim điện ảnh. Keengmovies cũng có có lợi thế hơn so với các OTT thông thường khi tích hợp gói cước Data Viettel, khách hàng được xem phim không giới hạn 3G/4G tốc độ cao chỉ với 50.000 đồng/tháng, nếu không mua kèm data thì giá chỉ 25.000đ/tháng.
Ông Hải cũng đưa ra đề xuất cụ thể về công cụ quản lý tốt hơn dịch vụ OTT chưa được cấp phép cung cấp dịch vụ ở Việt Nam, mạnh tay trong việc xử lý các trang cung cấp nội dung vi phạm bản quyền. “Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sẽ có chế tài phạt mạnh trong việc vi phạm bản quyền. Đặc biệt có biện pháp xử lý kiên quyết đối với nhóm dịch vụ chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam như các trang phim lậu trên thị trường, không có đăng ký kinh doanh, không được cấp phép, không có hệ thống server đặt tại Việt Nam. Có các biện pháp như đình chỉ hoạt động nếu không tuân thủ pháp luật”, ông Hải nói.
Liên quan tới việc các OTT Trung Quốc đang ào ạt xâm nhập thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Hân, Trưởng nhóm phát triển giải pháp công nghệ VTVcab ON cũng đề nghị: “Bộ TT&TT cần có các biện pháp đặt “hàng rào” quản lý sớm để đảm bảo nội dung phim phát hành vào Việt Nam tôn trọng các yếu tố lịch sử, chính trị, văn hóa của Việt Nam”.
Theo ông Ngọc Hân, việc đặt “hàng rào” quản lý đối với các ứng dụng xuyên biên giới này hoàn toàn có thể làm được . Bởi vì hiện nay các ứng dụng này phát hành xuyên biên giới, tuy vậy khi phát hành vào nước nào thì phải chọn nước để phát hành. Nếu các đơn vị phát triển App đó chỉ cần tick (chọn – PV) các nước được phát hành, thì ở những nước không được tick người dùng tìm kiếm trên App sẽ không hiển thị ứng dụng.
Ngoài ra, hãng quản lý ứng dụng là Goolge và Apple cũng can thiệp được vào việc này. Nếu Bộ TT&TT đưa danh sách các App không được phép xuất bản vào Việt Nam cho Google Play Store và Apple Store thì Google và Apple sẽ chủ động ngăn chặn được, bằng cách không cho phép hiển thị tại quốc gia có khiếu nại, hoặc yêu cầu đơn vị phát hành App phải bỏ không được hiển thị tại các quốc gia có khiếu nại.
“Phim là văn hóa phẩm, nên luật của từng quốc gia sẽ được ưu tiên kể cả trong các hiệp định song phương, do đó khi Việt Nam có yêu cầu ngăn chặn thì các yêu cầu này cũng sẽ được Goolge và Apple ưu tiên xử lý”, ông Ngọc Hân cho biết.