Trong lĩnh vực học thuật về các nghiên cứu an ninh, sự tiếp cận chính trị dựa trên thực tế và nhu cầu vật chất giữ vai trò thống trị. Những ai tán thành với thế giới quan này đều chấp nhận bằng chứng theo kinh nghiệm chủ nghĩa khi nó được đặt trước mắt họ, để nhìn thế giới “thật sự” như nó vốn thế, chứ không phải như theo lý tưởng nó phải như thế.
Và đây là một bằng chứng mạnh mẽ từ kinh nghiệm mà chúng ta không thể bỏ qua: Bằng việc sử dụng các dữ liệu lớn nhất hiện có về tình trạng của phụ nữ trên thế giới hiện nay, chúng tôi phát hiện ra rằng có một mối liên hệ rất lớn và quan trọng giữa an ninh quốc gia và an toàn của phụ nữ.
Trên thực tế, thước đo chuẩn xác nhất về tình trạng hòa bình của một quốc gia lại không phải là mức độ sung túc, mức độ dân chủ, hoặc đặc tính về dân tộc – tôn giáo; mà mức độ hòa bình của một quốc gia lại được đo bằng cách họ ứng xử với phụ nữ chu đáo đến đâu. Điều quan trọng hơn là, các nền dân chủ với mức độ bạo lực đối với phụ nữ ở mức cao cũng không kém phần bất ổn và bất trắc như những nước phi dân chủ.
Trong cuốn sách Sex và Hòa bình thế giới, các phát hiện của chúng tôi đã nêu lại vấn đề: khi khoảng cách về giới càng lớn trong việc đối xử giữa nam giới và phụ nữ trong một xã hội, đất nước đó càng có nhiều khả năng rơi vào một cuộc xung đột trong cùng khu vực hoặc giữa các khu vực với nhau, là vấn đề đầu tiên cần dùng đến sức mạnh trong các cuộc xong đột đó, và cần tới mức độ bạo lực cao hơn nữa.
Về các vấn đề như sức khỏe, tăng trưởng kinh tế, tham nhũng, phúc lợi xã hội của một quốc gia, các thước đo chính xác nhất cũng chính là những gì phản ánh tình trạng của phụ nữ. Những gì xảy ra với phụ nữ phản ánh an ninh, ổn định, thịnh vượng, tính chất hiếu chiến, tham nhũng, sức khỏe, kiểu chế độ, và (tất nhiên) cả sức mạnh của nhà nước. Thẳng thắn mà nói, thời mà ai đó có thể tuyên bố rằng tình trạng của phụ nữ chẳng liên quan gì tới an ninh quốc gia hay quốc tế đã qua lâu rồi. Các kết quả nghiên cứu cho thấy sự đối lập là quá lớn tới mức không thể bỏ qua được.
Hạng mục về an toàn của phụ nữ được xếp theo thang điểm từ 0 (tốt nhất) cho tới 4 (tệ nhất). Trong nghiên cứu của nhóm tác giả trích dữ liệu từ trang WomanStatsDatabase, tính theo thang điểm vừa nêu thì không có quốc gia nào đạt tới điểm 0. Thang điểm 1 cũng không có quốc gia nào đạt được. Còn mức trung bình trên thế giới là 3,04. Con số này đã phản ánh mức độ bạo lực gia tăng nhanh chóng và kéo dài đối với phụ nữ trên toàn thế giới, thậm chí cả những nước phát triển và tự do nhất. Chẳng hạn như Mỹ chỉ đạt điểm 2 do tình trạng bạo lực gia đình và nạn cưỡng bức phụ nữ.
Không may là, bạo lựa có cơ sở từ giới lại thâm căn cố đế trong rất nhiều nền văn hóa, không chỉ trong cuộc đời của người phụ nữ mà thậm chí còn trước khi họ ra đời. Trên khắp toàn cầu, các con số cho thấy tỉ lệ mong muốn con trai nhiều hơn so với con gái. Và ở 18 quốc gia, từ Mỹ cho tới Việt Nam, tỉ lệ giới tính của trẻ em cũng nghiêng bất thường về phía các bé trai. Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tính rằng từ 2005, có hơn 163 triệu phụ nữ biến mất khỏi dân số châu Á, thông qua việc lựa chọn giới tính thai nhi, nạo phá thai hoặc các biện pháp khác. Chưa kể theo luật gia đình, phụ nữ luôn chịu thiệt thòi trong các khía cạnh như hôn nhân, li hôn, và thừa kế.
Cuối cùng, tỉ lệ trung bình trên thế giới về mức độ mà phụ nữ đóng góp tiếng nói của mình trong các cơ quan đưa ra quyết định – như trong chính phủ - chỉ ở mức 2,74. Điều này chẳng có gì ngạc nhiên khi mức độ phụ nữ tham gia vào chính quyền chỉ ở mức dưới 20%. Thậm chí, ở một số nền dân chủ như Nhật Bản và Hàn Quốc thì tỉ lên này còn ở mức quá thấp – lần lượt là 13,4% và 14,7%. Với Mỹ là 17% phụ nữ tham gia vào Quốc hội, thậm chí còn thấp hơn cả Afghanistan (gần 28%) và Iraq (trên 25%) – hai quốc gia mà Mỹ từng tiến hành xâm lược.
Các bằng chứng về việc bạo hành phụ nữ đã quá rõ ràng. Vậy thì điều này liên quan gì tới hòa bình thế giới? Hãy nghĩ đến tác hại của việc nạo thai để chọn giới tính và nạn đa thê: tất cả đều giúp tạo nên một tầng lớp dưới gồm những nam thanh niên không có vai trò gì nhiều trong xã hội vì họ sẽ chẳng bao giờ trở thành trụ cột trong gia đình, ghi dấu ấn nam nhi trong xã hội. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta chứng kiến cảnh bạo lực gia tăng, trộm cắp, và buôn lậu ở những nơi mà các nam thanh niên này tìm cách trở thành địch thủ trong thị trường hôn nhân. Rồi những người đàn ông trẻ tuổi bồng bột đầy rẫy khắp nơi nay cũng có thể sẽ gia nhập đội quân khủng bố, hoặc thậm chí quốc gia hao mòn trong chiến tranh cũng tới lúc phải tuyển mộ những người thanh niên này.
Ở một cấp độ sâu hơn, mô hình để sống với những người khác với chúng ta được hình thành trong mọi xã hội bởi tính chất quan hệ giữa nam và nữ. Trong các quốc gia nơi mà đàn ông cai trị gia đình của mình bằng bạo lực, thì thứ bậc thống trị của nam giới cũng sẽ cai trị cả xã hội bằng bạo lực. Đây là một tuyên bố cơ bản: Đàn ông coi phụ nữ chỉ là nô dịch thì chính bản thân họ cũng bị nô dịch. Còn người đàn ông nào coi phụ nữ là đối tác bình đẳng và quý giá, thì đó là những người có cơ hội thật sự để giành được tự do cho chính mình và tận hưởng hòa bình.
Mọi bằng chứng đều rất rõ ràng: Thách thức hàng đầu trong thế kỷ 21 này là loại trừ bạo lực chống lại phụ nữ và gạt bỏ các rào cản để phát triển sức mạnh, sức sáng tạo và tiếng nói của phụ nữ. Một con chim với một chiếc cánh bị gẫy, hoặc loài người với một giới bị tổn thương, thì sẽ chẳng bao giờ khá lên được. Các quốc gia trên thế giới phải tìm một con đường khác, một con đường mà chúng ta có mọi lý do để tin tưởng rằng sẽ dẫn lối tới phồn thịnh, an ninh cho toàn hệ thống quốc tế. Đó chính là giới tính và hòa bình, rõ ràng là vậy.
- Lê Thu (Theo Foreign Policy)