- Dễ nhận thấy trong SGK Địa lí chúng ta, mĩ từ “phát triển” thường được nhắc đến khi nói về các ngành kinh tế và các vùng kinh tế. Nhưng cách trình bày “một màu” như thế có thể tạo ra sự nhàm chán, thậm chí làm thui chột chí tiến thủ của học sinh.

Ảnh minh họa

Cần biết Việt Nam đang ở đâu


Chúng ta đang sống trong một thế giới phát triển đầy năng động. Nhiều quốc gia thuộc nhóm đang phát triển đang trỗi dậy mạnh mẽ và các nước phát triển cũng đang phải gồng mình để giữ được vị trí siêu cường trên thế giới.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nền kinh tế chúng ta đang trên đà khởi sắc. Tuy nhiên, người học không chỉ muốn biết thông tin chúng ta đang phát triển mà họ cần phải biết hoạt động kinh tế của chúng ta đang ở nấc thang nào trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nên có sự so sánh GDP và thu nhập bình quân/đầu người tại một số mốc thời gian nhất định của Việt Nam với thế giới, Việt Nam với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapo, Malaixia, Philipin, cũng như cung cấp cho họ thông tin về tỉ trọng diện tích, dân số, GDP của Việt Nam so với thế giới để người học biết Việt Nam đang ở đâu trong nền kinh tế thế giới…

Cần phải nhắc đến kinh nghiệm giáo dục của Nhật Bản. Ngày xưa, trong khi SGK chúng ta tụng ca thiên nhiên ưu đãi rừng vàng biển bạc, làm chơi ăn thật (?), các nước anh em giúp đỡ nhiều … thì ở Nhật Bản người ta dạy cho các thế hệ học sinh của họ rằng đất nước họ rất chật chội, khó khăn, thiên nhiên nghèo nàn và đầy bất trắc (động đất, sóng thần, bão lụt …), môi trường cạnh tranh quốc tế thì khốc liệt và người Nhật chỉ có một con đường là phải học thành tài, luôn phải tìm tòi sáng tạo, làm việc hết mình thì mới giúp đất nước phát triển phồn thịnh.

Thực tiễn đã minh chứng cho sự đúng đắn của nền giáo dục Nhật Bản.

Vậy nên cho học sinh biết vị trí của chúng ta trong nền kinh tế thế giới sẽ góp phần hình thành nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện hơn, thôi thúc họ phải nỗ lực học tập, rèn luyện để cống hiến cho một Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.

Trong bộ SGK phổ thông thì SGK Địa lí, nhất là địa lí kinh tế - xã hội có đặc thù riêng. Các vấn đề kinh tế - xã hội luôn luôn thay đổi, thậm chí thay đổi rất nhanh chóng. Giáo viên dạy học cần phải cập nhật thông tin, nhưng không nên cứ phó mặc hết nhiệm vụ này cho giáo viên vốn đã quá nhiều việc bận lên lớp, chấm bài và mưu sinh hàng ngày. Chưa kể nhiều nơi vùng sâu vùng xa còn thiếu thốn từ điện cho đến các phương tiện thông tin thì làm sao mà cập nhật.

SGK mỗi kì tái bản được in thêm hàng vài chục ngàn cho đến hàng trăm ngàn bản cho mỗi đầu sách nhưng các chi tiết được chỉnh lí thật hiếm hoi. Nhìn cuốn sách mới tái bản mà số liệu thì quá cũ được lấy cách ngày sách được in và nộp lưu chiểu quá nhiều năm thì giáo viên cũng không hứng thú chứ đừng nói gì đến học trò.

Như SGK địa lí lớp 9 từ khi được xuất bản lần đầu đến nay đã tái bản được 7 lần. Lần thứ 7 in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 1/2012 song số liệu kinh tế trong đó vẫn là của năm 2002, tức là cách đây đúng 10 năm. Mười năm qua kinh tế đất nước ta đã quá nhiều thay đổi phát triển đi lên, vậy mà học sinh vẫn phải học về những thành tựu của 10 năm trước.

Mà với đà này chắc gì lần tái bản sau đã có số liệu mới.

Phải đầu tư để học sinh không học những cái lạc hậu

Một giờ học Địa Lý. Ảnh: Báo Phú Yên

Tổng cục Thống kê mỗi năm ra cuốn “Niên giám thống kê” một lần, trong đó có đầy đủ chỉ số kinh tế - xã hội. Các con số này cần phải được cập nhật vào SGK khi tái bản, chậm nhất là sau khi cuốn “Niên giám thống kê” ra một năm (Vì SGK phải in sớm cho kịp khai giảng năm học mới).

Cũng cần thấy cái khó rằng có khi chỉ thay đổi một vài số liệu thì phần phân tích, nhận định trước đó có thể không còn phù hợp nữa. Điều này cho thấy Nhà xuất bản Giáo dục nên chăng có một cơ chế đặc thù đối với bộ SGK Địa lí, cần phải có một khoản ngân sách nhất định hoặc trích lợi nhuận để mời tác giả hoặc những người
có chuyên môn chỉnh sửa, hiệu đính hằng năm. Thà tốn một chút còn hơn là để học sinh phải học những cái lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn.

Xin dẫn ra một ví dụ: Đặc điểm dân số nước ta đang trải qua một giai đoạn rất quan trọng đó là thời kì “cơ cấu dân số vàng” – cơ hội hiếm hoi và duy nhất có một lần trong lịch sử nhân khẩu học của mỗi quốc gia, giống như cuộc đời mỗi người chỉ có một thời là thanh niên vậy.

Khái niệm "Cơ cấu dân số vàng” được hiểu là khi 2 người trong độ tuổi lao động (15 - 60) phải gánh 1 hoặc ít hơn 1 người ăn theo, tức là số người trong độ tuổi lao động nhiều gấp đôi số người phụ thuộc bao gồm trẻ em và người trên độ tuổi lao động. Sự dồi dào của lực lượng lao động thực sự đang tạo ra cơ hội vàng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo các chuyên gia dân số, thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” nước ta bắt đầu từ năm 2007 và theo dự báo sẽ kết thúc sau khoảng 35 năm nữa.

Cơ cấu dân số vàng hiện nay đòi hỏi phải có có những chính sách phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ văn hóa, đào tạo nghề cho người lao động và tạo cơ hội việc làm phù hợp để tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động vào sản xuất, tăng trưởng nhảy vọt về kinh tế tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội khi nước ta bước vào giai đoạn “dân số già” . Cơ cấu dân số hiện nay với tỉ lệ trẻ em giảm thấp cũng tạo điều kiện tốt cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng, khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông …

Nếu không tận dụng được thời cơ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội và lại phải chuẩn bị đối phó với những hệ lụy của vấn đề “già hóa dân số” trong khi chưa kịp tạo ra một nền tảng vững chắc về kinh tế và an sinh xã hội . Bởi hiện nay với tỉ lệ sinh giảm nhanh, tỉ lệ tử cũng sụt giảm, không lâu nữa chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn “cơ cấu dân số già”.

Không chỉ có vậy “cơ cấu dân số vàng” không được tận dụng còn có thể tạo ra các “bẫy” như gia tăng các tệ nạn xã hội nếu như lao động đông quá mà lại thiếu việc làm. Tình hình an ninh trật tự xã hội đất nước hiện nay đã thể hiện rõ điều này. Đây là một áp lực đòi hỏi chúng ta phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và mạnh hơn nữa. Trong khi một mặt chúng ta vẫn phải xúc tiến đào tạo lao động chất lượng cao thì phải mở rộng phát triển các ngành có thể sử dụng nhiều lao động trình độ thấp hơn như dệt may, chế biến thực phẩm, dịch vụ và đẩy mạnh xuất khẩu lao động... để thu hút, tận dụng cơ hội giải quyết việc làm cho nhiều người lao động.

Trên lớp, ngay trong năm học này (2012-2013), học sinh vẫn được dạy rằng ở nước ta “dân số còn tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ”, trong khi người đứng đầu Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình lại khẳng định Việt Nam đã kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số trẻ” vào năm 2005 và hiện đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” thì quả là bất cập.

  • Vũ Quốc Lịch