Một ngày tháng 5 tại Singapore, con tàu chiến mới nhất của Mỹ - USS Freedom - hiện diện ở căn cứ hải quân Changi và bộ trưởng quốc phòng từ khắp nơi trong khu vực tập trung tại khách sạn Shangri-La.


{keywords}
Tàu USS Freedom - con tàu mang tính biểu tượng cho trục xoay của Washington hướng tới châu Á. Ảnh: straitstimes

Diễn đàn an ninh thường niên duy nhất của khu vực - Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức bắt đầu. Sự kiện diễn ra sau một năm không chỉ chứng kiến những căng thẳng hàng hải gia tăng, mà còn xuất hiện rất nhiều câu hỏi không có lời đáp về tương lai một số mối quan hệ chủ chốt trong khu vực. Nhất là chuyện đối đầu chiến lược giữa Mỹ và một Trung Quốc trỗi dậy.

Tổng giám đốc và giám đốc điều hành IISS, John Chipman nói rằng, những căng thẳng đã trở nên quá thường xuyên. "Mỗi năm dường như lại sản sinh ra rất nhiều căng thẳng nghiêm trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong 4 hoặc 5 năm qua, chúng ta đã phải đối mặt với các vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên. Tranh cãi ở Biển Đông, Hoa Đông năm nay đặc biệt lên cao".

Vì thế, Đối thoại Shangri-La cung cấp một cơ hội", ông lập luận, "để bấm nút dừng trong khoảnh khắc và tất cả bộ trưởng quốc phòng khu vực, những ai có liên quan tới an ninh châu Á - Thái Bình Dương thảo luận về các vấn đề, cũng như cách thức có thể bắt tay giải quyết chúng một cách hiệu quả. Chúng tôi bắt đầu cuộc đối thoại này vào năm 2002, vì không có nơi nào để các bộ trưởng quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương có thể gặp nhau".

Theo ông, Đối thoại Shangri-La "luôn rộng mở không gian để đảm bảo các quốc gia có liên quan tới an ninh khu vực có thể gặp nhau ít nhất mỗi năm một lần".

Căng thẳng hàng hải, tranh chấp các vùng biển ở châu Á và sự bất an trước thái độ quả quyết, thậm chí gây hấn, của Trung Quốc sẽ là các phần thảo luận.

Trong khuôn khổ cuộc Đối thoại sẽ diễn ra các cuộc gặp bộ trưởng song phương.

Tân lãnh đạo Lầu Năm Góc Chuck Hagel - người đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực củng hộ thành lập Đối thoại từ 10 năm trước - sẽ có các cuộc gặp ba bên với người đồng cấp Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như song phương với bộ trưởng quốc phòng Australia và Nhật.

Ông Hagel cũng sẽ thăm tàu USS Freedom - con tàu mang tính biểu tượng cho trục xoay của Washington hay còn gọi là sự tái cân bằng lực lượng hướng về châu Á sau hơn một thập niên tập trung vào các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.

Con tàu này sẽ có mặt tại Singapore trong khoảng 10 tháng. Đây là loại tàu nhỏ, linh hoạt, đa chức năng từ tác chiến bề nổi tới tác chiến chống ngầm. Con tàu có khả năng hoạt động gần bờ nên còn có tên là tàu tuần duyên. Washington có ý định để tàu hoạt động cùng với các tàu của đồng minh trong khu vực.

Những phát ngôn viên của Mỹ khẳng định rằng, chiến lược tái cân bằng hướng về châu Á có cả khía cạnh ngoại giao và kinh tế chứ không đơn thuần là mục đích quân sự. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại chú ý tới phương diện quân sự của chiến lược. "Trục xoay" của Mỹ bị khá nhiều nhà phân tích Trung Quốc coi là nỗ lực kiềm chế sức mạnh trỗi dậy từ nước này.

Khi ông Tập Cận Bình tới California tuần tới tham dự hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Mỹ, ông sẽ tìm kiếm mối quan hệ chiến lược mới với Washington. Trung Quốc cũng sẽ cử đại diện tham dự Đối thoại Shangri-La, không phải là bộ trưởng quốc phòng mà là phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Thích Kiến Quốc.

Trong khi nhấn mạnh mong muốn hợp tác hơn nữa với Bắc Kinh, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nhà Trắng sẵn sàng từ bỏ vị thế là người chơi quân sự chủ chốt ở châu Á - Thái Bình Dương. Giới phân tích lo ngại rằng, sự hoài nghi lẫn nhau tồn tại giữa Trung Quốc, Mỹ sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng ở một khu vực vốn đã giống như vạc dầu sôi.

Thái An (theo BBC)