Tự tạo cơ hội “cá bé nuốt cá lớn”
Với mong muốn chia sẻ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) về những giải pháp để vượt qua khó khăn, tiếp tục tồn tại và phát triển trong giai đoạn nhiều khó khăn, Cộng đồng chuyển đổi số Việt Nam “CHUDOSO” hôm nay, ngày 24/3 đã tổ chức chương trình livstream “Chiến lược thời khủng hoảng Covid - Bán hàng hay là chết?”, với sự góp mặt của 3 diễn giả: Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Vinalink Tuấn Hà; CEO Accesstrade Đỗ Hữu Hưng, và Shark Nguyễn Hòa Bình, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch NextTech.
Nhấn mạnh dịch Covid-19 đã và đang tác động rất nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, Shark Bình cho rằng, tình huống đặt ra là doanh nghiệp sẽ chịu chết, đứng im cho khủng hoảng nhấn chìm hay lựa chọn xông pha, tự tạo nên cơ hội “cá bé nuốt cá lớn” để thích nghi và tăng trưởng.
Cho rằng khẩu hiệu “chuyển đổi số” chưa bao giờ dâng cao khí thế như lúc này bởi đó sẽ là công cụ hỗ trợ tăng thu giảm chi – giải pháp cần kíp cho các doanh nghiệp, Shark Bình đã chia sẻ lại 10 biện pháp kinh điển được chứng minh có thể cứu doanh nghiệp trong cơn khủng hoảng, như: rút mọi hạn mức tín dụng cam kết; thực hiện giảm chi phí mạnh mẽ; giảm nhu cầu thuê mặt bằng ngay lập tức; tích cực điều chỉnh các khoản nợ phải trả trong điều kiện phù hợp của công ty.
Đồng thời, đàm phán với các đối tác kinh doanh về kế hoạch thanh toán hoặc ngày thanh toán để làm chậm quá trình thanh toán càng lâu càng tốt. Tiếp theo, chậm trả thì phải tăng thu. Thu thập các khoản phải thu ngay lập tức.
Các doanh nghiệp cũng cần tìm mọi cách đẩy hàng để giảm tồn kho để chuyển đổi tất cả thành tiền cùng với đó trì hoãn các đơn đặt hàng mới để giải phóng hàng tồn; xác định các loại tài sản, dòng sản phẩm kinh doanh, đất đai, sở hữu trí tuệ hoặc bất cứ thứ gì có thể bán để tăng tiền mặt; giảm hoặc trì hoãn các khoản thuế hoặc các khoản nghĩa vụ khác; và cuối cùng là tìm kiếm các giải pháp, ý tưởng mới bằng việc tham gia với các Hiệp hội doanh nghiệp, Cơ quan Chính phủ, hợp lại cùng nhau vượt khó và lan tỏa giá trị tích cực cho xã hội.
Chia sẻ tại buổi livestream, ông Tuấn Hà và ông Đỗ Hữu Hưng cũng đưa ra lời giải cho doanh nghiệp là chuyển đổi số và dịch chuyển sản phẩm. Có nghĩa là, doanh nghiệp phải sáng tạo ra các sản phẩm phù hợp, thiết và linh động với thời kì hiện nay. Phải lựa chọn hoặc là biến đổi sản phẩm phù hợp hoặc là không dịch chuyển được thì chấp nhận bỏ vốn để xây dựng khách hàng tiềm năng trong tương lai.
Các diễn giả đã đưa ra hai case study tiêu biểu hiện nay, đó là Be đã ra mắt ứng dụng đi chợ hộ trong thời kì dịch Covid-19, mọi người hạn chế ra đường; và Coop-mart trước đây được biết chỉ là doanh nghiệp với các chuỗi siêu thị bán lẻ thì nay đã chuyển hóa, tham gia bán hàng online.
Cách nào “vượt qua sóng gió” bằng chuyển đổi số?
Theo các chuyên gia, để hiểu và ứng dụng chuyển đổi số làm kim chỉ nam cho doanh nghiệp vượt qua sóng gió do dịch Covid-19, trước tiên cần hiểu đơn giản chuyển đổi số là thay đổi các hành vi đang làm hàng ngày từ chân tay hay các thứ vật lý sang ứng dụng công cụ CNTT vào vận hành doanh nghiệp.
Làm rõ vấn đề trên, Shark Bình đã đưa ra 3 nhóm giải pháp, trả lời cho ba câu hỏi: Tiếp tục bán hàng như thế nào cho từng nhóm doanh nghiệp? kiểm soát chất lượng làm việc “work from home” thế vào và Bán hàng mọi nơi mọi lúc bằng cách nào?
“Các doanh nghiệp nếu muốn duy trì sự sống bằng việc bán hàng thì phải chủ động và bắt buộc ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số”, ông Hưng nhấn mạnh.
Cụ thể, theo CEO Accesstrade, với sales thụ động, tức là các cửa hàng offline, cần áp dụng kênh bán hàng online và áp dụng triệt dể mọi kênh quảng cáo. Với mô hình direct sales, cần thiết lập các cuộc gặp và giới thiệu sản phẩm qua video call thay vì gặp mặt trực tiếp như trước đây và cần chú trọng sales service.
Đối với tele sales, cần ứng dụng quản lý bán hàng online, tích hợp tổng đài tư vấn, phân chia luồng khách hàng, báo cáo kinh doanh của từng nhân viên trên các nền tảng công nghệ hỗ trợ kinh doanh hiệu quả.
Một bài toán nữa đặt ra với trong giai đoạn khó khăn là quản lý chất lượng làm việc tại nhà cũng đã được 3 diễn giả chia sẻ. Các diễn giả đều cho rằng, cần quản lý hiệu quả công việc thay vì thời gian làm việc, áp dụng mô hình quản lý năng suất lao động KPI, OKR. Xây dựng bộ chính sách “work from home” cụ thể đối với từng phòng ban. Và đặc biệt, phải ứng dựng công cụ, phần mềm quản lý nhân sự, quản lý kinh doanh… Khi ấy, công nghệ số sẽ không còn là một khái niệm xa lạ mà đã thực sự “hòa nhập” vào cuộc sinh tồn cùng doanh nghiệp.
Khi đã ứng dụng chuyển đổi số, vấn đề đặt ra là liệu các doanh nghiệp có thể bán hàng mọi lúc, mọi nơi. Câu trả lời cho vấn này, theo các diễn giả, là có. Như Shark Bình chia sẻ, điển hình thành công của việc sử dụng công nghệ chuyển đổi số là tìm ra cơ hội kinh doanh xuyên biên giới. “Khi bạn ngồi ở nhà bạn cũng có thể bán hàng trên toàn thế giới”, ông Bình nói.
Đây cũng là hình thức, nền tảng hỗ trợ kinh doanh mà các thành viên trong cộng đồng “CHUDOSO” đang vận hành, như hệ thống quản lý kho xuyên biên giới Fullfillment - Boxme hay nền tảng drop shipping Netsale và các doanh nghiệp hoàn toàn có thể cùng liên kết với nhau để hỗ trợ nhau vượt qua thời dịch bệnh.
“Trong thời kì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục bán hàng, tiếp tục vận hành nếu không muốn sẽ chết vì đói. Để sống và phát triển được thì bắt buộc các doanh nghiệp phải sử dụng các giải pháp chuyển đổi số và cuối cùng chuyển đổi số hay là chết?”, Shark Bình nhấn mạnh.