Tờ National Interest đưa tin, tuần trước, các nhà ngoại giao Nhật Bản đã gặp gỡ những người đồng nhiệm người Triều Tiên tại Bắc Kinh, để thảo luận về việc Bình Nhưỡng thực hiện lời hứa điều tra lại các vụ công dân Nhật bị bắt cóc.  

TIN BÀI LIÊN QUAN

Sau nhiều tháng chịu sức ép, Bình Nhưỡng đã nhất trí mở lại các vụ điều tra vào cuối tháng 5, sau khi gặp các quan chức Nhật tại Thụy Điển, bày tỏ tín hiệu cho thấy một sự đột phá tiềm tàng trong quan hệ Nhật Bản – Triều Tiên.  

{keywords}
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: NI

Đây cũng là một kết quả đáng mừng cho Thủ tướng Shinzo Abe, người từ lâu đã mong mỏi giải quyết vấn đề công dân bị bắt cóc.  

Sự đột phá này là một chiến thắng về mặt ngoại giao rất quan trọng cho Nhật Bản, vì Tokyo đã gây sức ép lên Triều Tiên suốt nhiều năm liền để mở lại vụ việc. Bình Nhưỡng tuyên bố rằng, vấn đề trên đã được giải quyết từ hồi năm 2002, khi cố Chủ tịch Kim Jong Il và cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi ký Tuyên bố Bình Nhưỡng năm 2002. 

Vào lúc đó, Bình Nhưỡng trả lại 5 người Nhật bị bắt cóc và ngụ ý số còn lại có thể đã qua đời, mất tích hoặc không có mặt ngay từ những lúc ban đầu. Tokyo vẫn tiếp tục tranh cãi về tuyên bố trên và đưa ra bằng chứng cho thấy, Triều Tiên đã không minh bạch trong việc này. 

Đặc biệt, Triều Tiên tuyên bố thành lập một Ủy ban Đặc biệt để điều tra mọi trường hợp nghi ngờ cũng như hiện tại. Đáp lại, Nhật đồng ý gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đang áp đặt lên Bình Nhưỡng, bao gồm cả lệnh cấm đi lại, một số giới hạn về các giao dịch tài chính và cho tàu của Triều Tiên tiếp cận cảng của Nhật Bản. Tuy nhiên, việc gỡ trừng phạt tới đâu còn phụ thuộc vào đánh giá của Tokyo xem mức độ chân thành của Triều Tiên ra sao. 

Như vậy, một mặt ông Abe có bước đột phá về ngoại giao với Triều Tiên, mặt khác vẫn nắm được các ‘con chủ bài’ khác. Phần lớn trừng phạt của Nhật nhằm vào Triều Tiên sẽ vẫn giữ nguyên, chủ yếu tập trung vào chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này bất kể kết quả các cuộc đối thoại là gì.  

Hơn nữa, Tokyo sẽ vẫn đẩy mạnh những nỗ lực để cải thiện các lựa chọn phòng thủ ba bên với Mỹ và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, gần đây nội các của ông Abe đã giải thích lại Hiến pháp về nội dung phòng thủ tập thể. Một trong những bối cảnh mà Nhật Bản nêu ra cho sự thay đổi này là môi trường an ninh ‘khắc nghiệt’ tại Đông Bắc Á, mà trong đó bao gồm cả một Triều Tiên khó lường. 

Tuy vậy, cách tiếp cận của ông Abe đối với Triều Tiên lại làm cho Hàn Quốc, và ở một chừng mực nào đó là cả Mỹ, không hài lòng. Seoul đặc biệt lo ngại rằng, ông Abe đánh liều có thể làm suy yếu các nỗ lực ba bên nhằm đẩy lui các kế hoạch phát triển tên lửa và công nghệ hạt nhân của Triều Tiên.

Một loạt các cuộc phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên và những lời Tokyo lên án một ngày trước cuộc gặp tại Bắc Kinh đã bồi thêm một lớp phức tạp nữa vào mối quan hệ này. Phản ứng của Nhật Bản là dễ hiểu và nhất quán với những lần Triều Tiên phóng thử tên lửa tầm ngắn trước đó.

Sự phản ứng có chừng mực này, cùng với một loạt động thái kiềm chế đối với các vụ thử hồi mùa xuân là một dấu hiệu cho thấy, chính quyền ông Abe muốn theo đuổi tới cùng các đối thoại về công dân bị bắt cóc.

Tuy nhiên, việc ông Abe mở cửa đối thoại với Triều Tiên cũng có ‘vòng đời’ ngắn. Một hành động mang tính khiêu khích nhất thời bất ngờ, chẳng hạn như việc Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ tư hoặc thử tên lửa tầm xa sẽ buộc ông Abe phải từ bỏ cách tiếp cận này.

Thêm vào đó, Washington cũng liên tục gây sức ép lên ông Abe nhằm có hành động cải thiện quan hệ với Seoul. Điều này cũng có nghĩa là lộ trình ngoại giao hiện nay của Nhật với Triều tiên cần một giải pháp mau lẹ, hoặc là lại rơi vào ngõ cụt như những lần trước.

Về các đàm phán liên quan tới công dân bị bắt cóc, Tokyo vẫn hoài nghi việc Bình Nhưỡng muốn thành lập Ủy ban Đặc biệt để tiến hành công việc điều tra, cho tới chừng nào có kết quả hữu hình đạt được từ một loạt hành động không nhất quán nổi lên từ các tiết lộ ban đầu của Triều Tiên sau chuyến công du của ông Koizumi tới Bình Nhưỡng hồi năm 2001.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng vẫn duy trì mong muốn của Nhật để có một nghị quyết nhằm dẫn tới việc nới lỏng các trừng phạt kinh tế từ Tokyo, và cùng lúc đó là làm suy yếu các nỗ lực nhằm kiềm chế chính quyền ông Kim Jong Un.

Ông Abe cũng công khai nói rằng muốn tới Triều Tiên nếu như Bình Nhưỡng có tiến triển về vấn đề công dân bị bắt cóc. Nhưng thực tế, đây lại là một tuyên bố đầy tính toán, vì Tokyo vẫn cực kỳ thận trọng về việc đáp ứng Bình Nhưỡng nếu như không có kết quả rõ rệt.

Chính quyền ông Abe có thể vẫn duy trì cách tiếp cận này trong những tháng tới đây và đối phó với các sự việc bất ngờ có thể ngáng chân các cuộc đàm phán trước khi giải quyết được việc gì.

Cùng lúc, Nhật Bản cũng sẽ phải minh bạch và đối thoại nhiều hơn với Washington và Seoul về vấn đề Triều Tiên và đảm bảo với các bên rằng, đối thoại Tokyo – Bình Nhưỡng chỉ tập trung vào đề tài rất hẹp và sẽ không dẫn tới việc nới rộng hơn nữa các lệnh trừng phạt.

Lê Thu