Từ ngày 30/4 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác áp dụng chỉ thị của chính phủ như giãn cách, không tập trung đông người khi không cần thiết.
Từ đó, nhiều nghệ sĩ phải đối mặt với việc mất thu nhập vì không có show diễn. Chia sẻ với Zing, một vài nghệ sĩ múa, ca sĩ cho biết họ phải chuyển sang làm việc khác như streamer, bán bảo hiểm hoặc xin trợ cấp từ gia đình để duy trì cuộc sống.
NSƯT Nguyễn Quỳnh Lan - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Thực nghiệm biểu diễn (Học viện múa Việt Nam) - chia sẻ vì dịch bệnh, nhiều giảng viên của trung tâm phải bán quần áo, đồ ăn online để có thêm thu nhập. Dưới góc độ lãnh đạo, chị Lan hoàn toàn ủng hộ điều này.
Đổi nghề làm streamer
Đinh Hương Ly, cựu sinh viên Cao đẳng múa Hà Nội, hiện là vũ công làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam chia sẻ với Zing cô phải chuyển hướng làm streamer game để có thêm thu nhập. Do dịch bệnh Covid-19, thu nhập từ công việc nghệ thuật của Hương Ly bằng 0. Giống với đa phần nghệ sĩ khác, nữ vũ công bị hủy toàn bộ show diễn.
Để có thêm chi phí trang trải cho cuộc sống, từ đầu tháng 5, Hương Ly tìm hiểu và bắt đầu công việc streamer. Theo lời miêu tả của nữ vũ công, streamer giúp cô có thêm thu nhập trong những ngày chỉ ở nhà theo lệnh giãn cách xã hội. Tuy nhiên, vì là người mới, cô chưa kiếm được quá nhiều tiền từ công việc này.
"Hiện tại, tôi trong quá trình xây dựng mọi thứ và chỉ kiếm được chút ít gọi là động viên. Nhưng công việc đó giúp tôi ổn định tinh thần hơn, ít nhất là có việc để làm", Hương Ly nói.
Hương Ly hiện là vũ công làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
"Tôi sẽ đầu tư mọi thứ dần dần khi kiếm được mức ổn định. Tôi may mắn hơn người khác khi được ở chung với bố mẹ nên đỡ được tiền nhà. Nhưng tôi cũng phải tự cắt giảm đi rất nhiều. Ngày trước, thích món đồ gì, tôi cố gắng mua cho bằng được. Còn bây giờ mọi thứ phải trong tầm kiểm soát vì không kiếm ra như trước", vũ công tâm sự.
Hương Ly nhận định Covid-19 khiến nhiều người gặp khó khăn, thậm chí rơi vào cảnh cùng cực. Vì thế, tìm ra công việc streamer trong thời điểm này là may mắn của cô. Nữ vũ công hy vọng mọi thứ sớm qua đi, cuộc sống được trở lại như cũ.
Bán bảo hiểm để có tiền phụ gia đình
Nguyễn Tuấn Phong, dancer tại vũ đoàn Grammy cho biết anh phải đi bán bảo hiểm để có tiền duy trì cuộc sống.
Tuấn Phong bắt đầu chuyển hướng vào tháng 10/2020 - khi đợt dịch thứ hai bùng phát. Thời điểm đó, nam vũ công nhận ra nếu chỉ trông chờ vào thu nhập từ công việc dancer trong mùa dịch, anh khó có thể cân bằng cuộc sống.
Là thu nhập chính trong gia đình, Tuấn Phong chịu không ít áp lực tài chính khi Covid-19 ập đến. Ngày trước, Phong kiếm được tiền từ công việc đi diễn và dạy nhảy. Hiện tại, anh bị hủy show, lớp học nhảy cũng phải tạm đóng cửa. Trong thời điểm khó khăn, nam vũ công cho rằng bán bảo hiểm là việc phù hợp với anh bởi tính linh động thời gian, không cần chuẩn bị quá nhiều.
Tuấn Phong chuyển sang bán bảo hiểm để phụ giúp gia đình. Ảnh: NVCC. |
"Gia đình tôi phải cân đối lại chi tiêu. Thay vì đi siêu thị như trước, bố mẹ tôi chuyển sang đi chợ đầu mối để mua đồ được rẻ. Cũng lâu rồi cả nhà không ăn đồ đắt tiền như hải sản mà chỉ ăn thịt lợn, thịt gà. Ngay cả tiền điện nước, gia đình cũng bảo nhau dùng tiết kiệm hơn", Tuấn Phong kể.
Khi trước, mức chi tiêu cho gia đình Phong gồm bốn người sẽ tốn khoảng 15 triệu đồng. Trong mùa dịch Covid, mọi thứ hạn chế lại và chỉ dừng tiêu ở mức dưới 10 triệu đồng.
Xin trợ cấp từ gia đình
Trang Linh (sinh năm 2002) - cựu sinh viên Học viện múa Việt Nam, hiện cộng tác và thử việc tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, cho biết trước dịch bệnh, số tiền kiếm được từ các show diễn giúp cô đủ chi trả sinh hoạt phí đơn giản. Hiện tại, vì tất cả đều bị hủy, Linh phải xin trợ cấp hoàn toàn từ gia đình.
Vì dịch bệnh, Trang Linh không kiếm thêm được công việc gì khác. Hiện tại, cô dành toàn bộ thời gian ở nhà và tự tập luyện để giữ nghề.
"Tôi và các bạn cùng khóa mới ra trường được vài tháng. Trước dịch, ai cũng có thu nhập ổn định. Những bạn không ở Hà Nội đều đi thử việc, có show để duy trì cuộc sống. Còn bây giờ, bạn bè của tôi đều về quê hết vì không có tiền trả tiền nhà", Trang Linh kể.
Hoàng Anh Tú - cựu sinh viên Học viện múa Việt Nam, hiện làm việc tại Đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân (Bộ Công an) cho biết khi không có dịch bệnh, trung bình mỗi tháng cô kiếm được khoảng 15 triệu đồng - thu nhập từ việc đi diễn và đi dạy thêm.
"Trước khi dịch bùng phát, tôi có chút tiền tiết kiệm sau nhiều năm đi diễn, đi dạy. Hiện giờ, tôi phải dùng đến số tiền này để trang trải vì hoàn toàn không có thu nhập gì. Tuy nhiên, chắc được khoảng một, hai tháng sẽ hết. Dù cắt giảm chi tiêu nhưng cuộc sống của tôi khó khăn, bố mẹ bắt đầu gửi đồ ăn từ quê lên cho tôi. Nếu sắp tới, tình hình không khả quan hơn, chắc tôi phải xin tiền gia đình để trả tiền nhà", Anh Tú kể.
Vì chưa tìm được công việc gì phù hợp, Anh Tú chưa thể đi làm thêm.
Hoàng Anh Tú phải dùng tiền tiết kiệm để trang trải cuộc sống khi không có thu nhập. Ảnh: NVCC. |
Ủng hộ nhân viên bán hàng
NSƯT Nguyễn Quỳnh Lan - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Thực nghiệm biểu diễn (Học viện múa Việt Nam) chia sẻ: "Lương giảng viên rất thấp, nếu chỉ dựa vào đồng lương sẽ không đủ sống. Nhiều giảng viên làm hợp đồng, không có lương chính nên hiện tại khó khăn. Những giảng viên trẻ thường đi diễn bên ngoài nhưng hiện tại cũng phải hủy hết. Tôi nghĩ đây là tình hình khó khăn chung của tất cả ngành nghề và nghệ thuật nằm trong số đó".
NSƯT Quỳnh Lan kể nhiều thầy cô giáo trong ngành mở lớp học online, chỉ lấy một phần chi phí rất nhỏ để duy trì tinh thần học tập cho học sinh. Ngoài ra, nghệ sĩ Quỳnh Lan cho biết nhân viên tại Trung tâm Đào tạo và Thực nghiệm biểu diễn làm thêm nhiều công việc để duy trì cuộc sống như bán quần áo, bán - ship đồ ăn online.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Ảnh: NVCC. |
"Trong văn phòng của tôi đang có 3 cô giáo múa bán hàng online. Tôi hoàn toàn ủng hộ mọi người làm thêm để có thu nhập. Dịch bệnh kết thúc, tôi vẫn đồng tình với việc mọi người tìm thêm hướng giải quyết kinh tế, cân bằng cuộc sống gia đình. Tất nhiên công việc chính mọi người không bỏ bê. Tôi cho rằng những người biết tìm cách để làm mọi thứ ổn hơn là người năng động. Ngoài ra, khi mỗi người thỏa mãn nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống sẽ đầu tư tâm huyết vào công việc chính tốt hơn", NSƯT bày tỏ.
Ngoài ra, giống với nhiều tổ chức khác, công việc kinh doanh của Trung tâm Đào tạo và Thực nghiệm biểu diễn cũng gặp không ít khó khăn khi các lớp học múa phải tạm nghỉ. Với chị Quỳnh Lan, là tình hình chung toàn xã hội, mỗi người đều phải cố gắng, tìm cách xoay sở, thu xếp cuộc sống cho riêng mình, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng.
Đối mặt với tình hình khó khăn của những đơn vị hoạt động nghệ thuật, ngày 27/5, lần đầu tiên Bộ trưởng, các Thứ trưởng và lãnh đạo Văn phòng Bộ, các Cục, vụ chức năng có liên quan có buổi làm việc với 12 nhà hát thuộc Bộ để lắng nghe ý kiến, chia sẻ của nghệ sĩ về những khó khăn mà họ đang gặp phải trong thời gian này.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Chúng tôi biết rằng thời gian qua ngành nghệ thuật biểu diễn chịu ảnh hưởng rất nhiều so với một số ngành, nghề và lĩnh vực khác trong xã hội bởi tác động của đại dịch Covid-19. Những khó khăn, bất cập của nghệ thuật biểu diễn không chỉ tồn tại ở thời điểm này mà đã kéo dài nhiều năm nay".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, để giải quyết những khó khăn trước mắt do tác động nặng nề của dịch Covid-19, lãnh đạo Bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập.
Theo Zing
Khốn đốn vì dịch Covid-19: Diễn viên đi làm thợ nhôm kính, về quê chăm con
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều Nhà hát phải đóng cửa, đẩy các diễn viên, nghệ sĩ vào cảnh thất nghiệp hoặc bỏ nghề, phải làm thêm nhiều nghề tay trái để mưu sinh...