Quỹ bảo trì chung cư được quy định là khoản tiền 2% giá trị căn hộ tại dự án.
Quỹ bảo trì chung cư được quy định là khoản tiền 2% giá trị căn hộ tại dự án. Theo Luật Nhà ở thì ngay sau khi thành lập được ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm phải bàn giao khoản tiền này cho ban quản trị nhằm phục vụ mục đích bảo trì, bảo dưỡng cho tòa nhà. Pháp luật đã có quy định, song trên thực tế, việc thực hiện còn quá nhiều bất cập, trong đó chủ yếu xuất phát từ sự chây ỳ của các chủ đầu tư. Đơn cử như tại chung cư Sky City Tower, Hà Nội... mặc dù đã thành lập ban quản trị 3 năm nay, nhiều hạng mục của tòa nhà bắt đầu hư hỏng, song việc duy tu, bảo dưỡng lại đang gặp rất nhiều khó khăn do chủ đầu tư chưa chuyển giao khoản quĩ bảo trì.
Cùng chung cảnh ngộ với cư dân Sky City là các hộ dân đang sinh sống tại tòa nhà Keangnam, Hà Nội. Đáng nói hơn, khoản quỹ này đang có nguy cơ không thể lấy lại do chủ đầu tư tòa nhà gặp rắc rối về tài chính. Theo quy định của pháp luật thì khi chủ đầu tư thu của dân thì phải gửi vào ngân hàng, nhưng ở đây thì lại bị chiếm dụng. Trong khi số tiền hàng năm để bảo trì cho tòa nhà trung bình khoảng từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Nếu số tiền bảo trì mà Keangnam không thanh toán cho người dân thì vận hành tòa nhà sẽ rất khó khăn bởi vì hệ thống sử dụng lâu dài sẽ hỏng hóc và thay thế nhiều.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều các nhà chung cư đang bị chủ đầu tư chiếm dụng tiền quỹ bảo trì. Và mới đây, ngày 20/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Đáng chú ý trong nghị định này là việc UBND cấp tỉnh có thể tiến hành cưỡng chế đối với những chủ đầu tư cố tình chây ỳ, chậm bàn giao quỹ bảo trì chung cư. Quy định này được xem là đã tạo thêm công cụ pháp lý để người dân đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, Nghị định 99/2015 đưa ra ba phương án thu hồi quỹ bảo trì chung cư là cưỡng chế tài khoản tiền gửi quỹ bảo trì do chủ đầu tư thành lập, cưỡng chế tài khoản của chủ đầu tư tại các tổ chức tín dụng và xử lý tài sản để thu hồi kinh phí bảo trì. Trong khi phương pháp cưỡng chế tài khoản của chủ đầu tư tại các tổ chức tín dụng được xem là có tính khả thi cao thì biện pháp xử lý tài sản lại bị xem là khó thực hiện bởi hầu hết tài sản này đều đã được thế chấp cho ngân hàng.
Các tòa chung cư cao tầng đang mọc lên ngày càng nhiều tại Hà Nội, tuy nhiên nếu không có những quy định cụ thể, cùng với đó là các biện pháp quản lý chặt chẽ và quyết liệt, thì những người dân sinh sống tại các tòa nhà này sẽ còn gặp phải nhiều thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp với chủ đầu tư. Bên cạnh đó, nhà nước cần nhanh chóng xây dựng cơ chế công nhận các ban quản trị nhà chung cư là pháp nhân, bởi đây là nguyên nhân chính dẫn tới sự lép vế của các tổ chức này khi đứng ra đấu tranh với chủ đầu tư.
Theo SKĐS