Ngày 26/6, Thông tư 20 của Bộ Công Thương siết nhập khẩu ô tô có hiệu lực.
Khoảng 1.700 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô lâu nay sẽ phải ngừng nhập, chuyển
hướng hoạt động. Giá ô tô nhập khẩu bắt đầu tăng giá...
Doanh nghiệp đóng cửa, giá tăng
Ông Hồ Khắc Hùng, Giám đốc điều hành Cty Tây Bắc (doanh nghiệp chuyên nhập khẩu
ô tô), cho biết giá nhiều loại xe đang có xu hướng tăng. Do tác động của Thông
tư 20, thị trường đang đi theo xu hướng: Khách đến, saloon phát giá, mua thì mua
còn không mua thì thôi do doanh nghiệp không có cửa để nhập xe về như trước.
Tình hình cũng tương tự với các doanh nghiệp nhập khẩu xe khác. Thị trường hầu
như không có nhiều xe mới.
Các dòng xe sang tăng nhiều hơn các dòng xe nhỏ. Giá xe giao của các doanh
nghiệp cho các showroom hiện tăng trung bình 300 – 400 USD/chiếc tùy loại. Hiện
giá bán sỉ xe Matiz Groove (full option) SX 2011 khoảng 18.800 USD.
Các showroom bán lẻ, sau khi nhập về bán cho khách với giá tăng thêm khoảng 500
USD/chiếc. Lãnh đạo một doanh nghiệp chiếm thị phần ô tô nhập khẩu lớn ở Hà Nội,
cho biết giá các dòng xe nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc và Mỹ đang tăng khoảng 500-
600 USD/chiếc tùy loại trong những ngày gần đây. Xe tăng giá do các doanh nghiệp
chỉ dự trữ được tối đa lượng xe bán trong 2 tháng tới.
Theo ông Hùng, thị trường sau ngày 26-6 rất khó đoán định. Có điều chắc chắn là
sẽ khan hàng và giá tăng vọt vì các nhà nhập khẩu không còn xe để bán. Việc đáp
ứng các quy định của Bộ Công Thương về nhập khẩu xe là không thể thực hiện được
với các doanh nghiệp nhập khẩu. Sau thời điểm trên, doanh nghiệp chỉ còn cách
chuyển sang nhập xe cũ hoặc đóng cửa.
“Chắc chắn những nhà phân phối lớn sẽ phải đóng cửa. Doanh nghiệp nhỏ khác muốn
tiếp tục kinh doanh nhỏ thì có thể tận dụng mặt bằng thuê chuyển sang dịch vụ
khác. Việc nhập hoặc lấy lại hàng của các đại lý phân phối chính hãng để bán lại
là không hiệu quả”- Ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Thương mại Kylin
- GX668, Thông tư 20 ra đời sẽ khiến doanh nghiệp nhập khẩu ô tô lâu nay phải
đóng cửa nhưng không ảnh hưởng nhiều tới nguồn cung xe nhập khẩu. Bởi các doanh
nghiệp được ủy quyền khác vẫn sẽ nhập, thậm chí nhập nhiều hơn để đáp ứng nhu
cầu thị trường. Chỉ có điều, sẽ dẫn đến việc mất kiểm soát về mẫu mã và giá do
các doanh nghiệp thuộc VAMA có được chứng nhận phân phối chính hãng sẽ nắm vị
thế độc quyền.
Khi đã nắm vị thế độc quyền sẽ dẫn tới việc thị trường không thể có nhiều mẫu mã
xe như hiện nay, do các nhà nhập khẩu có thể bắt tay để nhập khẩu những dòng xe
tồn của hãng ở nước ngoài để giải phóng hàng. Khi không còn sự cạnh tranh về giá
thì sẽ không thể kiểm soát được.
Bịt đường nhập xe cũ
Lo ngại chặn đường nhập khẩu xe mới, doanh nghiệp chuyển sang nhập xe cũ. Hiện
Bộ Tài chính đã có văn bản, yêu cầu Tổng cục Hải quan nghiên cứu ban hành chính
sách áp thêm thuế theo tỷ lệ phần trăm, bên cạnh việc áp thuế tuyệt đối với mức
5.000 hoặc 10.000 USD/chiếc tùy loại như lâu nay.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, nếu tăng thêm thuế như vậy, thì không doanh nghiệp nào
có thể nhập xe về được. Bởi khi đó giá xe cũ tương đương xe mới, thậm chí đắt
hơn khi cộng thêm thuế thì bán cho ai.
“Coi như chúng tôi hết cửa làm ăn. Đây là cách khóa, chặn hết cửa đối với doanh
nghiệp thương mại để giành thế độc quyền cho các nhà phân phối chính hãng”- Ông
Hùng phân tích.
“Khả năng chúng tôi sẽ phải chuyển ngành nghề kinh doanh trong thời gian tới vì
ngay cả việc nhập khẩu linh kiện về lắp ráp trong nước cũng không thể thực hiện
được, do vướng giấy chứng nhận ủy quyền. Đây là cuộc chiến thương mại với lợi
nhuận khổng lồ chuyển từ tay người này sang tay người khác”- Đại diện một doanh
nghiệp nhập khẩu khẳng định.
Giá ô tô ngày càng cao do chính sách thuế và biện pháp hạn chế nhập khẩu. Ảnh: Hồng Vĩnh
Kiên quyết siết
Nhằm thống nhất việc thực hiện Thông tư số 20 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu
xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống, ngày 22-6, Bộ Công Thương có
văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn các đơn vị hải quan kiểm tra các văn
bản ủy quyền, chỉ định là nhà nhập khẩu, phân phối.
Theo đó, khi nhập khẩu xe doanh nghiệp phải có văn bản ủy quyền là thỏa thuận
giữa các bên có liên quan. Nội dung văn bản ủy quyền phải có nội dung cơ bản
như: Tên, địa chỉ của thương nhân ủy quyền và thương nhân được uỷ quyền; phạm vi
uỷ quyền (nhập khẩu, phân phối hàng hóa tại Việt Nam), thời hạn ủy quyền.
Bộ GT-VT cũng đã ban hành Thông tư số 43, áp dụng từ 1-7, quy định các thương
nhân nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu xe ô tô mới và đã qua sử dụng để kinh doanh
tại Việt Nam phải công bố tài liệu về chế độ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô cho
người mua. Trong đó ghi rõ chế độ bảo hành, bảo dưỡng xe, địa chỉ các cơ sở bảo
hành và đảm bảo cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho từng loại xe ô tô bán
ra thị trường.
Cùng với đó, nội dung bảo hành, bảo dưỡng và chu kỳ bảo dưỡng xe ô tô phải được
thực hiện theo quy định của nhà sản xuất xe ô tô.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng với hệ thống
hạ tầng còn bất cập, tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông ngày một
gia tăng, việc siết chặt nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ là cần thiết và phù hợp
với cam kết gia nhập WTO.
Lượng ô tô tiêu thụ tháng 5 giảm mạnh Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 5, sản lượng bán hàng của các thành viên VAMA đạt 7.661 xe, giảm 1.748 chiếc (19%) so với tháng 5-2010. Sụt giảm lượng bán nhiều nhất là Toyota Việt Nam. Trong tháng 5, “đại gia” này chỉ bán được 1.459 chiếc, tương ứng với 1.049 chiếc (giảm 43%) so với tháng 4. Đây cũng là mức sản lượng thấp nhất của liên doanh này trong vòng 3 năm trở lại đây. Hãng Honda cũng chỉ bán được 193 chiếc, giảm 37%. Mitsubishi (Vinastar) đạt 127 chiếc, giảm 29%. Suzuki (Visuco) đạt 328 chiếc, giảm 19%. Hino đạt 65 chiếc, giảm 46%. |