Đây là nội dung diễn ra tại hội nghị “Thúc đẩy triển khai thực hiện luật phòng, chống tác hại thuốc lá” do UB Các vấn đề xã hội của QH tổ chức sáng 16/5 tại Hà Nội.
Chậm trễ
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá mới có hiệu lực được 16 ngày, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết đã có được một vài điểm nhấn: đẩy mạnh truyền thông; doanh nghiệp triển khai tích cực việc in nhãn cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc; chuẩn bị tốt các bước thành lập “Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá”.
Điểm cuối cùng là các văn bản hướng dẫn thi hành luật dù chưa có song “chưa bao giờ thấy một luật nào được ban hành mà có tới 4 văn bản dưới luật cùng ở giai đoạn xin ý kiến các thành viên Chính phủ để được sớm ban hành”.
ĐB Nguyễn Anh Sơn: Bộ Y tế đã chậm xây dựng các văn bản dưới luật. Ảnh: Minh Thăng |
Với những “thành tích” trên, ông Quang đánh giá các hoạt động triển khai của Bộ
Y tế là “rất tích cực”.
Sau khi nghe phần trình bày của ông Nguyễn Huy Quang, một số đại biểu nhận xét
ông hơi “lạc quan” vì hiệu quả của công tác tuyên truyền còn rất hạn chế. Trên
thực tế nhiều người dân khi được hỏi vẫn không biết về luật này, nếu có thì cũng
chỉ biết ở mức độ “nghe thấy thôi chứ không biết nó thế nào”.
ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn cho rằng Bộ Y tế đã chậm trễ trong việc xây
dựng các văn bản dưới luật và nên nhận trách nhiệm về sự chậm trễ này.
“Luật đã ra đời và có gần một năm để chuẩn bị. Lẽ ra việc chuẩn bị các văn bản
dưới luật phải được thực hiện trước, khâu tuyên truyền cần mạnh mẽ trong lúc chờ
luật có hiệu lực”, ông Sơn nói.
Loay hoay tìm cách xử phạt
Ông Sơn tiếp tục: “Chúng tôi từng băn khoăn luật này sẽ đi vào cuộc sống như thế
nào. Lực lượng xử phạt cụ thể là ai và cách xử phạt ra sao? Tại Hong Kong họ có
lực lượng riêng, phối hợp với cảnh sát để xử phạt. Ta thì không thể làm được như
vậy”.
Đây cũng chính là điểm “loay hoay” nhất mà Bộ Y tế chưa tìm ra câu trả lời thỏa
đáng.
Ông Nguyễn Huy Quang cho biết thẩm quyền xử phạt đã được quy định rõ ràng, gồm
Thanh tra Bộ, Sở, quản lý thị trường … và cơ sở pháp lý để xử phạt đã có đầy đủ,
vấn đề là những người này đã thực thi công vụ đến đâu.
“Đến nay tôi chưa thấy Thanh tra có động thái gì cả. Phải có một cơ quan làm đầu
mối để tổ chức liên ngành, mở chiến dịch, mở các đợt thanh tra mà trong đó thanh
tra Bộ Y tế phải dẫn đầu. Ngoài ra, nên có chỉ thị của Chính phủ để tổ chức
triển khai đồng bộ do luật có sự liên quan của nhiều bộ, ban ngành”, ông Quang
nhấn mạnh.
Trước những lý lẽ mà Bộ Y tế đưa ra, ĐBQH Nguyễn Anh Sơn băn khoăn: “Bộ Y tế nói
rất tích cực nhưng không nói rõ là Bộ có làm được không? Bộ cần nói một cách cụ
thể về việc sẽ thực hiện như thế nào để đảm bảo luật sẽ đi vào cuộc sống”.
Đã ban hành thì phải thực thi
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cho biết luật ban hành
phải được thực thi, phải được đưa vào cuộc sống, nếu không thì không nên xây làm
gì cho mất thời gian
“Nếu cứ đưa ra luật mà không thực hiện, coi thường luật thì mất hết tính nghiêm
minh của pháp luật”, ông Tiên nhấn mạnh.
Trước những ý kiến mà Bộ Y tế cũng như các ĐBQH đưa ra, ông Tiên cho biết UB sẽ
xem xét lời hứa của Bộ Y tế trong kỳ họp trước xem đã thực hiện được như thế nào,
luật Phòng chống tác hại thuốc lá sẽ được thi hành ra sao.
Theo ông Tiên, các bệnh viện chưa biết làm gì để thực hiện luật, dù Bộ Y tế là
cơ quan làm luật. Ông đề nghị Bộ và các ngành cần tuyên truyền về trách nhiệm
của người đứng đầu các cơ quan vì hiện họ chưa biết thông tin gì
“Cơ quan quản lý thị trường phải có trách nhiệm, nghiêm cấm việc bán thuốc lá
cho trẻ em, cần xử phạt nghiêm để có tính răn đe. Luật này mang tính nhân văn
cao và ảnh hưởng đến xã hội rất nhiều. Mỗi năm chúng tôi sẽ giám sát một lần,
ngành nào làm không tốt sẽ có mặt trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông
Tiên nói.
Cẩm Quyên