Đáp ứng nhu cầu mua hàng giá thấp hiện nay, nhiều “siêu thị” đồ cũ xuất hiện ở nhiều nơi trong cả nước. Tại Hà Nội, hai “siêu thị” đồ cũ lớn đang sống rất “khỏe” nhờ xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng.
Đồ tốt giá “bèo”
Đến “siêu thị” đồ cũ trong chợ đầu mối Bắc Thăng Long, xã Hải Bối, Đông Anh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi hàng hoá xếp dài, rộng đến cả cây số. Ông Nguyễn Văn Thưởng, Giám đốc Công ty thương mại và dịch vụ Thưởng Thưởng, kiêm chủ “siêu thị” này cho biết: “Tôi thuê lại địa điểm và mở bán đồ cũ ở đây từ năm 2008, diện tích rộng hơn 3.000m2. Gần 100 lao động đang làm việc ở đây, công việc chủ yếu ở đây là tái chế đồ cũ với mức lương từ 3 - 7 triệu đồng/tháng”.
Thực tế quan sát cho thấy, giá bán những đồ cũ tại “siêu thị” này khá “mềm”: Tủ kem từ 800 - 2,5 triệu đồng/chiếc tùy loại; lò vi sóng tùy từng loại có mức giá giao động từ 600.000 - 1,4 triệu đồng/chiếc trong khi loại mới cùng chủng loại từ 1,2 - 2,4 triệu đồng/chiếc… Tuy nhiên, mức giá mà “siêu thị” đồ cũ đưa ra, khách hàng mặc cả vẫn giảm được xuống mức thấp hơn.
Nhiều món đồ giả cổ được bán ở “siêu thị” trong chợ đầu mối Bắc Thăng Long.
|
Nguồn hàng chủ yếu của “siêu thị” đồ cũ là từ các gia đình thanh lý, các nhà hàng, quán ăn… phá sản hay chuyển hướng kinh doanh. Hàng gom được về đến “siêu thị” nhanh chóng được phân loại đặt vào vị trí cùng chủng loại, hoặc chuyển sang xưởng tái chế, sửa chữa, hoàn thiện mới đem bày bán.
Sau “siêu thị” ở Hải Bối, chúng tôi tìm đến “siêu thị” đồ cũ ở làng Trung Văn (xã Trung Văn, Từ Liêm). Đồ cũ ở đây bày la liệt ngay trên đường vào làng. Những món đồ ở đây chủ yếu là đồ gia dụng, vật dụng thiết yếu. Chủ của “siêu thị” đồ cũ này là bà Bùi Thị Mỹ, khoảng 60 tuổi.
Bà Mỹ cho biết: “Tôi phục vụ cho người dân nghèo. Ở đây không thiếu bất cứ mặt hàng nào. Quạt điện, bàn là, máy sấy tóc, linh kiện điện tử, rồi chén, bát, đĩa, ba lô, túi xách quần áo, giày dép… tất cả đều được bán với giá rất rẻ”. Cửa hàng tấp nập khách mua hàng, nên bà Mỹ phải thuê 3 nhân viên phụ giúp trông đồ và bán hàng. Nơi bán hàng của bà chỉ là bãi đất trống được thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Bà cất tạm gian nhà mái lá để chứa hàng lúc mưa gió, còn bà thì có túp lều nhỏ bên cạnh chỉ độc mỗi chiếc giường, xung quanh toàn hàng hóa.
“Nghiện” xài đồ cũ
Bà Trần Thị Nhung (phố Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Lần đầu tiên đi mua đồ cũ với bạn, cô ấy có nói với tôi là đi mua đồ cũ là dễ “nghiện” lắm nhưng khi đó tôi không tin. Khi đi mua rồi thì tôi thấy cô bạn ấy nói rất có lý vì đến nơi mới thấy nhiều đồ độc và lạ, nhìn cái gì cũng thấy thích và đặc biệt là giá rất rẻ. Nhất là thời điểm hiện nay đang khó khăn, mua đồ cũ khéo chọn được đồ còn tốt là giải pháp tiện nhất chống hụt chi gia đình”.
Nhiều sản phẩm giá trị trong “siêu thị” đồ cũ.
|
Anh Mai Anh Tuấn (quê ở Kim Sơn, Ninh Bình đang tạm trú tại thị trấn Cổ Điển, huyện Đông Anh), chuyên gia mua đồ cũ thì đắc ý: “Đồ cũ vừa đẹp, vừa rẻ nên nhiều người đã mua là dễ “nghiện”. Rất nhiều món đồ của tôi “rinh” từ đồ cũ nhưng bạn bè đến chơi ai cũng xuýt xoa khen đẹp, khen độc. Tôi không nói mình mua đồ cũ nên được đánh giá là sang mới hay chứ. Cái điếu dáng cổ tôi mua 200.000 đồng trong khi chiếc điếu này bán ở chỗ đồ cổ chuyên nghiệp là 2 triệu đồng. Tủ gỗ đựng quần áo 3 buồng mới là 8 triệu đồng, trong khi tôi chọn đồ cũ nhưng vẫn long lanh giá có 3,5 triệu đồng…”.
Anh Trần Văn Cao kinh doanh quán cơm Mái lá, sau tòa nhà Keangnam cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Đồ điện tử, điện lạnh thì nên mua mới nhưng những món đồ gia dụng mà nhìn tận mắt, sờ tận tay chỉ cần chọn kỹ là ổn thì nên mua đồ cũ để tiết kiệm. Lần đầu tiên đi mua đồ cũ, tôi cũng nghĩ nó không thể bằng mới nhưng khi có kinh nghiệm lại thấy đồ cũ hay”.
Nhiều người tiêu dùng nghiền hàng cũ được hỏi đều hồ hởi cho biết họ thường tiết kiệm được 30- 50% tiền khi chọn mua những món đồ cũ nhưng vẫn rất đẹp. Nhiều người còn hóm hỉnh cho biết, gia đình rất tín nhiệm họ đi chọn đồ gia dụng vì toàn chọn được món độc và lạ nhưng không hề hay biết món đồ đó được “rinh” về từ những “siêu thị” đồ cũ.