Hầu hết người Singapore đều khó có thể tưởng tượng rằng, chính phủ sẽ không có Lý Quang Diệu ở cương vị chủ chốt.
Mọi sự bị phá vỡ sớm hơn mong đợi vào ngày thứ bảy với tuyên bố của ông Lý Quang Diệu, 87 tuổi về việc thôi không giữ chức vụ Bộ trưởng cố vấn và từ bỏ các hoạt động chính trị sau hơn nửa thế kỷ ở vị trí đỉnh cao.
Ông Lý vẫn còn là một thành viên quốc hội và con trai ông vẫn là thủ tướng, nhưng ông nói hồi cuối tuần rằng, ông và Goh Chok Tong, một cựu thủ tướng khác sẽ ra khỏi nội các để tạo điều kiện “cho một thế hệ trẻ hơn dẫn dắt Singapore tiến về phía trước trong điều kiện phức tạp và khó khăn hơn”.
“Một thế hệ trẻ, bên cạnh một chính phủ không tham nhũng và thực tài, với mức sống cao, muốn được tham gia nhiều hơn vào các quyết định sẽ ảnh hưởng tới họ”, tuyên bố của ông Lý nhấn mạnh.
Ông Lý Quang Diệu cho rằng các bộ
trưởng nên được trả lương cao để duy trì chính quyền sạch và chân
thật. Ảnh:
Reuters
Tuyên bố mạnh mẽ
Ông Lý là người nổi tiếng về việc tuyên bố quan điểm hay đưa ra quyết định mạnh mẽ. Ông từng nói với tờ Straits Times: “Chúng ta quyết định những gì đúng đắn. Đừng ngại mọi người nghĩ gì”.
Trong cuộc tổng tuyển cử tháng này, Đảng Nhân dân Hành động vẫn giành được chiến thắng nhưng với tỉ lệ phiếu thấp nhất kể từ khi Singapore giành độc lập năm 1965. Một số nhà phân tích cho rằng, những bình luận cứng rắn của ông Lý có thể khiến đảng cầm quyền “trả giá” bằng kết quả phiếu bầu ở tổng tuyển cử.
“Cách làm xưa cũ ngày càng bị coi là lỗi thời”, Eugene Tan, trợ lý giáo sư đại học Quản trị Singapore nói. “Và tôi nghĩ đó là một đột phá từ quá khứ”. Trong chiến dịch vận động bầu cử, ông Lý từng nói rằng, nếu cử tri bầu cho ứng viên đối lập, họ sẽ mất “5 năm để hối tiếc”. Trong cuộc tổng tuyển cử, cả ông Lý Quang Diệu và ông Goh Chok Tong đều được bầu vào Quốc hội Singapore, nhưng đảng cầm quyền do ông Lý sáng lập chỉ có được 60% phiếu bầu (giảm so với mức 67% năm 2006 và 75% năm 2001).
Con trai ông, Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu sau tổng tuyển cử: “Rất nhiều người mong muốn chính phủ áp dụng một phong cách và sự tiếp cận khác. "Chúng tôi nghe thấy tiếng nói của các bạn. PAP sẽ rút ra bài học từ cuộc bầu cử này và sửa chữa sai lầm”. Ông khẳng định: "Cuộc bầu cử này đánh dấu sự thay đổi khác biệt trong bối cảnh chính trị của chúng ta - điều mà tất cả chúng ta cần phải điều chỉnh”.
Ông Lý Hiển Long không đưa ra quyết định về sự từ chức của ông Goh và cha mình, nhưng dự kiến sẽ hoàn tất nội các mới trong tuần này.
Tờ Straits Times trong một bài phân tích hôm chủ nhật khi ông Lý Quang Diệu tuyên bố từ chức đã nói: “Ngăn chặn sự tham gia của đa số dân chúng sẽ làm cho quốc gia không có triển vọng thành công”, và động thái mới nhất cho thấy “sự thừa nhận ngầm rằng, các phong cách của họ có thể không còn đồng bộ với những mong đợi của một thế hệ trẻ hơn”.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, không có sự hồ nghi về việc các chính sách của ông Lý - từng mang lại tăng trưởng kinh tế vượt trội - sẽ tiếp tục dẫn dắt Singapore trong nhiều thập niên nữa. Mọi thay đổi dường như chỉ ở bên lề.
“Về khía cạnh ổn định chính sách, định hướng chiến lược, tôi không nghĩ sẽ có thay đổi”, ông Tan nói. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy sự thay đổi trong hình thức của chính phủ về chính sách được sắp đặt thế nào, thể hiện ra sao, truyền đạt và thực hiện cũng như việc người dân tham gia thế nào”.
Đảng Nhân dân Hành động đương quyền của Singapore luôn giành lợi thế nhờ đảm bảo được tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững và một đội ngũ công chức làm việc hiệu quả, không tham nhũng. Tuy nhiên, trong cuộc tổng tuyển cử lần này, họ gặp phải sự bất mãn của các cử tri trung lưu và lao động - những người cảm thấy phản ứng của chính phủ là chưa đủ. Phe đối lập chưa bao giờ có hơn 4 thành viên trong quốc hội. Nhưng ở cuộc bầu cử này, sáu đảng đối lập đã thách thức đảng cầm quyền ở số ghế kỷ lục - 82 ghế. Trong cuộc bầu cử năm 2006, con số này chỉ là 47.
Di sản
Ông Lý Quang Diệu năm nay 87 tuổi và là thủ tướng đầu tiên của Singapore kể từ năm 1959-1990. Ông được đánh giá là người có công đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng, biến Singapore thành một trong những nước "trong sạch" nhất thế giới. Thời điểm cầm quyền, ông đã ban hành những luật lệ cần thiết dành cho Văn phòng Điều tra tham nhũng nhiều quyền hạn hơn để bắt giữ, lục soát, triệu tập nhân chứng, điều tra các tài khoản ngân hàng và các khoản hoàn trả thuế lợi tức của những cá nhân bị tình nghi cùng với gia đình của họ. Với sự ủng hộ của Lý Quang Diệu, Văn phòng được giao thẩm quyền tiến hành các cuộc điều tra đối với bất kỳ viên chức hoặc bộ trưởng nào. Trong thực tế, sau đó đã có vài bộ trưởng bị cáo buộc tham nhũng.
Ông Lý Quang Diệu cho rằng các bộ trưởng nên được trả lương cao để duy trì một chính quyền sạch và chân thật. Năm 1994, ông đề nghị nối kết mức lương của bộ trưởng, thẩm phán và viên chức công quyền cao cấp với mức lương của giới chuyên nghiệp hàng đầu trong khu vực tư, vì ông cho rằng như thế sẽ giúp tuyển mộ và duy trì nhiều tài năng phục vụ trong khu vực công.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2005, ông đã nói đến nhu cầu liên tục đào tạo nhân tài lãnh đạo đất nước: “Chúng ta cần những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa và rộng, có đầu óc minh mẫn và phóng khoáng, có khả năng nắm bắt cơ hội như chúng ta đã làm... Nhiệm vụ của tôi là tìm ra người kế nhiệm xứng đáng. Tôi đã tìm ra họ, và họ đang ở đây; bây giờ đến lượt họ phải tìm ra người kế nhiệm cho mình. Như thế cần liên tục tìm kiếm và đào tạo những nhà lãnh đạo có năng lực, chân thật, tận tụy và tài năng, là những người làm việc không phải vì mình, mà vì nhân dân và đất nước".
Qua ba thập niên dưới sự lãnh đạo của
ông, Singapore từ một quốc gia đang phát triển nay đứng trong hàng ngũ những
quốc gia phát triển nhất thế giới, mặc cho dân số ít ỏi, diện tích nhỏ bé và tài
nguyên thiên nhiên nghèo nàn. Lý Quang Diệu thường nói rằng, tài nguyên duy nhất
của Singapore là người dân và tinh thần làm việc hăng say của họ. Ông nhận được
sự kính trọng của nhiều người Singapore, đặc biệt là những người lớn tuổi. Ông
vẫn thường được xem là kiến trúc sư cho sự phú cường của Singapore ngày
nay.
Thụy Phương (Theo Nytimes, Wiki)