Đàn châu chấu tre lưng vàng di trú từ Trung Quốc, Lào vào Việt Nam phá hoại 60ha cây tre, ngô, nhưng nay chúng lại bay trở lại Trung Quốc.
Trong văn bản vừa gửi đi của Bộ NN-PTNT nêu rõ, châu chấu tre lưng vàng (và vài loài châu chấu hại tre khác thuộc nhóm châu chấu đàn) khi trưởng thành có thể tập hợp thành đàn với số lượng lớn và di cư đi tìm nguồn thức ăn, tìm nơi đẻ trứng.
Những năm gần đây, châu chấu tre lưng vàng đã phát sinh và gây hại khá nghiêm trọng cho cả cây trồng nông, lâm nghiệp ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam.
“Đây là loài sinh vật gây hại có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hại lớn, khó kiểm soát”, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Châu chấu tre lưng vàng bùng phát gây hại ở nước ta từ năm 2008. Chúng phát sinh, gây hại cục bộ tại các huyện miền núi thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Bắc Kạn và Cao Bằng; chủ yếu gây hại trên cây lâm nghiệp như tre, trúc, luồng, vầu…
Từ năm 2016-2018, châu chấu tre đã bùng phát và gây hại trên diện tích gần 4.000ha mỗi năm trên cây trồng lâm nghiệp và một số cây nông nghiệp (lúa nương, ngô, thuốc lá, chuối, dong riềng…). Năm 2019-2023 châu chấu tre phát sinh trên quy mô nhỏ hơn các năm trước.
Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiệt độ trung bình tại các khu vực Trung du và miền núi phía Bắc cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C. Trong đó, có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn, kết hợp nắng nóng xuất hiện sớm và gay gắt nên rất thuận lợi cho châu chấu tre phát sinh và gây hại.
Hiện nay, châu chấu tre đã phát sinh và gây hại tại 11/16 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lạng Sơn, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An. Diện tích bị sinh vật gây hại này tấn công lên tới 1.031ha. Trong đó, Cao Bằng là địa phương bị nhiễm châu chấu tre lớn nhất, lên tới 773 ha.
Thời điểm hiện tại, đa số chấu chấu non chưa có cánh nên việc phòng trừ sẽ thuận lợi và hiệu quả. Còn trong 10-20 ngày tới, châu chấu non hóa trưởng thành có cánh sẽ bay thành đàn, di chuyển nhanh rất khó phòng trừ và có nguy cơ gây hại nghiêm trọng trên nhiều lại cây trồng nếu không phát hiện sớm và được kiểm soát kịp thời, Bộ này đưa ra cảnh báo.
Để chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do châu chấu tre gây ra trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT và các địa phương, cơ quan chuyên môn điều tra phát hiện sớm các ổ châu chấu trên địa bàn. Sau đó, tổ chức phun trừ ngay khi châu chấu còn non để tiêu diệt.
Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ thời gian phát sinh, phạm vi gây hại, hướng di chuyển, các điểm châu chấu co cụm... để chủ động tổ chức phòng trừ, không để bùng phát trên diện rộng.
Các địa phương, đặc biệt là các huyện, xã nơi châu chấu tre thường xuyên xuất hiện cần chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, dự trù nguồn ngân sách, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về vật tư, nhân lực, sẵn sàng cho công tác phòng trừ.
Cùng với đó, thông tin tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng và người dân kiểm tra sự xuất hiện của châu chấu tre và chủ động thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng phun thuốc hóa học tràn lan gây lãng phí thuốc và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN-PTNT phải làm đầu mối tham mưu, chỉ đạo và hướng dẫn địa phương thực hiện các giải pháp kỹ thuật trong phòng, chống châu chấu tre; đôn đốc việc kiểm tra, giám sát, điều tra phát hiện và công tác phòng trừ sinh vật gây hại này.
Thực hiện báo cáo Bộ NN-PTNT về tình hình phát sinh, diễn biến châu chấu tre gây hại cây trồng và công tác chỉ đạo phòng chống tại các tỉnh thành.