Bán giấy khám sức khỏe online
Ghé thăm các trang web rao vặt, diễn đàn, không khó bắt gặp những mẩu tin, những topic hàng trăm bình luận được đăng tải hoặc spam công khai với cùng một chủ đề “Nhận làm giấy khám sức khỏe”, “Giấy khám sức khỏe giá rẻ”, “50 nghìn mua một giấy khám sức khỏe”….
Cùng bán một loại giấy tờ xong chủ nhân của các topic cũng có các chiêu quảng cáo khác nhau. Một số người lấy mức lệ phí làm giấy khám khá rẻ làm “mồi nhử” sinh viên, số khác không đăng công khai chi phí cho một tờ giấy khám mà chỉ đăng số điện thoại để những ai thực sự có nhu cầu thì sẽ tự điện thoại tìm đến. Hình thức khác nhau song hiện trạng rao bán tràn lan giấy chứng nhận sức khỏe trên mạng thực sự rất đáng báo động.
Sinh viên chỉ cần bỏ ra số tiền từ 40.000 – 150.000 đồng là đã có thể
sở hữu ngay một trong hai loại giấy tờ này mà không cần khám (Ảnh: ĐT) |
Liên hệ với Dương - chủ nhân của một topic nhận làm giấy khám sức khỏe số lượng lớn trên diễn đàn vozforums.com, chúng tôi nhận được những thông tin cụ thể về lệ phí cũng như cách thức không thể dễ dàng hơn để sở hữu một giấy khám sức khỏe.
Theo lời Dương, mức lệ phí làm giấy khám sức khỏe có nhiều bậc khác nhau. Nếu xin giấy để vào làm trong các công ty tư nhân nhỏ lẻ hoặc xin việc làm thêm thì mức giá là 45.000 đ/tờ, nếu xin vào Ngân hàng Nhà nước, công ty cổ phần thì mức giá là 130.000đ/tờ. Nếu đăng ký làm giấy khám sức khỏe cho mấy chục người cùng lúc thì mức giá sẽ “mềm” hơn.
Đặc biệt theo lời quảng cáo của Dương thì với sinh viên, khi mang thẻ sinh viên đến sẽ được hưởng mức giá ưu đãi hơn khoảng 40.000 đ/tờ. Để thêm độ tin trưởng, Dương khẳng định giấy khám sức khỏe mình nhận làm, có đủ các dấu đỏ chứng nhận trong đó trong đó dấu vuông là của phòng khám đa khoa tư nhân còn dấu tròn là của bệnh viện. Không yêu cầu khách hàng mang theo bất cứ giấy tờ gì, Dương hẹn tôi nếu muốn làm thì có thể ra 57 Láng Hạ để nhận giấy.
Tiếp tục liên lạc với một thành viên có nickname strongerhn, chuyên nhận làm giấy khám sức khỏe ở Hà Nội, tôi bày tỏ mong muốn có được tấm giấy ấy nhanh chóng để xin việc làm thêm thì được trả lời rằng, giấy chứng nhận này là của bệnh viện Bạch Mai, dấu tròn, lệ phí là 100.000 đ/tờ. Người này yêu cầu tôi cung cấp một số thông tin cá nhân như: số điện thoại, đơn vị công tác, mục đích sử dụng… Chu đáo hơn, người này còn gửi cho tôi bản mẫu giấy khám sức khỏe qua yahoo để biết trước những nội dung cần điền.
Hợp thức hóa việc nghỉ học
Vào vai sinh viên đi xin giấy nghỉ ốm, tôi tới một số bệnh viện để xin được quyển sổ chứng nhận tình trạng sức khỏe. Cũng rất nhanh chóng, tôi có trong tay tờ giấy chứng nhận sức khỏe để “hợp thức hóa” việc nghỉ học của mình mà không phải trải qua bất cứ công đoạn chẩn đoán, xét nghiệm nào.
Có thể thấy, nắm bắt tâm lý muốn nhanh chóng xin được giấy chứng nhận sức khỏe, sổ chứng nhận sức khỏe của nhiều sinh viên để nghỉ học, hoãn thi, dịch vụ này ngày càng phát triển rầm rộ hơn. |
Tại Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương (Đường Láng – Hà Nội), sau một hồi lân la, dò hỏi, tôi được chị Đào Thị M – hộ lý khoa Khám bệnh, chỉ dẫn nhiệt tình về “thủ tục” để có được một tờ giấy nghỉ ốm có dấu đỏ hẳn hoi mà không cần phải thăm khám, xếp hàng.
Sau 5 phút chờ đợi, hộ lý M trở lại, mang theo một quyển sổ khám bệnh và yêu cầu tôi điền đầy đủ các thông tin cá nhân ở một góc hàng lang khuất của bệnh viện Giao thông vận tải. Chị hộ lý này dặn dò: “Lát nữa, bác sĩ có hỏi thì em nhớ trả lời rằng em là em họ của chị ở quê, đến đây xin giấy chứng nhận vì phải nghỉ học về quê có việc gấp”. Mới đi được vài bước chân, chị còn cẩn thận nhắc lại: “Nhớ chưa?” Khi thấy tôi tỏ ra nghi ngại, chị không ngại ngần cho biết, đã từng giúp nhiều người có được chứng nhận nghỉ ốm bằng hình thức này.
Không cần phải xếp hàng, tôi được chị hộ lý này dẫn thẳng vào phòng khám bệnh của bác sĩ H (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Giao thông vận tải). Vị bác sĩ này nhanh chóng giải quyết trường hợp của tôi với những câu nói gấp gáp: “Nghỉ để làm gì?”, “Nói là bị đau đầu nhé!” “Nghỉ mấy ngày?” Sau một hồi hỏi han dồn dập để xác nhận đầy đủ các thông tin, bác sỹ H đưa cho tôi cuốn sổ khám có chữ ký và đã được đóng dấu đỏ: “Mang cái này về trường là được nghỉ học”.
Rời phòng khám của bác sĩ H, chị M lại kéo tôi ra một góc hành lang và nói nhỏ: “Mày đưa chị một trăm” (100.000 VNĐ - pv). Sau khi nhận được tờ 100.000 đồng, chị lẳng lặng nhét vào túi và chủ động cho tôi số điện thoại của mình cùng với lời dặn dò: “Mày lưu số của chị vào, bao giờ cần xin gì chị xin cho”.
Vẫn trong vai một sinh viên đi xin giấy nghỉ ốm để hợp thức hóa việc nghỉ học của mình, tôi tìm đến bệnh viện E Trung ương (Cổ Nhuế - Hà Nội). Khi được hỏi về thủ tục xin giấy nghỉ ốm, cô hộ lý tại bàn hướng dẫn bệnh nhân của bệnh viện E chỉ dẫn: “Có bảo hiểm thì cháu vào kia xếp hàng, nếu ốm thật thì người ta cho nghỉ”. Sau khi nghe tôi trình bày “hoàn cảnh” và mong muốn có được tờ giấy chứng nhận của bệnh viện tình trạng sức khỏe để được nghỉ học “hợp pháp”, tôi được cô hộ lý này chỉ dẫn: “Cháu xuống phòng khám nội kia kìa, xuống đấy người ta làm dịch vụ cho”.
Theo lời chỉ dẫn của cô hộ lý tại bàn hướng dẫn bệnh nhân, tôi tìm đến Phòng khám Nội dung bệnh nhân tự chi trả của bệnh viện E. Tại đây, khi được hỏi về việc xin “nghỉ ốm dài” khoảng vài tuần đến một tháng, bác sĩ T. L cau mày nói: “Không được đâu cháu ạ, cô chỉ viết giấy cho cháu nghỉ được 4 – 5 ngày, làm sao mà dám viết dài thế. Viết thế, nhà trường đến đây phản ánh, điều tra, bệnh viện kỷ luật thì chết”. Bác sĩ này cũng cho biết: “Nếu cần, hôm nào định nghỉ thì cháu đến đây, cô làm giấy cho”.
Có thể thấy, nắm bắt tâm lý muốn nhanh chóng xin được giấy chứng nhận sức khỏe, sổ chứng nhận sức khỏe của nhiều sinh viên để nghỉ học, hoãn thi, dịch vụ này ngày càng phát triển rầm rộ hơn. Bỏ ra một số tiền không quá lớn để có được giấy tờ cần thiết một cách nhanh nhất, tránh thủ tục rườm rà, nhiều bạn trẻ đã coi việc đi mua các loại giấy tờ này như một điều hiển nhiên. Hầu hết, họ không biết rằng hành vi này đã và đang tiếp tay cho hoạt động cấp giấy chứng nhận sức khỏe bất hợp pháp của các “cò” và khiến cho tình trạng này ngày càng lan rộng.
Tại khoản III và điểm 2 khoản IV trong Thông tư số 13/2007/TT - BYT ngày 21/11/2007 của Bộ Y tế về Hướng dẫn khám sức khỏe quy định rõ: I. Điều kiện đối với cơ sở khám sức khỏe 1. Có các bác sỹ khám các chuyên khoa: Nội, ngoại, sản phụ khoa, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt; có các bác sĩ hoặc kỹ thuật viên làm các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu. X quang 2. Có đủ năng lực chuyên môn, kỹ thuật để làm các xét nghiệm cơ bản - Xét nghiệm máu: Công thức máu, đường máu. Xét nghiệm nước tiểu: Đường niệu, protein niệu. - X quang tim phổi. 3. Có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị theo “Quy định cơ sở vật chất và trang thiết bị cơ bản phục vụ cho khám sức khỏe” II. Tổ chức khám sức khỏe 2. Thủ tục khám sức khỏe a. Khám sức khỏe khi làm hồ sơ dự tuyển, khám sức khỏe khi tuyển dụng thì đối tượng khám sức khỏe phải nộp ảnh mầu cỡ 4 x 6cm (ảnh chụp trong vòng 6 tháng gần nhất), số lượng ảnh tùy theo số lượng giấy chứng nhận sức khỏe do đối tượng khám sức khỏe yêu cầu. c. Khám sức khoẻ theo yêu cầu: Đối tượng khám sức khỏe cần xuất trình giấy Chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh đóng dấu giáp lai (như hộ chiếu, bằng lái xe). Nếu không có Chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân, phải có ảnh màu cỡ 4 x 6cm để dán vào các giấy chứng nhận sức khỏe (ảnh chụp trong vòng 6 tháng gần nhất). |
Phạm Yến - Đinh Thùy