Làm xôn xao cả cộng đồng mạng, nhạc kịch “Góc tối” chinh phục người trẻ bởi những câu chuyện đầy xúc động về những mảnh đời khuất trong những góc nhá nhem.

Vở nhạc kịch làm rung động người trẻ

Không sử dụng những tình tiết giật gân, câu khách, không sử dụng bất cứ “chiêu trò” nào, nhưng chương trình ca nhạc kịch Góc tối vẫn đủ sức lay động những khán giả có mặt tối ngày 13/5 trên sân trường ĐH Quốc gia HN.

Dù 8h tối chương trình mới diễn ra, nhưng ngay từ 7h, sinh viên đã đến kín sân trường. Không chỉ có sinh viên “chủ nhà” ĐHQG HN, khán giả từ các trường “lân cận” như ĐH Giao thông vận tải, ĐH Sư phạm HN 1, CĐ Sư phạm HN… ; một số sinh viên trường KTQD, Học viện báo chí tuyên truyền cũng có mặt. Ai nấy đều muốn tận mắt chứng kiến vở kịch đã gây xôn xao cư dân mạng suốt một thời gian vừa qua.

Vở kịch bắt đầu bằng những tranh luận tưởng chừng đơn giản giữa đôi bạn Thương và Vị. Thương muốn giờ nghỉ tiết đi chơi, nhưng Vị còn phải đến giúp đỡ các em nhỏ ở làng trẻ em SOS. Từ những tình tiết đó, đặt ra cho người xem những băn khoăn về giới trẻ hiện đại ngày nay nên sử dụng thời gian của mình cho các hoạt động cá nhân hay thay vào đó là đi giúp đỡ cộng đồng?





Người đầu tiên mà Vị và Thương gặp trong hành trình của mình là Thành - chàng trai tật nguyền nhưng nhảy hip hop tuyệt đẹp
Nghị lực, khát vọng và những “góc tối” đang cần giúp đỡ

Đi tìm đáp án cho câu hỏi đó, Thương và Vị đã có một chuyến hành trình khám phá cuộc sống. Trong chuyến đi của mình, Thương và Vị lần lượt gặp gỡ và chứng kiến những mảnh đời có thật.

Đầu tiên là  Thành - chàng trai bị tật nguyền nhưng vẫn có niềm đam mê nhảy hip hop và biến ước mơ thành sự thật. Anh khiến cho cả sân trường ĐH Quốc gia HN phải bất ngờ và khâm phục về tài năng và những điều người khuyết tật có thể làm được. Những nỗ lực của Thành đã minh chứng được một điều: Nếu có ước mơ và hoài bão, thì con người có thể làm được những điều tưởng chừng không thể.


Kế đó là chú Phùng - bị đục thủy tinh thể nhưng chú vẫn hàng ngày bán vé số để mưu sinh

Sau Thành, Vị và Thương gặp chú Phùng. Dù đã già, bị đục thủy tinh thể, nhưng chú vẫn không đầu hàng số phận, hàng ngày bán vé số để mưu sinh. Chỉ với 20 ngàn kiếm được trong ngày, chú Phùng sống khá vất vả cùng 2 người em trong một căn nhà bé xíu và ộp ẹp ở gần cầu Thị Nghè, quận Bình Thạnh (Tp.HCM). Mong ước đơn giản khi về già của chú chỉ là: “Có một căn nhà nhỏ tươm tất để nghỉ ngơi sau một ngày buôn bán vất vả”. Nhìn hình ảnh chú Phùng gấy ốm, lết bằng 2 tay trên đường, không hiếm bạn trẻ đã không ngăn được những dòng nước mắt thương cảm nghẹn ngào.


Bé Trang mồ côi mẹ từ nhỏ, được các mẹ ở làng trẻ em SOS nuôi dưỡng
Kế đó, bé Trang 12 tuổi, được nuôi dạy ở làng SOS,  xuất hiện cùng một em nhỏ còn bế trên tay. Mồi côi mẹ từ nhỏ, vậy nhưng em luôn sẵn sàng đứng ra “làm mẹ” những em nhỏ không may mắn hơn mình, Trang khiến không ít khán giả trẻ phải nhìn lại mình: Được ăn học đầy đủ, có gia đình hạnh phúc, vậy mà chúng ta có giúp đỡ được người khác như Trang?


Từ cuộc hành trình của mình, Thương và Vị đã nhận ra những giá trị của cuộc sống
Chính từ những câu chuyện có thật đầy xúc động  đó, Thương cũng như mỗi khán giả bỗng nhận ra một thông điệp vô cùng đơn giản nhưng không phải ai cũng đã biết: Chỉ cần lặng lẽ quan sát cuộc là ta đã nhận ra những “góc tối” đang cần giúp đỡ, và nếu như cùng chung tay đoàn kết thì sẽ có thể mang yêu thương và hạnh phúc đến được với những mảnh đời còn khó khăn trong xã hội.

Chương trình ca nhạc kịch “Góc tối” do đội công tác xã hội “Giới trẻ hành động” thực hiện, nhằm vận động gây quỹ để giúp các nạn nhân chất độc da cam tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Đồng Nai, Bến Tre, Hậu Giang. Sau đêm diễn ở ĐH Quốc gia HN, Đội công tác xã hội Giới trẻ hành động đã đứng ra kêu gọi mọi người mà đặc biết là giới trẻ đóng góp xây nhà mới cho chú Phùng. Lời kêu gọi này đã được mọi người hưởng ứng nhiệt tình và ngôi nhà của chú Phùng đã được khởi công xây dựng lại vào ngày 22/5 vừa qua.
Thông tin chi tiết về chương trình xem tại website: cuocsonghiendai.com

  • Tú Uyên