Sinh viên năm thứ 3 và thứ 4
có trình độ Anh Văn giao tiếp và viết thành thạo, có năng lực nghiên cứu, làm
việc theo nhóm, có khả năng và nguyện vọng đi thực tế tại các vùng xa, biết giao
tiếp cộng đồng thì có thể đăng ký tham gia chương trình Phát triển kinh tế Cộng
đồng SEED.
Chương trình Phát triển kinh tế Cộng đồng (Social Enterprise for Economic
Development- SEED) do trường Đại học Ngân hàng Tp. HCM đăng cai thực hiện là một
phương pháp dạy học mới gắn việc học tập - nghiên cứu của sinh viên với thực
tiễn của mỗi nước, hướng tới nâng cao tính khả thi, phục vụ đời sống, phát triển
kinh tế.
Tham gia chương trình SEED lần VI có các sinh viên đến từ các trường thành viên
của Tổ chức Liên kết Đào tạo Asean (Asean Learning Network- ALN) gồm các trường
Đại học công nghệ Bandung- ITB (Indonesia), đại học San Beda (Philippines), Đại
học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh –BUH (Việt Nam), Đại học quốc gia Kenlantan –(UMK
Malaysia), Đại học Hoàng gia Songkla - PSU (Thailand) cùng với trường Đại học
St.Gallen (Thụy Sĩ).
Sinh viên tham gia SEED tại Malaysia
Nội dung nghiên cứu chính của SEED lần này là đánh giá tính hiệu quả kinh tế -
xã hội của các mô hình nuôi ếch, trồng và chế biến hạt điều, nuôi cá bè, nuôi
heo rừng, nuôi gà sao, trồng tiêu, trồng nấm.
Kết quả của các nghiên cứu này sẽ được chuyển sang cho các ngân hàng trên địa
bàn để xem xét cho vay phát triển mô hình đồng thời cũng chuyển giao cho người
dân và chính quyền địa phương như một mô hình thí điểm để nhân rộng nhằm phục vụ
phát triển kinh tế cộng đồng.
Hình thức thực hiện chương trình SEED sẽ là nghiên cứu khoa học theo chuyên đề,
khảo sát thực tế theo nhóm và tổ chức hội thảo. Sinh viên sẽ được kiểm chứng các
kiến thức đã học trong nhà trường, học tập thêm các kỹ năng mềm để có thể thực
hiện công việc của mình một cách chủ động sáng tạo và có tổ chức.
Bên cạnh đó những kiến thức ngành, xã hội được bổ sung trong thời gian xuống địa
phương nâng cao tầm hiểu biết của nhân viên tài chính ngân hàng tương lai. Hơn
nữa việc tham gia các nhóm sinh viên quốc tế làm tăng kỹ năng tiếng Anh của sinh
viên Việt Nam cũng như giao lưu trao đổi văn hóa giữa các dân tộc.
Người tham gia chương trình được đào tạo về phương pháp “Social Mapping” để hiểu
được văn hóa, lối sống và cơ cấu tổ chức của địa phương.
Trồng cây Cacao dưới tán cây điều.
Qua khóa đào tạo thông qua SEED, sinh viên hình thành kỹ năng nghiên cứu theo
nhóm, kỹ năng nhận biết vấn đề và xử lý. Đối với các cán bộ giảng viên tham gia
chương trình tăng khả năng tổ chức nghiên cứu thực tế qua nhóm, nâng cao kiến
thức thực tế xã hội, cơ hội thực hành tiếng Anh khi hướng dẫn các nhóm sinh viên
quốc tế.
Đây sẽ là một chương trình vì lợi ích cộng đồng phục vụ cho người dân địa phương
và hỗ trợ họ khởi nghiệp phát triển kinh tế. Qua SEED, trường Đại học Ngân hàng
TP. HCM có thể mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học trong ASEAN và
Châu Âu, các sinh viên sẽ nhận thức được giá trị xã hội của mình để làm gì có
thể giúp ích cho cộng đồng.
-
Cẩm Sơn