- Học ngành cơ điện tử nhưng nhiều sinh viên năm nhất tại một trường cao đẳng nghề ở Hà Tĩnh khi đi thực tập lại bị biến thành “công nhân” xúc cát, bốc gạch trong điều kiện khắc nghiệt.

Gần 50 em sinh viên năm nhất lớp cơ điện tử, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh (trường nghề số 5) bức xúcphản ánh: Các em học ngành điện nhưng nhà trường lại đưa vào Nhà máy năng lượng mặt trời, đóng tại Chư Gu, huyện Krông Pa (Gia Lai) để thực tập xúc cát, bốc gạch trong điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Theo em T., một sinh viên lớp cơ điện cho biết, vào ngày 1/6, các em được nhà trường đưa vào Nhà máy năng lượng mặt trời ở Gia Lai để thực tập ngành điện.

Tuy nhiên, suốt thời gian vào thực tập tại đây, công việc chủ yếu của các sinh viên là bốc gạch, xúc cát, đẩy xe... và được công ty trả cho mỗi sinh viên 180.000 đồng/ngày.

{keywords}
Sinh viên phản ánh việc đóng gạch, xúc đất.

 “Đi thực tập điện nhưng bọn em không được thực tập điện mà bị công ty bóc lột sức lao động, phải đi làm công nhân xúc cát, bốc gạch... Công ty trả cho sinh viên mỗi ngày 180.000 đồng. Nhưng khi trừ tiền ăn thì chỉ còn 130.000 đồng/ngày”, sinh viên T. cho hay.

Cũng theo em T., ban đầu phía Nhà máy năng lượng đưa ra một bản hợp đồng, yêu cầu các sinh viên ký vào bản hợp đồng để trở thành công nhân thời vụ của nhà máy.

“Nhận bản hợp đồng trên tay bọn em không kịp đọc vì phía công ty bảo ký nhanh để các bạn sinh viên khác còn ký. Chúng em không rõ nội dung cứ tưởng là bản thực tập nên đã ký. Sau đó bọn em phải làm việc 10 tiếng/ngày trên công trường. Nhiều bạn mệt mỏi, cảm cúm và xin được về”, sinh viên T. nói thêm.

Theo ghi nhận, trong bản hợp đồng thời vụ phía Nhà máy kí với các sinh viên ghi rõ “thời gian làm việc buổi sáng từ 8h đến 12h, buổi chiều từ 13h đến 17h”. Nhưng các sinh viên lại cho rằng mỗi ngày các em phải làm việc từ 5h45 đến 11h30, buổi chiều từ 13h30 đến 18h.

Ông Nguyễn Trọng Tấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh cho biết, sau khi nắm thông tin nhà trường đã cử đại diện vào làm việc với học sinh và phía Nhà máy.

“Hiện có 3 em học sinh cảm cúm xin nghỉ và có một em khác xin trở về. Còn những em khác vẫn đang đăng kí ở lại làm việc. Còn làm việc quá sức và các thứ khác thì chúng tôi đã làm việc với phía công ty rồi, sẽ cho điều chỉnh lại”, ông Tấn nói.

Ông Tấn cũng cho rằng, việc sinh viên học điện lại đi thực tập xây dựng bởi các sinh viên đấu cáp để làm hệ thống pin mặt trời, trước khi đấu nối cáp phải làm các hệ thống mương.

“Công việc đặc thù như vậy chứ không phải sinh viên chỉ đi đào đất. Đào để bắt đường cáp, đấu nối công trình. Khi học thì trên bản vẽ chi tiết, nhưng khi vào làm thì nhận một công trình thì có cả những công việc như thế”, ông Tấn nói thêm.

Khi nói về bản hợp đồng “biến” sinh viên thành công nhân, vị hiệu trưởng cho rằng đấy là cái sai của công ty.

“Nếu ký hợp đồng lao động giữa công ty và các em sinh viên thì đây là cái sai của công ty. Luật lao động chỉ ký với những người lao động, còn đây các em sinh viên chưa đi làm”, ông Tấn nói.

Ông Ngô Minh Toản, phó khoa Điện, Trường Cao đẳng nghề cho hay, không có chuyện sinh viên bị bóc lột sức lao động.

Các bạn vào thực tập điện thì phải đào đất để lấp cáp. Ban đầu giảng viên chỉ đưa sinh viên vào tại nhà máy để nhận công trình, nhận chỗ ở. Còn giảng viên không vào theo sát các em vì bận dạy, còn khi có vấn đề gì thì giảng viên sẽ vào tận nơi để xử lý. Các em vào làm đó sẽ có tiền hỗ trợ của công ty”, ông Toản cho biết.

Thiện Lương