- Sáng 16/6, sinh viên Việt Nam tại Boston đã tổ chức tọa đàm về chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông.
Những người đến dự hội thảo cùng có một nỗi trăn trở là làm sao giải quyết được tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, con đường nào nhanh nhất, chiến lược nào tốt nhất và làm thế nào để đóng góp sức của mỗi cá nhân cho vận mệnh của đất nước?
Nhiều câu hỏi đã được nêu ra, xoay quanh những thắc mắc về chứng cứ lịch sử, về luật quốc tế và vai trò, thái độ của Hoa Kì trong việc tranh chấp Biển Đông.
Không ít câu hỏi được gửi qua mạng Internet của những khán giả từ khắp nơi trên thế giới. Tại khán phòng của Đại học Harvard, người dự phải giơ tay mấy lần mới đến lượt đặt câu hỏi.
Hội thảo do Hội sinh viên Việt Nam vùng Boston tổ chức tại viện Yenchin, ĐH Harvard |
Mang theo tập khảo cứu dày 500 trang, sản phẩm nghiên cứu và thu thập tài liệu lịch sử dày công về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, TS Nguyễn Nhã cung cấp nhiều thông tin về bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Tập khảo cứu gồm 3 phần, bao gồm công trình của Quân đội Mỹ xuất bản năm 1960, chứa đựng thông tin được trích dẫn từ sách địa lý và nhật ký lữ hành của các nhà thám hiểm Tây phương vào thế kỷ 19.
Theo những tài liệu này thì chủ quyền đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được ghi nhận từ thời Gia Long (1816). Sang đến đời vua Minh Mạng, chủ quyền của Việt Nam vẫn giữ nguyên. Bằng chứng là nhà vua cử quân lính ra đóng cọc, xây trạm thu thuế trên quần đảo Hoàng Sa, và quần đảo vẫn được xác nhận chủ quyền của người An Nam kể từ thời vua Gia Long.
Phần thứ hai tập hợp những bài viết của TS Nguyễn Nhã được trình bày tại các hội thảo trong và ngoài nước về vấn để chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Một lần nữa với những tư liệu lịch sử ông đưa ra bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa.
Phần thứ ba là luận án tiến sỹ với đề tài "Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" tác giả đã bảo vệ thành công năm 2003 tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia TP HCM.
TS Nhã hi vọng những tư liệu lịch sử, thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam sẽ được phổ biến rộng rãi, được dịch ra nhiều thứ tiếng để đến được với cộng đồng thế giới.
Tập khảo cứu cũng là món quà TS Nguyễn Nhã tặng cho thư viện của Viện Yenchin, Đại học Harvard.
Nắm chắc luật để bảo vệ chủ quyền
Tham gia buổi tọa đàm, TS Tạ Văn Tài, nghiên cứu viên, giảng viên luật Việt Nam tại Trường Luật thuộc Ðại học Harvard cũng chia sẻ những kết quả nghiên cứu của mình.
Ông nhấn mạnh yêu cầu "nắm chắc luật nói chung và luật quốc tế nói riêng như một công cụ sắc bén để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ".
TS Tài có nhiều nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến luật pháp và chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Ông có nhiều bài viết về thềm lục địa, các đặc quyền kinh tế và cơ sở pháp lý trong những tranh luận về chủ quyền biển đảo.
Là người Việt Nam ở nước ngoài, ông kêu gọi "tất cả dân Việt, trong nước cũng như hải ngoại nên đoàn kết và cùng nhau có những chiến lược thương thuyết và vận dụng luật pháp để giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển".
TS Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại ĐH Harvard lại cung cấp nhiều tài liệu mới nhất liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông. Dẫn ra bài báo mới đăng tải trong tạp chí uy tín "The Atlantic", số tháng 6/2012, ông Thomas Vallely, người đóng góp nhiều cho quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, cũng như trong quá trình đổi mới kinh tế và giáo dục của Việt Nam, nhấn mạnh, đó là bằng chứng cho thấy mối quan tâm của Mỹ đối với vấn đề này.
Mỗi sinh viên là một đại sứ
Đến dự hội thảo, anh Đỗ Anh Tuấn, nghiên cứu sinh tại ĐHTH Massachusetts cho rằng, mỗi sinh viên ở nước ngoài nên là một đại sứ cho đất nước mình" như câu nói của nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh.
"Cách tốt nhất là sinh viên nên tìm tòi học hỏi, tự bổ sung kiến thức cho mình để khi trao đổi với bạn bè quốc tế, với các giáo sư, mỗi người có một chính kiến nhất định về vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Vịệt Nam", anh Tuấn nói.
Theo anh, "đó chính là thể hiện lòng yêu nước và tinh thần dân tộc", để "thế giới hiểu Việt Nam".
Hiện nay có trên 100 ngàn sinh viên đang du học tại các nước trên thế giới ở các cấp học, đại học, cao học và tiến sỹ. Nếu mỗi người làm tròn sứ mạng "đại sứ" của mình thì ta có đến 100 ngàn đại sứ trên khắp toàn cầu, những người sẽ mang tiếng nói để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, anh Tuấn nói.
Nhiều ý kiến cho rằng nên phổ biến rộng rãi qua các kênh thông tin khác nhau để mỗi người dân có thêm nhận thức về chủ quyền dân tộc.
Diễn ra tại Viện Yenching, ĐH Harvard, Mỹ, buổi tọa đàm do Hội Thanh
niên Sinh viên Việt Nam vùng Boston Mở rộng tổ chức đã thu hút hơn 50
người tham gia, là sinh viên Việt Nam tại Mỹ, một số nhà khoa học, giảng
viên ĐH, cùng với gần 200 người theo dõi trực tuyến qua trang tin của
Hội.
Minh Phương
NCS, Quản trị Giáo dục Đại học, ĐHTH Massachusetts, Boston