Với Vince Ramos, Phantom giống như nhiều dự án đa cấp khác mà anh ta từng điều hành. Tuy nhiên với những cơ quan chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, những chiếc điện thoại bảo mật và “không thể bị hack” của Phantom lại đặc biệt nguy hiểm.
*Dịch lại câu chuyện từ Vice.
Căn phòng tại khách sạn Wynn ở Las Vegas chật ních người. Hầu hết đều đã đi ngủ sau nhiều ngày chất vấn mệt mỏi tại đây. Mỹ, Canada và Australia, cả 3 nước đều cử đại diện phòng chống ma túy để chất vấn Vince Ramos, “ông trùm” đứng sau dòng điện thoại Phantom Secure.
Ramos không giống một ông trùm tội phạm cho lắm. Người thân của anh ta thì tin rằng tay này quá ngây thơ. Một nhân viên từng làm việc trong hệ thống phân phối thì cho rằng Ramos chỉ ham lợi nhuận.
Dù bản chất Ramos có như thế nào, sự thật không thể chối cãi là Phantom Secure, công ty điện thoại mà anh ta sáng lập đã trở thành lựa chọn yêu thích của giới tội phạm. Những nhóm tội phạm chạy môtô tại Australia, kẻ buôn chất cấm tại California, và kể cả băng đảng ma túy Sinaloa đều dùng điện thoại Phantom.
Căn phòng tại Las Vegas là cái lưới mà FBI đã giăng. Ramos, trong một lần nghĩ rằng mình đang vớ được mối hàng ngon, mắc bẫy. Các cơ quan chống ma túy buộc tội Ramos tạo ra loại điện thoại bảo mật để giúp những nhóm tội phạm. Khi đi ra khỏi căn phòng, một mức án tù dài đang chờ sẵn.
Nhưng Ramos có cơ hội để chạy trốn, khi nhóm cảnh sát đều đã thấm mệt và ngủ quên. Anh ta khẽ khàng rời khỏi căn phòng mà không gây ra tiếng động, chào vợ mình đang ở gần đó, rồi chạy trốn về phía Bắc, hướng tới biên giới Mỹ - Canada. Nhà của anh ta ở đó.
Ramos không phải là một gã rành về kỹ thuật. Gia đình anh chưa bao giờ cho rằng con mình có khả năng công nghệ, mà cả đời luôn là một doanh nhân. Trước khi sáng lập Phantom Secure, Ramos làm tại công ty đa cấp Amway, sau đó gia nhập phòng kinh doanh công ty viễn thông Rogers của Canada.
Dù là bán bồn tắm hay bán điện thoại, Ramos đều thường xuyên nhận được giải nhân viên bán hàng tốt nhất.
“Cậu ta rất nhanh nhạy trong kinh doanh. Cả đời cậu ta đều là người bán hàng, không hề có tí máu giang hồ nào”, một người nhà của Ramos nhận định.
Hầu hết người quen, nhà phân phối từng làm việc với Ramos đều nhận định anh không giống một tên tội phạm. Tuy nhiên, thương hiệu điện thoại Phantom Secure do anh sáng lập từng là lựa chọn mặc định của giới tội phạm.
Khi Ramos lập Phantom vào năm 2008, mục tiêu ban đầu của anh là cung cấp cho người dùng một kênh liên lạc bảo mật, đảm bảo quyền riêng tư.
“Tôi tin vào quyền có được sự riêng tư, và giống như mọi người dùng Internet, tôi luôn lo ngại về tính bảo mật của email và các hình thức giao tiếp khác”, Vince Ramos, xuất hiện dưới danh nghĩa CEO, chia sẻ trong video trên trang của Phantom.
Điện thoại Phantom là những chiếc BlackBerry được tinh chỉnh. Chúng sử dụng Pretty Good Privacy (PGP), giao thức mã hóa đảm bảo an toàn thông tin khi chuyển từ người gửi tới người nhận.
Không dừng lại ở phần mềm, Phantom còn tắt các chức năng phần cứng. Điện thoại bị bỏ ăng-ten nhận sóng GPS, cũng như microphone và camera, đồng nghĩa chức năng gọi không còn. Những chiếc điện thoại Phantom chỉ có thể gửi email đã mã hóa.Bên cạnh đó, Phantom còn cung cấp dịch vụ xóa dữ liệu từ xa. Khi người dùng yêu cầu, công ty này có thể xóa sạch các tin nhắn trên điện thoại mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp. Tuy có trụ sở tại Canada, các máy chủ của Phantom được phân tán ở Panama và Hong Kong, một nỗ lực để tăng độ khó khi tiếp cận.
Với email gửi từ điện thoại Phantom, người nhận chỉ có thể đọc nếu cũng dùng điện thoại của hãng này. Bằng cách đó, Phantom đảm bảo mọi khách hàng muốn liên lạc bảo mật đều phải bỏ tiền ra mua điện thoại và dịch vụ hàng năm.
“Điện thoại Phantom giống như một biểu tượng đẳng cấp trong giới VIP. Phantom trong làng điện thoại cũng như Louis Vuitton trong giới thời trang”, Bruno, một nhà phân phối của Phantom chia sẻ.
Mức giá để dùng chiếc điện thoại bảo mật này khoảng hàng nghìn USD mỗi năm, nhưng rất nhiều người chịu trả tiền để có sự an tâm. Trang web của Phantom sử dụng màu đen trông rất bí ẩn, và những mẫu quảng cáo thì dùng toàn những hình ảnh gợi sự giàu sang như trang sức bằng vàng hay xe Bentley.
“Trải nghiệm riêng tư thật sự, vượt qua sự hoàn hảo” là những từ ngữ xuất hiện trong video quảng cáo của Phantom.
Dùng phương thức marketing truyền miệng, tính năng bảo mật trên điện thoại Phantom trở thành thứ mà mọi khách hàng cần tới sự an toàn, riêng tư tìm đến.
“Vince bán điện thoại như cách bán Amway vậy. Anh ta luôn nhấn mạnh vào việc marketing trực tiếp”, một nguồn tin biết rõ về cách hoạt động của công ty chia sẻ. Mô hình kinh doanh của Phantom phân cấp rõ ràng, gồm các nhà phân phối và người bán lẻ. Hầu hết đều đi theo con đường như Bruno: từ người dùng trở thành người kinh doanh mẫu điện thoại này.
Vince Ramos gần như để mọi thứ tự vận động. Có những nhân viên kinh doanh như Bruno luôn tìm cách xác thực khách hàng, tránh những kẻ đáng nghi. Tuy nhiên, cũng có những người muốn bán nhiều hàng nhất có thể, và bắt đầu liên kết với những tổ chức tội phạm.
Bruno bắt đầu nhận ra sự nguy hiểm với chính sách thả lỏng của Phantom. Công ty này quy định rõ không lấy tên thật của khách hàng, nhưng tới một thời điểm họ còn không cần xác thực mình đang bán hàng cho ai. Việc mua bán chủ yếu diễn ra bằng tiền mặt, không có hợp đồng.
“Khi Ramos xây dựng nên công ty, cậu ta không nhận ra rằng mình đang làm gì. Nhưng dần dần, chúng tôi thấy rằng có thể có những người mua điện thoại vì mục đích làm ăn xấu”, một người nhà của Ramos bình luận.
Để đạt doanh số, nhiều nhà phân phối của Phantom sẵn sàng tìm tới đối tượng cần kênh liên lạc an toàn nhất: tội phạm. “Tôi chỉ bán cho những người được giới thiệu, hoặc phạm nhân đã ra tù. Đó là cách tôi đảm bảo không bị bắt”, một nhà phân phối cũ của Phantom cho biết.
“Anh ta quản lý công ty thực sự tệ. Tôi đã cảnh báo rằng hãy xem mọi chuyện thật nghiêm túc, và nên đưa ra những quy định với nhà phân phối để tránh rủi ro cho công ty cũng như chính anh ta”, Bruno chia sẻ. Tuy nhiên, quan điểm của Ramos là cứ để Phantom phát triển thật nhanh rồi tính tới khía cạnh luật pháp sau.
Bước ngoặt tới với Phantom ở thị trường Australia vào năm 2014 sau một bài báo của ABC. Với tiêu đề “Điện thoại không thể xâm nhập của Phantom Secure liên quan tới vụ giết người của nhóm Hells Angels”, bài viết mô tả việc cơ quan thực thi pháp luật tại Australia đã không thể bẻ khóa chiếc điện thoại của Phantom.
Theo bài viết của ABC, kể cả ASD, cơ quan hàng đầu về bảo mật, mã hóa của Australia cũng phải bó tay trước chiếc điện thoại. Tính năng xóa từ xa và chính sách bảo mật thông tin khách hàng của Phantom cũng được đề cập trong một bản tin truyền hình sau đó của ABC.
Bài báo này là thông tin không thể tốt hơn với Ramos.
“Đây là chứng nhận tốt nhất cho những gì chúng ta đã nhắc đi nhắc lại 9 năm qua. Cơ quan quản lý cao nhất cũng đã chứng minh sự hiệu quả của Phantom. Chẳng có thông tin nào tốt hơn thế”, Ramos viết trong một email gửi tới nhân viên, theo tài liệu phiên tòa.
Mức giá mỗi kg cocaine tại Australia đắt gấp 8 lần ở Mỹ. Những kẻ buôn ma túy luôn tìm đến các thiết bị liên lạc an toàn nhất, và bài báo của ABC đã khiến mọi sự chú ý dồn vào Phantom.
Lượng đặt mua điện thoại Phantom tăng vọt. “Phantom gần như trở thành một thứ tôn giáo tại Australia", một nguồn tin chia sẻ.
Li Wang, một trong những nhà bán lẻ của Phantom, có tới 800 khách hàng từ các nhóm tội phạm. Căn hộ của hắn chứa đầy những chiếc BlackBerry, hàng cọc tiền mặt và cả ma túy đá khi cảnh sát khám xét.
Dưới góc nhìn của Ramos, đây là một cơ hội kinh doanh tuyệt vời. Anh ta không hề nghĩ tới việc mình đang trực tiếp bán điện thoại cho tội phạm.
“Họ luôn luôn ở cách tôi vài bước phân phối. Tôi đang kinh doanh điện thoại cơ mà”, luật sư của Ramos thuật lại lời của thân chủ trong phiên xử năm 2018.
Theo tài liệu của FBI, Phantom đã móc nối với những kẻ buôn ma túy ở Australia để ép những người muốn gia nhập đường dây phải mua chiếc điện thoại này. Cơ quan an ninh Australia chỉ thẳng tên Phantom, cùng phần mềm nhắn tin mã hóa Wickr, là các công cụ được giới buôn ma túy lựa chọn.
Dù nhận biết sản phẩm của mình đang được giới tội phạm sử dụng, Ramos tỏ ra không quan tâm đến luật pháp. Các tài liệu cho thấy anh ta lựa chọn phớt lờ giới chức Australia khi họ liên hệ với công ty.
“Chẳng cần phải là chuyên gia luật cũng có thể hiểu việc phớt lờ cơ quan thực thi pháp luật có thể sẽ dẫn đến thảm họa”, Bruno bình luận.
Năm 2015, FBI bắt giữ Owen Hanson, một kẻ buôn ma túy xuyên quốc gia. Kế hoạch thành công phần lớn nhờ vào một mật vụ ngầm hoạt động trong tổ chức của Hanson và được phát điện thoại Phantom, kênh liên lạc duy nhất mà nhà chức trách không thể xâm nhập từ xa.
Sau khi đưa Hanson vào tròng, FBI có cớ để điều tra Phantom, công ty cung cấp thiết bị cho tên trùm này.
Trước khi FBI vào cuộc, Phantom đã bị cảnh sát Australia lẫn Canada (RCMP) đưa vào tầm ngắm. Có tới 15 công ty phân phối dòng điện thoại tại 2 quốc gia này, với doanh số vào khoảng 32 triệu USD.
Tuy nhiên, ở cả 2 quốc gia thì việc bán điện thoại, dù là cho tội phạm, không trái pháp luật. Chỉ tại Mỹ, nơi có đạo luật về các băng đảng tham nhũng và tội phạm (viết tắt là RICO), một công ty như Phantom mới có thể bị kết tội. Đó là lý do FBI cần vào cuộc.
Kế hoạch của FBI là cài cắm một mật vụ ngầm vào mạng lưới phân phối của Phantom, nhưng họ không cần trực tiếp làm điều đó. Tháng 9/2016, cảnh sát bang Queensland, Australia thông báo với FBI rằng họ đã có một nhân chứng giấu tên (CHS) làm việc trong hệ thống.
Vào thời điểm này, Phantom đã được bán trên khắp thế giới. Tài liệu của tòa án cho thấy công ty này đã bán được 7.000 - 10.000 chiếc điện thoại, và tiền thu về có khi dưới dạng tiền mã hóa, vàng thỏi hay tiền mặt trong những hòm ký gửi.
Ramos, với khối tài sản khoảng 10 triệu USD, thì đang tận hưởng cuộc sống xa hoa tại Vegas với vợ mình.
“Mọi thứ đang quá tốt, và cậu ta không thể dừng lại”, một người nhà của Ramos kể.
Tuy nhiên, đây cũng là lúc sản phẩm Phantom bị cạnh tranh khốc liệt nhất. Sau gần 10 năm trên thị trường, những chiếc BlackBerry bảo mật đã dần trở nên lỗi thời. Phantom cũng thử các phần mềm mã hóa trên những dòng điện thoại Android, nhưng đều không hiệu quả như trên BlackBerry.
Cùng lúc đó, các đối thủ cạnh tranh bắt đầu tấn công những thị trường chủ lực của Phantom như Australia, với mức giá rẻ hơn.
“Lúc đó sản phẩm không còn độ ngầu như trước, mà cũng chẳng rẻ”, Bruno nhận định.
CHS, người cung cấp thông tin cho FBI, như một cái phao cứu sinh cho Ramos. Người này đề nghị nhập một đơn hàng lớn cho một nhóm buôn ma túy. Khách hàng mới này không hề giấu lĩnh vực kinh doanh của mình trong các cuộc nói chuyện với Ramos.
Thông qua một cuộc gặp gỡ tại Las Vegas vào năm 2017, Ramos thừa nhận mình không có vấn đề gì với ngành kinh doanh của khách hàng. Anh ta cũng gợi ý cách sử dụng những tính năng như xóa dữ liệu từ xa hay cách theo dõi bằng GPS nếu khách hàng cần.
Khách hàng này không phải là một kẻ buôn ma túy, mà là một mật vụ của RCMP. Toàn bộ cuộc trò chuyện giữa 2 bên được ghi lại.
Cái bẫy đã được giăng sẵn cho Ramos.
Sau cuộc gặp đó, CHS ngày càng được tin tưởng. Người này được tiếp xúc với những đầu mối phân phối tại Thái Lan, Hong Kong, Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một cuộc trao đổi, Ramos thừa nhận đã xóa được dấu vết trên điện thoại cho một nhóm buôn ma túy.
Doanh thu của Phantom ngày càng phát triển, nhưng những bằng chứng chống lại ông chủ công ty này cũng càng lúc càng nhiều hơn.
Tháng 2/2018, Ramos nhắn tin cho một nhân viên để chuẩn bị tiệc ăn mừng. Trong tin nhắn, ông chủ Phantom tiết lộ mình vừa ký hợp đồng với băng đảng Sinaloa, một trong những băng buôn ma túy lớn nhất Mexico.
“Mua một con Range Rover mới đi, vì tôi vừa chốt được một hợp đồng, ngay tuần này. Sinaloa đấy”, Ramos nhắn cho nhân viên của mình.
Ramos không ăn mừng được lâu. Vào cuối tuần đó, anh ta phải tới Las Vegas để xem một trận đấu UFC. Thay vì được thưởng thức trận thi đấu, Ramos đối mặt với những đặc vụ chống ma túy trong căn phòng khách sạn tại Wynn.
Ưu tiên của các cơ quan điều tra không phải là bắt giữ và kết tội Ramos. Họ đưa ra một đề nghị: nếu Ramos có thể tạo ra cửa hậu trong hệ thống của Phantom để theo dõi các nhóm tội phạm, anh ta có thể được giảm án tù.
Tuy nhiên Ramos không phải người kiểm soát về mặt công nghệ. Người có thể đưa ra câu trả lời là Giám đốc kỹ thuật của Phantom, lúc đó đang sống tại Canada. Thay vì đưa ra lựa chọn, Ramos tìm cách chạy trốn.
Ông chủ của Phantom đã chạy được tới tận bang Washington, sát Canada, nhưng không kịp vượt qua biên giới. Ramos bị bắt khi đang ngồi ăn trưa tại một quán ăn nhỏ ở thị trấn Bellingham.
“Việc bắt giữ Vincent Ramos và các đồng phạm là một sự kiện quan trọng trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia. Phantom Secure bị cáo buộc đã tạo ra một dịch vụ cho phép tội phạm trên khắp thế giới trốn tránh lực lượng chức năng để buôn ma túy và thực hiện nhiều hành vi khác mà không bị phát hiện.
Ramos và công ty của hắn đã thu lợi hàng triệu USD từ các hành vi phạm tội này. Hành động của chúng tôi gửi một thông điệp tới những kẻ lợi dụng mã hóa để trốn tránh pháp luật”, Giám đốc FBI Christopher Wray tuyên bố trong thông báo sau khi bắt giữ Ramos.
Tháng 10/2018, Ramos nhận tội trước tòa về việc vận hành tổ chức tội phạm, hỗ trợ buôn ma túy.
“Sẽ là dối trá nếu tôi nói rằng tôi không biết mọi việc đang diễn ra như thế nào. Sự thật là tôi đã lờ đi những gì diễn ra trước mắt để kiếm tiền và nuôi vợ con”, ông trùm này viết trong bức thư gửi thẩm phám.
Tháng 5/2019, Ramos bị kết án 9 năm tù. Theo bản án, sau khi ra tù anh ta cũng bị cấm tham gia vào các lĩnh vực phát triển, duy trì dịch vụ và thiết bị mã hóa.
Phantom Secure không phải cái tên cuối cùng lọt vào tầm ngắm của các cơ quan an ninh. Tháng 3 vừa qua, cảnh sát Pháp đã xâm nhập được vào thiết bị của Encrochat, một hãng từng cạnh tranh với Phantom. Điều đó cho phép họ đọc tin nhắn chưa mã hóa từ các thiết bị, và bắt hàng trăm tội phạm.
Các ứng dụng nhắn tin có mã hóa đang trở thành xu hướng. Người dùng mạng xã hội lẫn các tổ chức tìm đến ứng dụng như Wickr hay Signal để có thể trò chuyện mà không lo nội dung bị đọc trộm.
“Ramos đúng ra đã có thể tạo ra một Wickr hay Signal nếu như đầu tư đúng vào đội ngũ, cấu trúc, quản lý công ty. Nhưng rồi cuối cùng thứ anh ta muốn lại là những bữa tiệc và xe sang. Thật đáng tiếc”, Bruno, cộng sự cũ của ông trùm Vince Ramos chia sẻ.
Theo Zing
Hàng chục nghìn coder dùng GitHub để phản đối 'luật ngầm giới lao động 996' ở Trung Quốc
Không tiếp cận được các mạng xã hội quốc tế, các lập trình viên này đã sử dụng chính GitHub để cho thế giới biết về tình trạng giờ làm khắc nghiệt tại Trung Quốc.