Các nhà khoa học cho biết sử dụng điện thoại di động nhiều, cũng như xem TV nhiều, sẽ làm giảm các hoạt động thể chất của bạn và có thể gây béo phì.
Gần đây, một nghiên cứu về vấn đề béo phì đã được đăng trên tạp chí International Journal of Behavioral Nutrition and Physical Activity. Giáo sư Jacob Barkley thuộc Đại học Kent ở Ohio cho biết việc sử dụng điện thoại tuy không có ảnh hưởng rõ rệt như ngồi xem tivi hay ngồi trước màn hình vi tính hàng giờ, nhưng về lâu dài chắc chắn nó cũng có tác động không tốt tới cơ thể chúng ta.
Ông Barkley đưa ra thực trạng hiện nay rằng giới học sinh, sinh viên sử dụng di động trung bình 5 tiếng/ngày và gửi hàng trăm tin nhắn mỗi ngày. Các Smartphone được tích hợp rất nhiều chức năng tương tự như máy vi tính. Người sử dụng không chỉ gọi điện, gửi tin nhắn, email mà họ còn có thể lên Facebook, Twitter, tìm kiếm thông tin trên Internet, xem video, tìm hiểu các sự kiện, chơi game ở bất kì đâu và bất kì lúc nào. Và tất cả các hoạt động này đều thuộc “lối sống tĩnh tại” – ít vận động, chỉ ngồi một chỗ mà thôi. Hơn nữa, những người có tần suất sử dụng di động càng cao càng có xu hướng tham gia nhiều vào các hoạt động tĩnh tại. Họ còn dễ bị thu hút bởi các phương tiện truyền thông kĩ thuật số khác như TV, phim ảnh, máy tính và video game.
Mặc dù điện thoại di động là một sản phẩm công nghệ hiện đại, phù hợp với lối sống “tốc độ” của thời nay nhưng nó lại làm con người ta hoạt động “chậm lại”, họ cố gắng hoàn thành nhiều việc cùng lúc như vừa đi chậm đến bến xe buýt vừa nhắn tin; hay dừng lại đọc tin nhắn, kiểm tra lịch xem phim hay đặt một cuộc hẹn khi tập thể dục; hay nhìn thấy một cảnh đẹp, dừng lại, chụp ảnh rồi đăng lên facebook để chia sẻ với bạn bè. Ông Barkley nói tếu: “Có khi bạn ngồi xuống ghế đá công viên chơi điện thoại mà không biết rằng bạn đã ngồi vào cái ghế gãy đấy!”.
Ông Barkley còn cho biết điện thoại di động còn ảnh hưởng tới giấc ngủ. Ông cho hay một số sinh viên gửi tin nhắn khi đang ngủ và họ không nhớ gì sau khi ngủ dậy.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học tiến hành khảo sát trên 300 sinh viên về mức độ sử dụng di động, các hoạt động giải trí và hoạt động thể chất. Trong đó có 49 em được tham gia bài kiểm tra thể lực và đánh giá khả năng làm việc của tim và phổi. Kết quả cho thấy: những ai sử dụng di động quá nhiều, đến 14 tiếng một ngày, có sức khoẻ yếu hơn nhiều so với những người chỉ sử dụng có 1,5 tiếng.
Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu như giới tính, tỉ lệ mỡ của cơ thể, sự tự tin...
Tuy nhiên, Barkley thừa nhận qua nghiên cứu này ta không thể kết luận rằng việc sử dụng điện thoại di động là một trong những nguyên nhân chính gây béo phì, nhưng dù sao chúng cũng có một mối liên hệ mật thiết.
Một chuyên gia sức khoẻ cộng đồng cũng có đồng quan điểm: smartphone có vai trò rất lớn trong việc thay đổi lối sống và thói quen chăm sóc sức khoẻ của mọi người.
Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khoẻ ban đầu Bờ Bắc thuộc hệ thống sức khoẻ LIJ, Great Neck, New York, bà Nancy Copperman cho biết: “Chúng ta phải xem điều này xảy ra tương tự như cuộc cách mạng công nghiệp đã từng có trong lịch sử, nó đã thay đổi cuộc sống chúng ta như thế nào. Nghiên cứu này chỉ rõ chúng ta ăn và ngủ với khoa học công nghệ như thế nào. Và chúng ta phải nhìn thẳng vào sự ảnh hưởng của nó tới sức khoẻ của chúng ta.”
Bà Copperman tỏ ra lo lắng khi nghiên cứu này mới chỉ tập trung ở các bạn sinh viên ở độ tuổi 20 còn trên thực tế hiện nay, các em học sinh tiểu học cũng đã bắt đầu sử dụng smartphone.
Bà Copperman có vài lời khuyên nho nhỏ như sau: Các bậc phụ huynh nên quản lý con em mình không chỉ là chúng làm gì, chơi gì trên di động mà còn quản lý thời gian chúng sử dụng di động nữa. Người lớn cũng phải tự nhắc nhở bản thân, luôn luôn chú ý không được sử dụng di động khi đang tập thể dục hay trong bữa ăn.
Cuối cùng, bà Copperman kết luận: “Đừng quá phụ thuộc vào công nghệ, hãy đi ra ngoài, tham gia các hoạt động ngoại khoá, và bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của bạn được cải thiện nhiều đấy.”
(Theo Trí thức trẻ)