Tại triển lãm Tech World 2016, hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc Lenovo đã cho trình làng 2 sản phẩm smartphone độc đáo: một mẫu sử dụng các camera đặc biệt để quét, chụp môi trường xung quanh ở dạng 3D và một mẫu được trang bị các bộ phận tùy biến phần cứng tức thì, có thể tháo rời.
Phab2Pro - smartphone đầu tiên dùng Google Tango
Một trong những điểm nhấn của Lenovo tại triển lãm công nghệ đang diễn ra tại San Francisco (Mỹ) là việc cho ra mắt mẫu điện thoại cao cấp Phab2Pro, được trang bị màn hình khổng lồ IPS LCD 6,4 inch cùng công nghệ Tango của Google với camera tương tác thực tế ảo. Cho tới hiện tại, đây là mẫu smartphone đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ Tango, có thể quét cũng như ghi lại hình ảnh xung quanh theo dạng 3D và dựng lại.
Với mẫu Phab2Pro, Lenovo đã phát triển thêm một hệ thống các cảm biến nhận diện chiều sâu của không gian cũng như theo dõi chuyển động để hỗ trợ cho camera chính 16MP và camera phụ 8MP thông thường của máy. Hãng tuyên bố, hệ thống này mở ra rất nhiều khả năng phát triển, chẳng hạn như các game video, trong đó người chơi có thể cài cắm các nhân vật dựa theo quan sát một căn phòng hay một công cụ quan sát và dịch chuyển các mẫu đồ đạc 3D dựa theo quan sát một ngôi nhà, hỗ trợ quá trình trang trí nội thất, ...
Tuy nhiên, mẫu demo hệ thống được Lenovo dùng để giới thiệu trên sân khấu lại chứng minh có vấn đề. Trong một game về các quân cờ domino ảo, được xếp đặt dựa theo quan sát một chiếc bàn thực, các quân domino liên tục bị kẹt đứng trên đường đi đã thiết lập của chúng. Và việc sử dụng các cảm biến để đo kích thước một chiếc bàn thực đòi hỏi rất nhiều nỗ lực sử dụng phần mềm tiếp cận vật thể.
Tất cả làm dấy lên câu hỏi, liệu công nghệ mới của Lenovo đã sẵn sàng ra mắt thị trường như kế hoạch bán đại trà sản phẩm vào tháng 9 năm nay? "Trong đời thực, bạn chỉ cần dùng một chiếc thước đo. Đây là một ví dụ điển hình cho việc phức tạp hóa vấn đề đơn giản. Đúng, bạn có thể mường tượng một số cách sử dụng thú vị, chẳng hạn như một ứng dụng DHL cho phép bạn ước lượng kích thước và chi phí phải trả cho một gói đồ định gửi đi xa. Nhưng, cái đó hiện vẫn chưa xuất hiện, và rốt cuộc, những gì bạn có hiện nay là một vật mẫu đo đạc không mấy ấn tượng", chuyên gia Ben Wood thuộc công ty tư vấn CCS Insight, bình luận.
Moto Z - smartphone siêu mỏng sở hữu tính năng tùy biến module độc đáo
Sau một loạt thông tin rò rỉ, smartphone Moto Z của Lenovo cuối cùng cũng chính thức trình làng với thiết kế nguyên khối siêu mỏng, chỉ 5,2 mm và tính năng tùy biến module độc đáo MotoMod, cho phép người dùng nâng cấp phần cứng, biến thiết bị trở thành một máy chiếu, loa di động hay thậm chí máy tính tức thì chỉ nhờ kết nối với 4 nam châm và 16 chấu kim loại nằm ở mặt lưng.
Khác với LG G5 hay dự án Project Ara của Google, việc biến hình của Moto Z không cần đến thao tác tháo rời các bộ phận của điện thoại cũng như ngắt nguồn nó. Các phụ kiện giúp nâng cấp phần cứng và tính năng cho Moto Z, chẳng hạn như loa ngoài do JBL phát triển, giống như các ốp lưng bảo vệ, gắn chặt vào lưng điện thoại bằng nam châm.
Lenovo tuyên bố đã hợp tác với một số hãng khác để cho ra đời các phụ kiện tùy biến module của Moto Z. Họ cũng kêu gọi các chuyên gia thiết kế phát triển thêm nhiều module nữa sau khi máy ra mắt thị trường mùa hè này.
Moto Z cũng như LG G5 hay Project Ara đang được coi là các sản phẩm đánh dấu sự đoạn tuyệt với xu hướng tích hợp các thành phần chức năng của điện thoại càng chặt càng tốt, nhằm tối ưu hóa thời lượng pin và sức mạnh tin học.
Tuy nhiên, một chuyên gia phân tích trong ngành tỏ ra hoài nghi về xu hướng cải biến mới.
Theo chuyên gia Carolina Milanesi đến từ công ty nghiên cứu thị trường, người tiêu dùng thường không muốn đem theo "một món đồ riêng rẽ khác nữa" (ám chỉ phụ kiện phần cứng) đi kèm điện thoại. Và khi họ chọn mang thêm thứ gì đó nữa, nó phải phục vụ một mục đích rất đặc biệt hoặc là sản phẩm của một thương hiệu chuyên về lĩnh vực mong muốn. Trong khi đó, bà Milanesi nhận định, Moto Z đang mang tới sự thỏa hiệp hạn chế đối với các mong muốn này.
Một số nhà phân tích khác cho rằng, những cải biến mới của Lenovo có thể khó tạo ra đủ sức hấp dẫn với người tiêu dùng. Chúng thậm chí có thể phức tạp hóa hơn nữa những nỗ lực của hãng điện thoại này trong việc đảo ngược doanh số điện thoại bán ra của mình.
Theo công ty nghiên cứu công nghệ IDC, Lenovo hiện là nhà sản xuất smartphone bán chạy thứ 6 của thế giới, sau khi bị 2 thương hiệu khác của Trung Quốc là Oppo và Vivo qua mặt hồi đầu năm nay. Hồi tháng 5, Lenovo thông báo đã sụt giảm 128 triệu USD doanh thu trong năm tài chính vừa qua. Vào thời điểm đó, hãng này thừa nhận đang gặp trục trặc trong việc sáp nhập Motorola, mảng di động đã mua lại từ Google với giá 2,8 tỉ USD năm 2014.
Tuấn Anh (Theo BBC, Phonearena)