Món quà vặt snack vốn được trẻ em yêu thích do hương vị bùi, thơm, vị ngọt hấp dẫn. Thế nhưng, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất snack dùng chất hoá học bị cấm ở Mỹ.

Chất nào thơm ngon đều cho vào snack

Thông tin công ty TNHH SaSa chuyên sản xuất bánh snack (bim bim) ở huyện Hoài Đức, Hà Nội bị cơ quan chức năng phát hiện sử dụng đường cyclamate, một loại đường hoá học đã được Mỹ cảnh báo ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, khiến người tiêu dùng lo lắng. Tiếp tục kiểm tra cơ sở sản xuất bim bim tại thôn 6, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ một lượng lớn nguyên liệu sản xuất snack gồm: bột ớt khô, bột nở, bột thơm, bột nguyên liệu, phẩm màu... đều do Trung Quốc sản xuất, được cơ sở mua trôi nổi ngoài thị trường.

Đáng chú ý, cơ sở sản xuất này cũng “độn” đường cyclamate vào snack. Chủ cơ sở thừa nhận: tất cả các sản phẩm snack sản xuất ra đều chứa đường cyclamate và phẩm màu công nghiệp!

{keywords}

Cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 1,2 tạ đường cyclamate tại công ty TNHH SaSa chuyên sản xuất bánh snack (bim bim) ở huyện Hoài Đức, Hà Nội.

 Sử dụng đường cyclamate sản xuất snack ngoài tiết kiệm chi phí, còn giúp doanh nghiệp bảo quản được sản phẩm lâu trong điều kiện thời tiết nóng bức.

Trước cấm, giờ lại cho phép

Tại Mỹ, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đưa chất cyclamate vào danh mục cấm sử dụng từ năm 1969. Còn ở Việt Nam, trước đây cyclamate từng bị cấm sử dụng trong thực phẩm, tuy nhiên từ đầu năm 2013, cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) đã ban hành thông tư 27 hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm, cho phép sử dụng 400 loại phụ gia (quy định cũ chỉ có 250 loại), trong đó có những phụ gia trước đây bị cấm như cyclamate. Bà Nguyễn Thị Khánh Trâm, cục phó cục An toàn thực phẩm cho biết, đường sodium cyclamate, gọi tắt cyclamate, là một chất làm ngọt, màu trắng, không mùi, dạng bột tinh thể, tan nhiều trong nước. Việc một số chất từng bị cấm được đưa vào danh mục là do nằm trong danh mục phụ gia của uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) mà Việt Nam là thành viên.

Theo quy định về quản lý phụ gia mà cục An toàn thực phẩm đưa ra thì đường sodium cyclamate không được nêu sử dụng trong snack, nhưng có thể xếp snack vào đồ ăn tráng miệng làm từ ngũ cốc và tinh bột. Quy định hàm lượng sodium cyclamate trong thực phẩm này là 250mg/kg.

Khó quản lý thực phẩm trôi nổi

PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa hoá đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cho biết, cyclamate có độ ngọt gấp 30 – 50 lần đường ăn. Mỹ cấm sử dụng nó do gây ung thư bàng quang ở chuột thí nghiệm, còn một số nước ở châu Âu vẫn dùng. Ở Việt Nam, hiện đã cho sử dụng lại cyclamate với hàm lượng nhất định, nhưng PGS Côn khuyến cáo: “Không nên lạm dụng loại đường này. Trẻ con đứa nào cũng thích snack nhưng chỉ nên dùng sản phẩm của các cơ sở có uy tín, không nên liều với sức khoẻ con trẻ”.

Tối đa hai gói snack/ngày, ăn sau bữa chính

Theo chuyên gia của quỹ Tim mạch Anh, nếu mỗi ngày ăn một gói snack khoai tây chiên thì một năm cơ thể trẻ hấp thu khoảng 5 lít dầu! Hầu hết các loại snack đều chế biến công nghiệp ở nhiệt độ cao nên dễ hiện diện chất béo trans-fat (có thể gây bệnh tim mạch, về lâu dài dẫn đến ung thư). Thành phần của snack còn có nhiều muối và đường, ăn thường xuyên với liều lượng cao sẽ gây béo phì, đái tháo đường, bệnh huyết áp, bệnh tim mạch, ảnh hưởng chức năng thận… Trẻ ăn nhiều snack sẽ khiến uống nhiều nước, từ đó dẫn đến đầy bụng, chán ăn... Chưa kể một số loại snack của các cơ sở sản xuất không có uy tín, không đảm bảo chất lượng, trẻ ăn vào dễ ngộ độc hoặc mắc các bệnh đường ruột.

Ăn snack thường xuyên sẽ tạo một thói quen không tốt: thích ăn vặt và có nhu cầu nhai suốt ngày, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ răng miệng. Tốt nhất, chỉ nên ăn snack sau các bữa chính, và tối đa hai bịch mỗi ngày. Khi đã ăn snack, phải giảm các thức ăn nhiều dầu mỡ khác, ăn thêm trái cây, nước ép, sữa chua, nước lọc… để cân đối dinh dưỡng cũng như giúp thận thải bớt lượng muối có trong snack.

ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc (hội Dinh dưỡng lâm sàng TP.HCM)

(Theo SGTT)