Tăng ca nhiễm là tất yếu

“Chắc chắn số ca Covid-19 sẽ gia tăng”, các chuyên gia y tế tại TP.HCM cùng đưa ra quan điểm.

PGS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, khi TP mở cửa là chấp nhận sự giao lưu, tăng sự tiếp xúc giữa mọi người. Dĩ nhiên, sự lây lan sẽ tăng hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng của TP.HCM hiện tại có thể kiểm soát được mức độ này.

Ở các quốc gia có cùng chiến lược vắc xin và chủ trương “sống chung với Covid-19”, số ca mắc mới cũng khá cao.

{keywords}
Tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cho người trên 18 tuổi là lợi thế của TP.HCM.

Ông Dũng lấy ví dụ về nước Pháp - một quốc gia ở Châu Âu có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao ở người lớn và tiêm cho trẻ em trước Việt Nam. Mỗi ngày, Pháp có khoảng 7.000 ca nhiễm mới trong khi dân số của Pháp hiện khoảng 70 triệu dân. Pháp ghi nhận 73 ca nhiễm mới/100.000 dân/1 tuần.

Con số này tương tự với TP.HCM hiện tại. Đây cũng chính là tiêu chí số 1 Hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế theo Nghị quyết 128 về phân cấp độ dịch.

Pháp được xem là mô hình phòng chống Covid-19 dựa vào vắc xin thành công. Ngoài ra, nước này còn có chính sách kiểm soát thẻ xanh vắc xin, khuyến khích người dân đeo khẩu trang.

Trong khi đó, Singapore với dân số trên 5 triệu người, số ca nhiễm là 5.000 ca/ngày. “Số ca nhiễm so với số dân thì Singapore gấp TP.HCM đến 6 lần. Như vậy nếu soi chiếu về TP.HCM, chúng ta có thể chấp nhận được với mức độ hiện nay”, PGS Dũng cho biết.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng cho rằng người dân cần bình tĩnh, không lo lắng trước dấu hiệu tăng cao ca nhiễm. “Nếu tăng mà không chuyển nặng, không tử vong thì sẽ tạo miễn dịch cộng đồng tốt hơn, bền vững hơn”, bác sĩ Khanh nhận xét.

Tuy nhiên, khi nào mức tăng là không thể chấp nhận? PGS Dũng cho rằng, đó là khi người dân coi thường Covid-19, không đeo khẩu trang, không duy trì các quy định kiểm soát và dịch sẽ tái bùng phát.

Thay đổi chiến lược xét nghiệm và xử lý ổ dịch

Trước diễn biến dịch tại TP.HCM hiện tại, ngành y tế liên tục tổ chức các đoàn giám sát dịch tại các địa phương có sự gia tăng. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm vẫn đang được duy trì để phát hiện, bóc tách và xử lý F0 trong cộng đồng. 

{keywords}
Xét nghiệm SARS-CoV-2 sẽ được áp dụng theo quy trình mới. 

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, thành phố đang lên kế hoạch triển khai xét nghiệm với quy mô mẫu rộng hơn nhằm đánh giá tình hình sát thực tế hơn. Việc xét nghiệm này cần đảm bảo 2 yếu tố là quy mô mẫu và cơ cấu xét nghiệm sao cho trúng để mẫu xét nghiệm có độ tin cậy cao.

Cụ thể, TP.HCM dự định xét nghiệm với tỷ lệ 4/1.000 dân. Theo tính toán, với 10 triệu dân thì mỗi ngày, thành phố phải xét nghiệm ít nhất khoảng 6.000 mẫu.

TP hiện vẫn đang tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên với các khu vực nguy cơ như chợ, bến xe, siêu thị, cơ sở bảo trợ xã hội; xét nghiệm các hộ gia đình trong khu vực điều tra dịch tễ; xét nghiệm ngẫu nhiên với người lao động có nguy cơ cao tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, khi người dân tự nguyện đi xét nghiệm nếu có triệu chứng hoặc nguy cơ, thì việc bóc tách sẽ đạt hiệu quả cao hơn. 

{keywords}
Ngày 8/11, TP.HCM còn 255 ca nặng đang thở máy và 11 ca can thiệp ECMO.

Nhận định việc TP.HCM vẫn ghi nhận số ca tử vong mỗi ngày ở mức trên dưới 30 ca, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng có 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, vẫn còn nhiều ca nặng phải thở máy và chạy ECMO đang điều trị. Thứ 2 là TP hiện đang đón nhiều người dân ngoại tỉnh quay lại làm việc, trong đó, một số đáng kể chưa kịp tiêm vắc xin. Thứ 3, TP vẫn còn những người chưa tiêm vắc xin.

“Nếu toàn bộ người dân đều tiêm vắc xin, số ca nặng phải thở máy giảm đi, tôi tin rằng qua tháng 12 năm nay, số tử vong có thể giảm xuống dưới 20 ca/ngày”, PGS Đỗ Văn Dũng dự báo.

Còn với bác sĩ Trương Hữu Khanh, điều cần lo ngại, là sự lây nhiễm gia tăng ca mắc có thể ảnh hưởng đến người lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vừa phục hồi lại. Do đó, các đơn vị phải thực hiện 5K kỹ càng, xử trí F0 hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt lao động vì nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, ông cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin Covid-19 cho người lao động ngoại tỉnh quay trở lại TP để an toàn cho người dân và cộng đồng.

Hiện tại, tỷ lệ vắc xin của TP.HCM gần như đạt tối đa mũi 1 với người trên 18 tuổi và hơn 80% đạt mũi 2. PGS Dũng tính toán, hiệu lực giảm tử vong của vắc xin Covid-19 là 90%, nên khi bao phủ vắc xin tối đa cho TP.HCM, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 sẽ thấp hơn rất nhiều so với ung thư, tim mạch hay đột quỵ.

“Đó là điều chắc chắn”, PGS Đỗ Văn Dũng khẳng định.

>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Linh Giao

Nguyên nhân 2 huyện có cấp độ dịch cao nhất ở TP.HCM

Nguyên nhân 2 huyện có cấp độ dịch cao nhất ở TP.HCM

Huyện Nhà Bè và Cần Giờ hiện là 2 địa phương có cấp độ dịch cao nhất ở TP.HCM (cấp độ 3) với việc phát hiện nhiều ca Covid-19 mới tại các khu công nghiệp.