Dịch cúm A H5N1 đang có nguy cơ bùng phát trở lại ở Việt Nam, cùng những thông tin về cúm A H7N9 đã làm chết nhiều người ở Trung Quốc khiến người dân bàn tán xôn xao, lo lắng về nguy cơ lây lan virut cúm đến gia đình mình.
Chị Thúy Hòa (Khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy) rất lo lắng về dịch cúm nên đã ngừng ăn thịt gà, thịt vịt cả tuần nay. Chị bảo, nhà chị có 2 cháu nhỏ nên phải cẩn thận đề phòng mọi nguy cơ gây bệnh.
“Dù rất thích ăn thịt gà nhưng vẫn phải tạm ngừng để thay bằng các món khác như tôm, cá, bò, lợn. Thịt gà bày bán ở chợ có dấu kiểm dịch đấy, nhưng con có con không, vàng thau lẫn lộn. Các con mình còn nhỏ, sức đề kháng kém, nhỡ đâu ham ăn mà xảy ra chuyện gì thì hối không kịp”, chị Hòa nói. Lo sợ dịch cúm, mỗi lần đi chợ chị Hòa đều tránh đến gần các khu giết mổ gia cầm sống tại chợ. Chị bảo “cẩn tắc vô ấy náy”.
Gần đến giờ tan chợ, sạp thịt gà lèo tèo khách nên vẫn chất đầy. |
Theo khảo sát của Phóng viên vào sáng 20/4, tại chợ đầu mối Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), nơi cung cấp nguồn thịt gia cầm chủ yếu cho các chợ lẻ, quán ăn, nhà hàng trong quận và các vùng lân cận, thịt gia cầm bày bán ở chợ có dấu kiểm dịch nhưng trong tình trạng con có con không. Nhiều tiểu thương bán gà công nghiệp, gà sống kêu ế ẩm vì người tiêu dùng sợ dịch.
Chợ họp từ tờ mờ sáng nên tầm 8-9 giờ là tan, thế nhưng vào tầm giờ tan chợ, nhiều sạp hàng bán gà vẫn chất đầy. Một tiểu thương ở chợ cho biết, khoảng một tuần trở lại đây, gà, vịt rất khó bán cho khách lẻ, một số nhà hàng quán ăn cũng giảm số lượng nhập.
Hỏi một vị khách đứng trước sạp gà lưỡng lự rồi rời đi mua cá, vị khách này nói: “Thấy bà bán hàng bảo gà có dấu kiểm dịch, đảm bảo gà sạch, nhưng nhìn kỹ thì thấy con có con không, lẫn lộn như thế chả biết gà nào sạch, gà nào gà bệnh nữa, chuyển sang ăn cá cho lành”.
Cô Miên, chủ quán cơm gần Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, dù gà ế ẩm nhưng giá thịt gà vẫn không hề giảm, bởi mùa này nóng, gà phát triển chậm, hay bị toi, dịch nên nguồn hàng khan hiếm hơn các mùa khác.
“Bình thường mỗi ngày 5 cân thịt gà là vừa đủ, nhưng mấy hôm nay ít người ăn hơn, gà thường là món còn lại cuối cùng”, cô Miên nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những người “cẩn tắc vô áy náy”, vẫn có những người vô tư mua thịt gia cầm được kiểm dịch.
Thịt gia cầm không có dấu kiểm dịch vẫn bày bán tràn lan ở các chợ lẻ. |
Tại chợ ngõ thôn Phú Mỹ, thịt gà, thịt vịt không có dấu kiểm dịch vẫn được bày bán tràn lan. Người dân vẫn vô tư mua mặc các cảnh báo về nguy cơ nhiễm bệnh.
“Dịch cúm lần thứ mấy rồi ấy. Hơi đâu mà nhịn ăn được. Lúc nào có người mắc bệnh rồi tính, Mỹ Đình vẫn chưa có dịch cơ mà”, một người khách phân bua.
Trước tình hình dịch cúm còn nhiều nguy cơ bùng phát, nhiều chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên thực hiện các biện pháp tránh lây lan cúm hoặc mua phải gia cầm bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn gà khỏe, được nuôi tại Việt Nam, hoặc mua những loại gia cầm biết rõ nguồn gốc xuất xứ.
Một số lưu ý căn bản cho việc phòng ngừa dịch cúm: * Tăng cường vệ sinh ăn uống - Chỉ ăn thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm được nấu chín kỹ. - Chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch không bị bệnh. - Không ăn tiết canh. - Không làm thịt và ăn các loại gia cầm ốm, chết. * Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh - Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, trước khi ăn. - Rèn luyện thân thể, giữ ấm cơ thể để nâng cao khả năng phòng bệnh. - Nên thay, giặt quần áo, rửa giày dép hằng ngày. * Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh - Hạn chế tiếp xúc gia cầm kể cả khi chúng còn khỏe. - Chỉ giết mổ gia cầm khỏe; đeo khẩu trang, găng tay khi giết mổ; rửa dao, thớt bằng nước sôi sau khi giết mổ; nên có hai thớt để thái thịt sống và thái thịt chín. - Không cho trẻ em tiếp xúc với gia cầm hoặc chơi cạnh chuồng gia cầm. * Hãy đến ngay cơ sở y tế Sốt cao trên 380C, ho, đau ngực, khó thở kèm theo đau đầu, đau cơ mệt mỏi... cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. * Làm gì khi trong gia đình có người nhiễm cúm? - Đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. - Những người sống trong cùng gia đình cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm. - Sử dụng thuốc kháng virút theo chỉ định của thầy thuốc. - Phải khử trùng, vệ sinh nhà cửa theo hướng dẫn của cơ quan y tế. - Khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang. Theo bác sĩ Trần Hoài Nhân |
K. Minh