Dền cơm, rau sam, tầm bóp,... mớ to thì 10.000 đồng, mớ nhỏ 5.000 đồng. Các loại rau dại được dân Hà thành tranh nhau mua khiến loại rau này lúc nào cũng đắt như tôm tươi, còn người bán kiếm nửa triệu mỗi ngày.

Kiếm rau dại bán, thu nửa triệu/ngày

Theo ghi nhận của PV, tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, dù không còn hiếm và đắt đỏ như khoảng hai năm về trước, song rau dại vẫn là loại khó mua, hàng lúc nào cũng đắt như tôm tươi vìn ngày càng được dân Hà thành ưa chuộng, tin dùng.

Chị Bùi Thị Hải, bán rau dại tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), chia sẻ, rau sam, rau dền cơm, tầm bóp, rau muối, mảnh cộng,... đều đồng giá 5.000 đồng/mớ nhỏ, 10.000 đồng/mớ to.

“Giá rẻ như các loại rau thông thường nên cực kỳ hút khách, hàng ngày có bao nhiêu hết bấy nhiêu”, chị Hải khoe.

Chị Hải tiết lộ, gần hai tháng nay, ngoài việc hái rau muống tại ruộng của nhà trồng được, chiều hàng ngày, chị thường chạy xe máy đến các vùng đất làm dự án khu đô thị hay khu công nghiệp bỏ hoang quanh ngoại thành Hà Nội kiếm rau dại hái về bán.

{keywords}
Rau dại giá 10.000 đồng/mớ được bán ở các chợ trên địa bàn Hà Nội

Lúc đầu chị chỉ hái quanh nhà, mỗi ngày được 5-6 mớ là nhiều. Đem ra chợ bán mọi người tranh nhau mua. Một số người ăn quen còn đặt hàng. Thấy vậy, chị bắt đầu mở rộng phạm vi tìm kiếm để có nhiều rau hơn.

“Giờ thì sáng đi bán, chiều đi kiếm rau. Cứ thế đều đặn, ngày nào tôi cũng kiếm được khoảng 30-50 mớ to rau dại các loại để bán cùng 20-30 mớ rau muống nhà trồng. Riêng bán rau dại thu được khoảng 300.000 đồng/ngày, ngày kiếm được nhiều thì thu được cả nửa triệu đồng”, chị tiết lộ.

Chị Hải cũng cho hay, việc đi kiếm rau dại phải chạy xe khá lòng vòng nhưng đổi lại, vào thời điểm này rau dại khá nhiều. Nhờ thời tiết ấm, nồm ẩm lại thỉnh thoảng có mưa nên rau dại mọc rất nhanh. Có những chỗ nay qua hái hết một lượt, 4 hôm sau quay lại đã thấy rau mọc um tùm, tha hồ hái về bán.

Tương tự, bà Lê Thị Ngân ở Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng chia sẻ, không kiếm được quá nhiều tiền nhưng mỗi ngày bà cũng thu được 150.000-200.000 đồng từ việc bán rau dại.

“Một số nhà giờ cũng trồng rau dại bán, nhưng tôi thì tranh thủ đi kiếm ở những mảnh đất bỏ hoang về bán được đồng nào hay đồng đó chứ không trồng”, bà Ngân chia sẻ.

Đến rau dại cũng phải ăn dè

Hơn một tháng nay, chị Nguyễn Thị Kim Duyên ở Nguyễn Xiển (Hoàng Mai, Hà Nội) thay đổi thói quen đi mua rau ngoài chợ. Thay vì đi mua vào giờ tan sở, chị chuyển sang mua vào sáng sớm, trước giờ đi làm.

“Phải đi lúc sáng sớm mới mua được rau dại ăn, chứ nếu đi chiều thì tìm cả chợ cũng không có”, chị Duyên nói.

{keywords}
Được chuộng mua nên dân buôn thể thu được nửa triệu/ngày từ việc kiếm rau dại bán

Theo lời chị Duyên, ngày trước gia đình vẫn thường mua các loại rau ở chợ ăn. Cứ nay ăn rau muống, mai rau ngót, ngày kia rau cải,... quanh đi quẩn lại chỉ có mấy loại rau này. Tuy nhiên, gần đây, đi chợ thấy có rau dền cơm, tầm bóp, rau sam,... đoán là rau dại mọc tự nhiên không phun thuốc sâu, cũng không bón phân gì nên sẽ an toàn hơn rau dân trồng. Nghĩ thế chị chuyển sang mua các loại rau này.

Cùng chung suy nghĩ, chị Đỗ Thị Thùy ở Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) giờ cũng chọn ăn rau dại và hạn chế mua các loại rau thông thường. “Không đảm bảo an toàn tuyệt đối nhưng so với các loại rau dân trồng thì rau dại vẫn ít độc hại hơn nhiều”, chị Thùy nói.

Chị chia sẻ, mấy năm về trước thỉnh thoảng gia đình chị cũng được thưởng thức một bữa rau dại nên biết các loại rau dại ăn rất ngon và hấp dẫn. Rau dền cơm, rau sam có thể nấu canh thịt băm, ăn mát và ngọt. Rau tầm bóp xào tỏi ăn hơi có vị ngăm đắng, lúc sau lại có vị ngọt. Thế nhưng hồi đó, rau dại ở Hà Nội đắt ngang với thịt, ăn một bữa rau dại mà hết cả 50.000-60.000 đồng nên gia đình chị cũng hạn chế.

“Nay ở chợ bán khá nhiều, nhưng loại rau này thường cháy hàng. Mua buổi sáng thì còn chứ buổi chiều rất khó”. Chị Thùy nói và cho biết, hôm nào mà chị chậm chân một chút, không mua được đủ lượng rau dại cho hai bữa ăn thì cả nhà lại ăn dè, không dám làm món xào, chỉ dám làm món canh cho đủ.

Bảo Phương