Chỉ hơn 1 năm làm quen, lực lượng cán bộ của Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã sử dụng ứng dụng SMART rất thành thạo.
Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, xây dựng, sử dụng và phát triển hơn 19.000ha rừng đặc dụng trên địa bàn 7 xã và 1 thị trấn của huyện Võ Nhai. Đồng thời quản lý hơn 3.400ha rừng phòng hộ thuộc địa bàn 6 xã của tỉnh.
Hơn 1 năm qua, Ban đã đẩy mạnh việc ứng dụng bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART). Từ đó mang lại hiệu quả rất thiết thực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên kiểm tra thực địa.
SMART là bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra được nhiều nước trên thế giới áp dụng chính thức ở cấp quốc gia nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ tại các khu bảo tồn.
SMART giúp chuẩn hóa việc thu thập dữ liệu, phân tích, lập báo cáo về hiện trạng quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trong hệ thống các khu bảo tồn. Những dữ liệu này giúp ích rất lớn cho quá trình xây dựng các quy định và đưa ra quyết sách phù hợp nhằm quản lý, bảo tồn hiệu quả hơn.
Tại Việt Nam, từ năm 2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành quy trình sử dụng bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART) tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ.
Theo đó, ứng dụng này được thống nhất dùng chung trên cả nước. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bảo vệ rừng bằng các phần mềm chuyên ngành thông qua việc ứng dụng SMART, với phiên bản nâng cấp là SMART6.3.0.
Với đầy đủ các trường thông tin cơ bản để phục vụ tốt nhất hoạt động quản lý các khu rừng, ứng dụng SMART tiếp cận đơn giản, dễ sử dụng.
Không chỉ phù hợp với các kiểm lâm viên địa bàn, cán bộ bảo vệ rừng và các nhóm tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng ghi nhận thông tin hiện trường trong quá trình tuần tra thực địa, ứng dụng còn được thống nhất sử dụng phiên bản tiếng Việt. Do đó, việc lưu hành ứng dụng khá thuận lợi.
Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ghi nhận: Chỉ hơn 1 năm làm quen, lực lượng cán bộ của Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh đã sử dụng ứng dụng SMART rất thành thạo.
Trước đây, việc thu thập dữ liệu tuần tra của các kiểm lâm viên được thực hiện thông qua máy định vị GPS cầm tay; phiếu, biểu bằng giấy; máy ảnh và được nhập một cách thủ công vào máy tính nên mất nhiều thời gian, phát sinh rủi ro.
Từ khi sử dụng ứng dụng SMART, việc thu thập thông tin, dữ liệu hiện trường dễ dàng, nhanh chóng và chính xác hơn. Cụ thể, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng khi bắt đầu thực hiện tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng sử dụng công cụ SMART Mobile để nhập thông tin tuẩn tra, cập nhật thông tin trong quá trình tuần tra.
Khi kết thúc, lực lượng bảo vệ rừng kết thúc tuyến tuần tra, xuất dữ liệu tuần tra gửi lên máy chủ thông qua địa chỉ Zalo hoặc gmail để tổng hợp, định kỳ hằng tháng báo cáo trong các cuộc họp giao ban.
Đồng thời xuất báo cáo tự động gửi lãnh đạo đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành công việc, định hướng nội dung công việc trong thời gian tới…
Nhờ hỗ trợ đắc lực của ứng dụng SMART, lãnh đạo Ban luôn có hướng chỉ đạo kịp thời nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác chuyên môn của cán bộ.
Việc đưa ứng dụng SMART vào sử dụng là rất cần thiết, giúp cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật. Đặc biệt là góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, theo dõi, giám sát đa dạng sinh học, giúp cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của đơn vị nâng cao hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên