Chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa, trong đó có việc số hóa di sản văn hóa được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem là giải pháp tối ưu hóa khả năng lưu trữ, quản lý, bảo tồn, khai thác, quảng bá, nâng tầm giá trị di sản theo hướng bền vững cũng như mang đến các hình thức du lịch mới cho cộng đồng. Qua đó tạo cầu nối để thế hệ hôm nay dễ dàng tiếp cận những giá trị quý báu từ ngàn xưa của dân tộc.
Cẩm nang du lịch số
Ứng dụng công nghệ thông tin đang được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để lưu trữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích trong giai đoạn hiện nay.
Chính vì vậy, việc số hóa các điểm di tích lịch sử, văn hóa đã và đang được huyện Yên Lạc triển khai nhằm đem đến những thay đổi tích cực trong quảng bá di tích, thúc đẩy du lịch phát triển.
Du khách quét mã QR tìm hiểu di tích Văn Miếu tỉnh.
Hào hứng tham quan, chiêm bái tại khu di tích lịch sử Đền thờ Trạng nguyên Phạm Công Bình, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, chị Nguyễn Thu Hương - du khách đến từ thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Chỉ với thao tác đơn giản mở điện thoại, truy cập mã QR, tôi có thể tra cứu và tìm hiểu thêm nhiều thông tin chi tiết, hữu ích về Khu di tích lịch sử Đền thờ Trạng nguyên Phạm Công Bình.
Có thể dễ dàng nhận thấy các thông tin về di tích được ghi ngắn gọn nhưng rất rõ ràng, ảnh minh họa cũng đầy đủ, chân thực, đa màu sắc, rất đẹp, chuyên nghiệp và sinh động. Đây là một trải nghiệm rất thú vị của tôi sau nhiều năm tham quan di tích này”.
Với không gian văn hóa độc đáo và là nơi thờ các bậc tiên thánh, tiên nho va danh nhân khoa bảng của Vĩnh Phúc, Văn Miếu tỉnh đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
Để tăng hiệu quả quảng bá du lịch cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, Bảo tàng tỉnh phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ, quản lý phần mềm ứng dụng thông minh “63Stravel” đăng tải các nội dung thuyết minh, giới thiệu về cảnh quan kiến trúc, giá trị văn hóa của công trình Văn Miếu tỉnh và các hình ảnh tích hợp về không gian Văn Miếu tỉnh lên nền tảng ứng dụng.
Từ đó, tạo lập các mã QR để du khách có thể sử dụng thiết bị thông minh truy cập vào ứng dụng hoặc quét mã QR tại chỗ để nghe thuyết minh tự động giới thiệu về Văn Miếu tỉnh bằng 4 ngôn ngữ gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Nhật kèm theo hình ảnh minh họa trực quan, sinh động.
Anh Nguyễn Văn Hưng - du khách đến từ huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội cho biết: Đến với Văn Miếu Vĩnh Phúc, tôi đã được tìm hiểu về di sản trên không gian số, với nhiều hình ảnh, thông tin giới thiệu rất hấp dẫn, ấn tượng.
Đặc biệt, tôi có thể quét mã QR để xem, nghe các bài thuyết minh về di tích trên màn hình điện thoại, rất thuận tiện và phù hợp với du khách trong quá trình tham quan.
"Công trình gắn mã QR được xem như cuốn cẩm nang du lịch số bao gồm tài liệu giới thiệu; hình ảnh, video tham quan thực tế, tích hợp với tính năng chỉ đường giúp du khách dễ dàng tìm kiếm, trải nghiệm, tìm hiểu di tích lịch sử. Chỉ trong thời gian ngắn triển khai, đến nay đã có hàng nghìn người dân về trẩy hội và quét mã QR tại Văn Miếu tỉnh", Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lê Hải chia sẻ.
Nâng tầm giá trị
Trên địa bàn tỉnh có 514 di tích lịch sử đã được xếp hạng gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt, 65 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia, 446 di tích cấp tỉnh.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần quản lý, nâng cao giá trị điểm đến, tăng hiệu quả quảng bá, giới thiệu du lịch địa phương.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số di sản, các đơn vị sở hữu di sản bước đầu có những nỗ lực trong tiếp cận các thành quả công nghệ mới để tạo ra giá trị gia tăng cho di sản.
Xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển công nghệ số đặt ra vấn đề giữ gìn văn hóa truyền thống trong thời đại số. Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đã mang lại hiệu quả cao.
Những dự án ứng dụng công nghệ gắn với bảo tồn di sản văn hóa cho thấy sự quan tâm của người trẻ đối với di sản của cha ông, tạo cầu nối để thế hệ hôm nay dễ dàng tiếp cận những giá trị quý báu của dân tộc.
Số hóa di tích, di sản văn hóa mang lại nhiều lợi ích cho việc bảo tồn và truyền đạt di sản văn hóa. Việc chuyển đổi thông tin thành dạng số hóa giúp bảo vệ di sản trước những mối đe dọa như hư hỏng và phá hủy.
Đồng thời giúp tăng cường khả năng truy cập và sử dụng thông tin về di sản từ xa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, học tập và thưởng thức di sản một cách linh hoạt và hiệu quả.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 52 về việc số hóa và ứng dụng trên nền tảng số hồ sơ khoa học, tư liệu di sản văn hóa Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022 - 2030 với mục tiêu đến năm 2030 sẽ thực hiện số hóa 100% dữ liệu hồ sơ khoa học, tư liệu các di tích cấp tỉnh; 100% di sản tư liệu, hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; 100% dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê, có giá trị đặc sắc hoặc có nguy cơ mai một…
Cùng với công tác số hóa tài liệu giới thiệu các điểm di tích, hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào hoạt động ứng dụng thông tin du lịch; ứng dụng công nghệ 3D trong quảng bá du lịch nhằm đem đến cho du khách trải nghiệm thú vị.
Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu của 60 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã được kết nối liên thông với nhau, góp phần từng bước xây dựng bản đồ du lịch số.
Sau 1 năm triển khai, đến nay App du lịch thông minh của Vĩnh Phúc đã có gần 900.000 lượt người truy cập và tải về để khai thác giá trị văn hóa của các di tích.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, nhanh chóng, việc số hóa các di tích là việc làm có ý nghĩa nhằm giới thiệu, quảng bá hệ thống di sản văn hóa, hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ số gắn với phát triển du lịch trực tuyến, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu văn hóa Vĩnh Phúc của bạn bè trong nước và quốc tế.
Theo Thiệu Vũ (Báo Vĩnh Phúc)