Thiếu máy móc, công nghệ hỗ trợ
Thư viện tỉnh hiện có trên 182 nghìn bản sách các loại. Trong số này, nhiều đầu sách có thời gian xuất bản đã hơn 80 năm.
Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Việc lưu trữ sách mới chưa cấp thiết, nhưng việc lưu trữ những sách cũ, nhất là địa chí thì cần thiết và phải làm ngay. Mặc dù nhận thức rõ điều này, nhưng vì không có máy tính, máy scan, nên đến nay, những sách này vẫn được lưu trữ thủ công trong một kho riêng của Thư viện. Về lâu dài, cách thức lưu trữ này sẽ khiến sản phẩm không được nguyên vẹn và khó phục hồi.
Không chỉ việc lưu trữ, số hóa, tại Thư viện tỉnh, hạ tầng công nghệ phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, thay đổi cách phục vụ bạn đọc cũng đang rất hạn chế.
Trước đây, từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Bill Gates, Thư viện tỉnh được hỗ trợ hơn 40 máy tính để phục vụ nhu cầu truy cập Internet, tìm kiếm tài liệu của bạn đọc. Để hỗ trợ việc tra cứu đầu sách, Thư viện cũng trang bị 2 máy tính có cài đặt phần mềm OPAC…
Nhưng theo bà Thoa, sau hơn 10 năm, hệ thống máy tính được hỗ trợ - dù đã được sửa chữa hằng năm - nhưng cũng còn rất ít máy tính hoạt động. Trong khi đó, phần mềm OPAC cũng đang trục trặc, bạn đọc muốn tra cứu sách lại phải quay về cách lật phích truyền thống.
Xu hướng tất yếu
Chuyển đổi số, phát triển thư viện số, kết nối, liên thông thư viện Việt Nam hiện nay là nhiệm vụ quan trọng của các thư viện đã được đề cập trong các văn bản pháp lý, cụ thể là trong Luật Thư viện 2019.
Để cụ thể hóa các nội dung liên quan, ngày 11/2/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Để triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 2175/QĐ-BVHTTDL ngày 23/7/2021 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn cụ thể.
Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Từ chương trình này, Thư viện tỉnh Tuyên Quang được phê duyệt dự án chuyển đổi số hoạt động thư viện. Đến thời điểm này, đơn vị đã bàn giao cho đơn vị tư vấn 12.500 trang sách, trong đó ưu tiên tài liệu địa chí, 300 thẻ bạn đọc, 350 trang dữ liệu giới thiệu - tin tức để scan tài liệu.
Đồng thời bóc tách dữ liệu toàn văn 1.500 trang báo tạp chí, 300 trang dữ liệu tin tức, 50 trang dữ liệu bài viết, tài liệu giới thiệu, 11.000 trang dữ liệu sách, tài liệu số và 300 trang dữ liệu bạn đọc.
Thư viện tỉnh hiện cũng đang thực hiện chuyển đổi dữ liệu từ phần mềm cũ sang phần mềm mới. Đồng thời triển khai đào tạo phần mềm Thư viện số tỉnh Tuyên Quang cho cán bộ, người quản lý…
Ngoài ra, nắm bắt xu hướng chuyển dịch tìm đọc sách trên nền tảng mạng trực tuyến, Thư viện tỉnh đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa các ấn phẩm báo, tạp chí lên các nền tảng số như: Xây dựng chuyên mục giới thiệu tác phẩm mới, ấn phẩm thông tin trên hệ thống mạng xã hội…
Trong đó, trên fanpage “Thư viện Tuyên Quang”, mỗi tuần đều có chuyên mục giới thiệu sách mới đến đông đảo bạn đọc trên mạng xã hội.
Theo bà Thoa, trong thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực đầu tư máy tính, máy scan để việc lưu trữ, liên thông dữ liệu cũng như thay đổi phương thức phục vụ bạn đọc trong thời đại số được thuận lợi và hiệu quả hơn.
Theo Nguyễn Đạt (Báo Tuyên Quang)