Cuối năm ngoái, tại buổi gặp mặt, giao lưu học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu, em Đinh Lâm Hùng, dân tộc Chứt, hiện đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng chia sẻ bản thân sinh ra và lớn lên trong gia đình dân tộc thiểu số khó khăn đặc thù ở xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, 1 huyện miền núi nghèo khó ở phía tây tỉnh Quảng Bình.

Là học sinh người dân tộc thiểu số khó khăn, có phần hơi rụt rè và nhút nhát, bước đầu em đã gặp không ít khó khăn với việc hòa nhập với các bạn học sinh cùng trang lứa. Tuy nhiên, trong quá trình học tập tại các cấp học ở địa phương, nhờ sự quan tâm, chăm lo của các thầy cô, nhà trường, cùng sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cho học sinh dân tộc thiểu số, các em đã có môi trường học tập, rèn luyện tốt hơn.

Cũng năm ngoái, nữ sinh Cao Thị Hằng đã trúng tuyển vào Trường đại học Sư phạm Huế và là người Rục đầu tiên đỗ đại học.

Nhà của Cao Thị Hằng ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Trong quá trình học tập, Cao Thị Hằng là người luôn có ý thức học tập tốt, và học được các môn xã hội. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm học 2021-2022, Cao Thị Hằng đều đạt điểm khá cao: văn 7,75 điểm, địa 7,75, sử 7,75 và giáo dục công dân đạt 9,5. Tổng điểm xét tuyển vào Trường đại học Sư phạm Huế của nữ sinh này đạt 25,5.

Em Hùng, em Hằng và một trong hàng trăm tấm gương đã tự lực vươn lên trong học tập nhờ thay đổi tích cực về nhận thức, cách làm.

Nhìn vào thực tế, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã không ngừng nỗ lực cải thiện các điều kiện kinh tế, hạ tầng xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa… cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên tinh thần đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách để hỗ trợ cho các em, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập, vươn lên trong cuộc sống và tham gia trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực công tác của mình ngày càng tốt hơn.

Điều đáng ghi nhận là cùng với sự tác động của Nhà nước, sự ủng hộ, hỗ trợ của xã hội và cộng đồng để phát triển đã có sự thay đổi tích cực về nhận thức, cách làm và chuyển biến, vượt qua chính mình để tự lực vươn lên trong học tập.

Qua các kỳ tuyên dương, nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc đã nỗ lực, phấn đấu và bước đầu đạt được những thành công trong cuộc sống. Trải qua 8 kỳ tuyên dương cho thấy thành tích của học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm sau tăng hơn các năm trước cả về số lượng và chất lượng.

Có 13 em học sinh thuộc các dân tộc có khó khăn đặc thù trúng tuyển vào đại học (nhiều hơn năm 2020 là 3 em). Có 18 thanh niên là người dân tộc thiểu số đạt các thành tích xuất sắc, tiêu biểu, nhiều hơn năm 2020 là 6 em (năm 2020 là 11 em).

Ngoài các đối tượng trên, Ban Tổ chức đã phối hợp với các địa phương lựa chọn những học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu, xuất sắc nhất để đề xuất tuyên dương. Kết quả, có 25 em học sinh, sinh viên, thanh niên thuộc đối tượng này được tuyên dương.

Như vậy, tổng số học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương năm 2022 là 142 em, thuộc 50 dân tộc, đến từ 47 tỉnh, thành phố, vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên toàn quốc.

Đặc biệt, năm ngoái có 19 em đạt giải Nhất, Nhì trong Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia (tăng 6 em so với năm 2020); Có 5 em đạt giải Nhất, Nhì trong Kỳ thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, cao hơn năm 2020 (năm 2020 không có em nào).

Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, đã trúng tuyển hoặc tuyển thẳng vào các trường đại học, học viện, đạt số điểm từ 27 điểm trở lên theo tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học trong Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021-2022 có học lực xếp loại khá, giỏi; hạnh kiểm xếp loại tốt trong 3 năm học trung học phổ thông là 62 em. Trong đó, số học sinh dân tộc thiểu số trúng tuyển vào đại học với số điểm 28,5 điểm trở lên đã không còn là cá biệt.

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV