Từ trước tới nay, hầu hết người lao động kiện ra tòa để yêu cầu doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức phải nhận mình trở lại làm việc chứ hiếm có trường hợp ngược lại.


Ấy vậy mà câu chuyện này lại có thật...

Đường ai nấy đi

Theo hồ sơ, tháng 8-2008, ông N. ký hợp đồng lao động với Công ty T. Hai bên thỏa thuận ông N. sẽ làm phó giám đốc kinh doanh dự án phụ trách quản lý phòng Kinh doanh dự án; lập kế hoạch phát triển kinh doanh mảng xuất khẩu và dự án…

Bên cạnh đó, ông N. có nghĩa vụ hoàn thành những cam kết trong hợp đồng lao động; chấp hành lệnh điều hành sản xuất, kinh doanh. Khi không còn làm việc tại công ty thì ông phải bàn giao toàn bộ tài liệu, thông tin, trang thiết bị… của công ty do mình quản lý; không làm việc cũng như phục vụ, hỗ trợ, giúp đỡ cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Công ty T. trong vòng hai năm kể từ khi kết thúc hợp đồng lao động.

Đồng thời, ông N. cũng không được mở công ty hoặc tham gia điều hành, góp vốn trong công ty hoạt động cùng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh với Công ty T. trong thời hạn hai năm kể từ khi nghỉ ở công ty này...

Sau một thời gian làm việc, cả hai bên nảy sinh bất đồng nên ông N. xin nghỉ việc. Ông N. cho rằng công ty đã đơn phương hủy bỏ thỏa thuận giữa hai bên và thay đổi cơ cấu, chiến lược của công ty. Qua đó, công ty xác định ông không còn phù hợp với công việc và yêu cầu ông nghỉ việc. Vì vậy, ông bàn giao công việc theo đúng chỉ đạo của ban giám đốc và ra đi.

Dù trước đó đã chấp nhận đơn của ông N. nhưng sau phía công ty lại không ra quyết định cho ông N. nghỉ và cũng không thanh toán tiền lương, một số chế độ khác. Thấy thỏa thuận giữa hai bên không được công ty đáp ứng nên cuối tháng 7-2010, ông N. quyết định nghỉ việc và tham gia góp vốn tại một công ty cổ phần. Ngoài ra, ông N. còn tham gia làm việc bán thời gian tại công ty khác với vị trí phó giám đốc phụ trách tư vấn dự án.


Hợp rồi sẽ tan?

Nhận thấy mất ông N. công ty sẽ gặp một số thiệt thòi nên tháng 11-2011, Công ty T. khởi kiện ông N. buộc ông phải trở lại làm việc theo đúng hợp đồng lao động mà hai bên đã ký kết. Theo công ty, việc khởi kiện yêu cầu ông N. trở lại làm việc là để đảm bảo bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh vì lĩnh vực hoạt động của công ty liên quan đến khoa học công nghệ.

Tại buổi hòa giải do TAND quận 4 (TP.HCM) tổ chức, hai bên thỏa thuận, ngày 5-12-2011 ông N. sẽ quay trở lại làm việc theo đúng những gì mà hợp đồng lao động đã thể hiện.

Theo như thỏa thuận, một thời gian sau, ông N. đến Công ty T. làm việc. Thế nhưng khi ông N. trở lại làm việc, Công ty T. liền ra quyết định tạm đình chỉ chức danh phó giám đốc kinh doanh dự án với lý do ông N. phải giải trình bằng văn bản về nội dung tự ý nghỉ việc. Ngoài ra, ông N. phải báo cáo lại việc mình đã làm gì, ở đâu trong thời gian tự ý nghỉ việc.

Ngay sau đó, ông N. đã làm đơn xin nghỉ bởi giám đốc công ty ra quyết định tạm đình chỉ chức danh phó giám đốc để yêu cầu ông giải trình là không hợp lý và mang tính áp đặt. Ngoài ra, công ty cũng không bố trí công việc và điều kiện làm việc đúng với vị trí, thẩm quyền của phó giám đốc kinh doanh dự án.

Hiện nay, giữa hai bên đang giải quyết yêu cầu xin nghỉ việc của ông N.

Kiện nhân viên để bảo vệ bí mật công nghệ

Trao đổi với phóng viên ngày 24-10, giám đốc Công ty T. cho rằng trong thời gian làm việc ông N. có dấu hiệu ăn cắp bí mật công nghệ của công ty. Vì vậy, công ty thỏa thuận cho ông N. nghỉ việc và bàn giao công việc của mình.

Tuy nhiên, ông N. không chịu bàn giao công việc mà tự ý nghỉ ngang rồi đi làm cho một công ty khác cùng lĩnh vực với Công ty T.

Vì vậy, công ty khởi kiện ông N. ra tòa để buộc quay lại làm việc theo hợp đồng lao động với mục đích để ông N. phải biết ăn năn hối cải về việc làm của mình. Đồng thời, cũng là biện pháp để đảm bảo bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh vì lĩnh vực hoạt động của công ty liên quan đến khoa học công nghệ...

“Tôi thấy thỏa thuận sai luật”

Cũng trong buổi trao đổi với phóng viên vào chiều cùng ngày, ông N. giải thích, sở dĩ ông ký hợp đồng lao động với công ty có điều khoản ràng buộc về việc không làm cho đối thủ cùng lĩnh vực kinh doanh của công ty trong thời hạn hai năm kể từ ngày nghỉ việc là vì không hiểu biết pháp luật.

Qua nghiên cứu, ông thấy rằng ông làm việc cho công ty khác có cùng lĩnh vực sẽ không bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, lỡ chấp nhận quyết định của tòa rồi nên ông đành chấp nhận cho xong việc.

Nay ông vào công ty làm việc trở lại rồi nhưng công ty vẫn không giao việc mà bắt ông giải trình này nọ rất phiền phức. Ông làm đơn xin nghỉ việc nhưng chưa được duyệt. Sau 45 ngày nữa ông sẽ nghỉ việc theo đúng quy định của luật lao động...

(Theo Pháp Luật TP.HCM)