Làng nào có người chết vì thắt cổ tự tử, người dân cho rằng đó là cái chết xấu, dân làng phải đốt nhà, bỏ làng.
Phía Tây tỉnh Quảng Nam là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Nơi đây, vẫn còn nhiều hủ tục tồn tại. Ví dụ, ở làng nào có người chết vì thắt cổ tự tử, người dân cho rằng đó là cái chết xấu, dân làng phải đốt nhà, bỏ làng, nếu cố tình ở lại sẽ bị ma ám. Vậy nên, nơi đây đã xảy ra những chuyện hết sức đau lòng.
Sau khi 4 người thắt cổ tự tử, 13 hộ dân trú tại khu dân cư số 2, thôn Bút Tưa (Sông Kôn, Đông Giang, Quảng Nam) đang có cuộc sống ổn định, nhà cửa kiên cố thì nhà nào nhà nấy lần lượt đập phá, dỡ bỏ, mang theo vật dụng bỏ đi nơi khác.
Làng mạc tan hoang
Từ QL14G, chúng tôi theo con đường bê tông rộng 3 m, phẳng lỳ vào nhà máy thủy điện Sông Kôn 2. Thế nhưng, khi đến khu dân cư số 2, chúng tôi chứng kiến cảnh tan hoang, tiêu điều của ngôi làng này. Nhà xây kiên cố đã bị phá bỏ, gạch vữa nằm lăn lóc khắp mọi nơi.
Loay hoay tìm người để hỏi chuyện, chúng tôi thấy ở ngọn đồi bên cạnh có mấy ngôi nhà. Chạy xe ra cuối làng thì bắt gặp một đống cây gai, xương rồng chắn giữa đường. Phía bên ngọn đồi, một người đàn ông quát xối xả: "Không được sang đây bằng con đường này, dân làng cấm rồi. Nếu các anh muốn vào đây thì đi bằng còn đường khác, đi đường này mang con ma sang đây bắt chúng tôi đó".
Ngôi làng tan hoang, tiêu điều không có một bóng người |
Hỏi chuyện người dân về việc những hộ dân bỏ làng ra đi, anh Alăng Nết (SN 1977) mau miệng: “Khu dân cư tổ 2 có 16 hộ, 244 nhân khẩu nhưng có 13 hộ đã bỏ làng đi rồi, nay còn lại 3 hộ bám trụ lại nữa thôi. Chúng tôi ở cùng tổ nhưng lại ở ngọn đồi khác, khu đất này cách “vùng đất xấu” một con suối nên không sợ ma ám. Từ ngày bên đó có cái chết xấu liên tiếp bà con chặt cây gai, xương rồng rào đường để chặn ma không cho qua đây, nếu các anh vượt rào là mang họa đến cho 3 hộ dân còn sót lại”.
Đang nói chuyện với anh Nết thì thêm mấy người chạy đến kể chuyện về làng ma ám. Trước đây, người dân làng Bút Tưa sinh sống ở ngọn đồi Bôlbô (cách khu dân cư tổ chừng 1 km) nhưng vào năm 1980 thì ông Alăng Dhuốc thắt cổ tự tử. Người Cơ Tu cho rằng đấy là cái chết xấu và vùng đấy đó sẽ rất xấu nếu không chuyển làng đi nơi khác thì sẽ có nhiều người chết xấu nữa.
Phá làng tìm nơi ở mới vì quá sợ ma |
Quan niệm truyền đời của người Cơ Tu như vậy nên mọi người trong làng giết sạch vật nuôi trong gia đình, đốt hết tài sản cúng cho ma xấu rồi về vùng đất này lập làng mới (nay có khu dân cư tổ 1 và tổ 2, thôn Bút Tưa).
Tưởng rằng người Cơ Tu về đây đã kiếm được vùng đất lành để sinh sống, vậy mà vào năm 2007, ông Alăng Nhất (SN 1954, ở tổ 1) không biết buồn vì chuyện gì đã thắt cổ tự tử tại nhà. Cái chết của ông Nhất khiến dân làng điêu đứng, họ bỏ tiền của, giết thịt nhiều lợn gà, chó… để xua đuổi tà ma. Những tưởng vùng đất này đã yên bình, sẽ không có ai chết xấu thêm nữa thì đùng một cái vào đầu tháng 12/2013, anh Alăng Tròn (SN 1974) thắt cổ tử tự.
Sau hơn 1 tháng, hôm mùng 4 Tết vừa rồi, không hiểu vì chuyện gì, anh Alăng Nghĩa (SN 1981) lại thắt cổ tại nhà mình. Liên tiếp 2 cái chết giống nhau, nỗi sợ ma ám bao trùm người dân nơi đây. Và ngày 9/2 vừa qua, 13 hộ dân tổ 2 đã tiến hành tháo dỡ, phá nhà ra đi.
Trăm triệu cũng bỏ
Cụ Alăng Kiên (SN 1941) là một trong 13 hộ dân phá nhà, bỏ làng đi tìm nơi ở mới nhưng rất khó khăn, bởi quỹ đất chật hẹp. Để có chỗ sinh hoạt, cất giữ đồ đạc, cụ Kiên cùng với gia đình 2 người con trai và một gia đình đứa cháu dựng một cái lều trên khoảng đất trồng ngô của người con trai đầu bên bờ sông Phô ở khu dân cư tổ số 2, thôn Bút Tưa. Căn lều rộng chừng 30 m2, tổng cộng có 4 hộ gia đình với hơn 10 người cùng khối tài sản mang theo.
Cụ Alăng Kiên sống trong căn lều tạm bờ dựng trên ruộng ngô |
Theo cụ Kiên, người Cơ Tu quan niệm nếu người chết vì bệnh tật, đau ốm thì không sao, còn chết do thắt cổ tự tử là chết xấu, vùng đất ấy không còn lành nữa. Do đó người Cơ Tu phải rời làng, một khi họ đã đi thì không bao giờ đặt chân trở lại.
Hỏi về nhà cũ, cụ Kiên chần chừ một hồi mới lên tiếng: “Vùng đất xấu mình phải đi thôi! Bốn ngôi nhà xây, ngôi nào làm ít tiền cũng hết 50 triệu đồng, ngôi nhiều thì 150 triệu đồng nhưng mình phải đi, không rời khỏi làng ma sẽ bắt mà chết”.
\
Căn liều tạm bợ của cụ Kiên dựng 30 m2 nhưng có đến 4 hộ gia đình sinh sống |
Không riêng gì nhà cụ Kiên mà tất cả 13 hộ gia đình ở tổ 2 đều xây nhà kiên cố, to đẹp. Bởi trước đó, khi dự án thủy điện Sông Kôn thực hiện thì họ được đền bù một khoản tiền tương đối lớn, người dân dùng số tiền này xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng. Như thời điểm này, những ngôi nhà bị phá nếu làm thì ít tiền nhất cũng tốn 100 triệu đồng/nhà.
Cùng cảnh ngộ với cụ Kiên, gia đình Alăng Thừa đã dỡ nhà rời làng ra đi cùng các hộ dân khác. Hiện hai vợ chồng anh Thừa cùng 2 người con đang xin tá túc ở nhà người em trai tại khu dân cư tổ 1, thôn Bút Tưa.
Hỏi về chuyện phá nhà, Thừa cho hay: Còn người thì còn của, tiếc chi ngôi nhà đó. Nếu mình cố tình ở lại thì ma bắt! Mình còn sống thì sẽ làm được nhà mới.
Trao đổi với Trưởng thôn Bút Tưa Alăng Đìu về việc người dân bỏ làng ra đi vì sợ ma, ông Đìu cho hay: “Quan niệm của người Cơ Tu bao đời này là vậy rồi. Họ đã đi thì không ai ngăn nổi. Trước hai cái chết liên tiếp, nhất là sau cái chết của anh Nghĩa, bà con xôn xao chuyện bỏ làng. Chính quyền xã cũng đã có mặt tại làng để thuyết phục bà con ở lại. Thế nhưng quan niệm của người dân bao đời nay đã vậy nên họ không nghe, chính quyền đành bất lực. Sau đó, lãnh đạo huyện có mặt tiến hành họp dân khuyên bảo bà con nhưng họ cũng bỏ làng ra đi tìm nơi ở mới”.
Nói về hai trường hợp mới đây thắt cổ tự tử, ônh Đìu cho rằng, cả hai người này có chứng bệnh tâm thần, họ đã được đưa đến bệnh viện điều trị. Như trường hợp anh Alăng Nghĩa bị bệnh tâm thần, gia đình đã đưa về TP.Tam Kỳ chữa trị 1 tháng, sau đó trở về địa phương sống bình thường. Vậy mà trước khi chết một tháng, bệnh cũ của anh Nghĩa tái phát và tìm đến cái chết. Alăng Tròn cũng bị chứng bệnh tâm thần như vậy.
“Chuyện cũng đã lỡ rồi, bây giờ bà con rất mong muốn được các cấp, các ngành hỗ trợ đất, tiền để làm nhà ở mới. Việc bỏ làng ra đi đã đẩy 13 hộ dân nơi đây gần như chỉ còn hai bàn tay trắng”, trưởng thôn Điều mong muốn.
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Sông Kôn, cho biết: “Xã sẽ sớm bố trí đất, hỗ trợ người dân tổ 2 thôn Bút Tưa. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh công tác tư tưởng để trấn an dân, giúp họ sớm ổn định tinh thần quay trở lại làm ăn”.
Theo Nông nghiệp Việt Nam