Với quan niệm “suốt năm đã làm quần quật, Tết là dịp để nghỉ ngơi”, những nàng dâu hiện đại đã kiếm cớ bận rộn hoặc thu xếp cùng chồng con đi du lịch để hưởng thụ nhằm tránh những phiền phức khi phải “phục vụ” gia đình chồng.


Nghìn “chiêu” trốn Tết quê chồng

Theo phong tục của Việt Nam từ bao đời nay là “thuyền theo lái, gái theo chồng” nên chuyện các nàng dâu phải về quê chồng ăn Tết là chuyện bình thường. Tuy nhiên, không phải nàng dâu nào cũng như thế và có hàng trăm lý do để họ sợ về quê chồng vào dịp Tết.

Ngọc là con gái út trong một gia đình khá giả ở thành phố, được cưng chiều từ bé nên khi về làm dâu trưởng trong một gia đình đông con ở quê, cô đã hoảng hốt thật sự. Tết năm đầu tiên về làm dâu, cô đã “choáng” khi phải cùng gia đình chuẩn bị 20 mâm cho bữa tất niên trong họ. Dù bố mẹ chồng cũng tâm lý, nói đỡ cho cô “cháu nó chưa biết làm gì đâu, các bác thông cảm”, nhưng Ngọc vẫn bị thử thách.


Quần quật cả ngày hết nhặt rau lại rửa bát, hết đứng lên lấy cái nọ lại ngồi xuống làm cái kia, cô mệt phờ người. Rồi theo phong tục nhà chồng, ngoài những lúc phụ mẹ chồng và em chồng nấu nướng, Ngọc còn phải theo bố mẹ chồng đi thăm hỏi, chúc Tết họ hàng. Tối ngủ, cô tủi thân vì vất vả mà chồng không ở bên cạnh giúp đỡ, người lại đau nhức ê ẩm. Tết năm ngoái, gần đến ngày về quê, khi nghĩ đến cảnh phải “vật lộn” với mớ công việc, phong tục ở quê chồng, cô đã phát ốm, nằm liệt giường đến nỗi không đi đâu được. Năm nay, cô đang tính kế để trốn không phải về quê. Cô sợ “chiêu” giả ốm không hiệu quả nữa nên nghĩ đến việc xin trực vào mấy ngày Tết.

Khác với Ngọc sợ về quê vì các phong tục bên chồng, chị Sen sợ nhất, thậm chí là ghét về quê ăn Tết vì mỗi khi về, tính gia trưởng của ông chồng lại có dịp bùng phát mạnh mẽ. Chị Sen tâm sự, chồng chị quê Nghệ An, vốn tính rất gia trưởng. Chị đã phải tìm đủ mọi biện pháp từ nặng đến nhẹ, từ ngọt đến nhạt, từ nghệ thuật đến thẳng thắn… nên tính gia trưởng của anh cũng được cải thiện đôi chút. Tuy nhiên, chỉ cần bước chân về đến quê là anh trở lại con người thật của mình, gia trưởng tới mức không chịu nổi. 10 năm lấy chồng là 10 cái Tết chị phải thui thủi một mình trong bếp, hết nấu nướng lại dọn dẹp, rửa bát đũa. “Nhà chồng mình toàn khách khứa, suốt ngày nấu nướng đầu tắt mặt tối, còn phải phục vụ 2 đứa con nhỏ, mà chồng mình cứ đưa vợ con về nhà là mặc kệ muốn làm gì thì làm, còn mình chỉ ăn và chơi, rượu chè say lướt khướt. Mình chưa thấy có lúc nào khổ như Tết đến” – chị Sen than thở.

Trên một diễn đàn, một chị vợ kể kể: “Tớ cũng mệt mỏi với chuyện về nhà chồng Tết lắm. Tết nhất đáng lẽ phải được chồng đưa đi chơi, mua sắm này nọ, rồi mấy bố con ở nhà cùng mẹ nấu nướng dọn dẹp. Đằng này ông chồng cứ bắt về quê, chưa kịp về thì mấy bà chị dâu đã í éo điện thoại bảo là lười với trốn việc, khiếp”.

Một năm làm dâu được mấy ngày Tết

Ngược lại với các nàng dâu ở trên, chỉ có mấy ngày Tết là chị Thu (Bình Chánh, TP.HCM) mới có thời gian để về quê chồng… làm dâu. Cả hai vợ chồng đều làm trong ngành dịch vụ, không được nghỉ ngày thứ 7, Chủ nhật cũng như các ngày lễ như mọi người nên chỉ có đến Tết, chị Thu mới về quê chồng để thực hiện nghĩa vụ làm dâu. Chị Thu cho biết, nhiều chị em sợ hoặc nghĩ cách “trốn Tết” quê chồng nhưng chị lại khá thoải mái. Tất nhiên, dù bố mẹ chồng có dễ tính đến mấy thì cũng mất tự do, đôi lúc không được đúng theo ý của mình, tuy nhiên, vì cả năm sống ở thành phố, có mấy ngày Tết sum vầy với gia đình chồng vừa là trách nhiệm vừa là bổn phận của con cháu. Nghĩ thế nên chị không thấy ngại Tết quê chồng nữa.


Để có được suy nghĩ như chị Thu, Hà (Bình Dương) phải mất một thời gian khá dài. Năm đầu tiên sau khi cưới, do chồng bận đi công tác ở nước ngoài, Hà hí hửng tưởng sẽ được ở nhà đón Tết, chẳng ngờ chồng gọi điện về nhà, dặn chị rất cẩn thận về quê từ hôm nào, mua vé tàu ra sao, biếu bố mẹ chồng quà gì… khiến Hà giận dỗi chồng vì nghĩ “chồng ghét bỏ vợ, bắt vợ lọ mọ về quê một mình”. Sau đó, Hà lại còn không thèm nghe điện thoại hay “chat chit” gì với chồng cả, khiến chồng Hà lo lắng, gọi điện về nhà bố mẹ vợ xem Hà có việc gì không. Mẹ Hà phải mất một ngày để thuyết phục con gái rằng “lấy chồng thì phải khác, phải sống có trách nhiệm hơn”. Cuối cùng, Hà đành miễn cưỡng về quê chồng trong tâm trạng không thoải mái chút nào và những ngày ấy đối với Hà cứ dài như mấy thế kỷ.

Từ ngày có em bé, được mẹ ruột và mẹ chồng tận tình chăm sóc, lo lắng, Hà mới hiểu được nỗi vất vả khi làm mẹ. Phần nữa, Hà đã thích nghi được với nếp sống bên nhà chồng, lại “hợp cạ” với cô em chồng nên cảm giác bỡ ngỡ, chán nản về nhà chồng cũng vơi đi hẳn. “Lấy chồng, không phải chung sống với gia đình chồng, cả năm có mấy ngày Tết, thôi thì chịu khó… làm dâu vậy”, Hà tâm sự. Chồng bận công tác, Hà được nghỉ Tết sớm nên cô có thời gian dọn dẹp, sửa soạn nhà cửa, mua sắm Tết. Đến mùng Hai, khi chồng được nghỉ, cả hai vợ chồng và con nhỏ lại “rồng rắn” kéo nhau về quê ăn Tết muộn với ông bà nội. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, thôi thì mình lấy chồng xa cũng phải chấp nhận ăn Tết quê chồng xa thôi”, Hà chia sẻ.

(Theo CNMS)