Mẹ đã viết rất nhiều điều đẹp đẽ về con trong những cuốn nhật ký xinh đẹp. Trong những cuốn nhật ký đó có lưu giữ biết bao nhiêu hình ảnh, kỷ niệm tuyệt vời từ ngày con chào đời, con lật con lẫy, con chập chững bước đi…

Với mẹ, tất cả những gì liên quan đến con đều là sự thánh thiện thiên thần và mẹ hạnh phúc biết chừng nào. Thế nhưng hôm nay, mẹ buộc lòng phải ngồi xuống và viết về một điều đáng đau buồn về con, dù con vẫn chỉ còn là một cậu bé 7 tuổi nhỏ bé.

Ngày hôm nay, khi đến đón con ở trường, mẹ đã bàng hoàng khi nghe cô giáo thông báo rằng con đã ăn cắp của lớp một món đồ chơi nho nhỏ và giấu vào trong giỏ xách quần áo của con. Khi cô đi tìm con vịt đáng yêu mà cả lớp cùng thích thú đó, con đã dứt khoát im lặng, không chịu nói ra. Cô chỉ tình cờ phát hiện được khi cần đi tìm đồ đề lau cho con. Cô đã mắng con trước cả lớp, phạt con và con đã phải chịu hình phạt bị các bạn “lêu lêu” suốt ngày.

{keywords}

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mẹ không thể nào tin vào những điều cô giáo nói, trước tiên vì mẹ không thể hiểu nổi hành động của con. Con không thiếu thứ gì, con có mọi điều con muốn và điều quan trọng là mẹ nghĩ gia đình ta không có ai có cái “tính ăn cắp” như cô giáo của con kết luận với mẹ lúc chiều. Mẹ đã dạy dỗ con thế nào? Vì sao con làm như vậy? Chẳng lẽ con bẩm sinh sinh ra là một đứa trẻ xấu tính? Những câu hỏi đó quay cuồng trong đầu mẹ, khiến mẹ choáng váng.

Mẹ còn đau đớn hơn khi dẫn con ra cửa và nghe thấy các bạn trong lớp tiếp tục “lêu lêu” con. Con tức giận đến đỏ cả mặt, chảy nước mắt quay vào nhìn các bạn. Mẹ thấy trong ánh mắt con ánh lên sự hằn thù kỳ lạ, như một người lớn. Đưa con về nhà, mẹ không mắng nổi con câu nào, vì mẹ không thể nào hiểu nổi vì sao con lại làm như thế. Con biết mẹ giận, len lén góc nhà. Không dám đòi bật phim hoạt hình, không tung tăng ca hát nhảy múa, không vòi vĩnh nũng nịu với mẹ như mọi lần. Không khí trong ngôi nhà chỉ có mẹ con mình nặng trĩu. Lần đầu tiên trong đời làm mẹ, mẹ hoảng sợ thật sự, hoang mang thật sự với câu hỏi: mình đã làm gì sai? Sao con mình lại như thế?

Đêm đã khuya rồi, mẹ vẫn còn trò chuyện với nhà tâm lý trên tổng đài điện thoại. Mẹ muốn lý giải hành động của con một cách khoa học nhất, để có thể biết mình phải làm gì với con: trừng phạt, bỏ qua, coi là chuyện không có gì… Và mẹ đã nhẹ nhõm cả người khi chuyên gia tâm lý nói với mẹ: Đừng quá hoảng loạn mà nghĩ rằng đó là tính cách lâu dài của con. Thật ra ở tuổi này, trẻ con chưa hoàn toàn xác định được vấn đề “chủ sở hữu” của một món đồ. Bé chưa hiểu được việc mình có thể làm được hay không làm được điều đó hay không. Trong khi các bạn khác dù có thích vẫn biết sợ thì có thề cá tính của bé mạnh, nên bé muốn được chiếm giữ nó cho riêng mình mà không hề nghĩ rằng đó là “ăn cắp”. Chị hãy nhẹ nhàng trò chuyện với cháu về điều này: về cái là của mình và cái gì là của người khác… Đừng phóng đại vấn đề, cũng đừng bỏ qua cái mầm ích kỷ chiếm đoạt trong lòng trẻ nhỏ.

Sáng nay, mẹ đã trò chuyện với con theo lời hướng dẫn của chuyên gia tâm lý. Nhìn ánh mắt thông minh của con buồn bã lắng nghe mẹ, trái tim mẹ xót xa đến vô cùng. Mẹ không còn giận con như hôm qua nữa, chỉ thấy rằng rồi trên con đường giáo dục con, mẹ sẽ còn phải đối mặt với nhiều những sai lầm, trả giá của chính con và mình, mẹ thấy cả mẹ, và cả con đều đang lớn lên.

Đưa con vào lớp và nói chuyện với cô giáo, xin phép cô cho con được xin lỗi bạn bè và cô, yêu cầu cô không để các bạn chọc ghẹo con nữa, mẹ ra về mà lòng vẫn còn nặng trĩu nỗi buồn.

Lần đầu con vấp, lần đầu mẹ hiểu làm mẹ không chỉ là hạnh phúc mà sẽ còn những nỗi đau xát muối thế này đây.

(Theo PNO)