Mời quý độc giả theo dõi video:

Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp đời sống, văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc tại Sóc Trăng ngày càng khởi sắc.

Toàn tỉnh có gần 1,2 triệu người; trong đó, dân tộc Kinh chiếm 64,59% dân số; dân tộc Khmer chiếm 30,19%; người Hoa chiếm 5,2%; còn lại dân tộc khác chiếm 0,03% dân số.

Sự cộng cư sinh sống lâu đời của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tạo cho Sóc Trăng một bản sắc văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, đa dạng về phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, ẩm thực, tôn giáo, tín ngưỡng, các loại hình văn hóa nghệ thuật, công trình kiến trúc cổ kính,…

Chùa Bốn Mặt là ngôi chùa cổ trên 500 năm nằm ở huyện Châu Thành, cách trung tâm thành phố khoảng 6km. Tổng thể kiến trúc chùa bao gồm nhiều công trình đặc sắc như Chính điện, Sala, tháp để cốt, lò hỏa táng, khu nhà ở của các sư, nhà tiếp khách… Hàng năm, chùa thu hút đông du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, chiêm bái…

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của địa phương, chùa phát triển câu lạc bộ văn nghệ để bảo tồn các điệu múa dân gian của người Khmer. Năm 2023, từ nguồn vốn Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ Câu lạc bộ văn nghệ tụ điểm Chùa Bốn Mặt kinh phí là 50 triệu đồng cho câu lạc bộ múa với các trang thiết bị: Loa, Micro cầm tay không dây, tủ thiết bị, trang phục múa sinh hoạt. Từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ đã phát huy rất hiệu quả các loại hình văn hóa văn nghệ của đồng bào Khmer.

Sóc Trăng hiện có 1 bảo tàng, 1 phòng trưng bày văn hóa Khmer; có 6/11 huyện, thị xã, thành phố có nhà truyền thống; sưu tầm trên 14.600 hiện vật, tổ chức trên 210 cuộc triển lãm lưu động trong và ngoài tỉnh, mỗi năm phục vụ trên 850.000 lượt du khách trong và ngoài nước.

Toàn tỉnh hiện có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có 7/8 Đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và thực hiện công tác bảo tồn. Tỉnh đã tổ chức trên 20 lớp hướng dẫn, truyền dạy các loại hình di sản phi vật thể của các dân tộc.

Cùng với đó, tỉnh có trên 10 lễ hội dân gian truyền thống được bảo tồn và phát huy giá trị; đã bảo tồn Đề tài “Phong tục - Lễ hội của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2019-2020”; Đề tài “Tín ngưỡng dân gian người Hoa ở Sóc Trăng; Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” tại tỉnh Sóc Trăng giai đoạn I năm 2019-2025.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Từ năm 2022 đến nay ngành văn hóa đã tổ chức 5 cuộc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.

Tổ chức bảo tồn 5/5 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc; hỗ trợ nghệ nhân đồng bào dân tộc trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận…

Tiêu biểu như lễ hội Ok Om Bok - Ðua ghe Ngo hay còn gọi là lễ cúng Trăng. Đây là một lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung.

Đặc biệt, tháng 4/2024, Sở Văn hóa thể thao phối hợp với Ban Quản lý Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Ngày hội Văn hóa – Du lịch tỉnh Sóc Trăng lần thứ I tại Hà Nội.

Sự kiện góp phần cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển, quảng bá du lịch của tỉnh. Qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ thể văn hóa trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.