Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021-2023, tỉnh được phân bổ nguồn vốn hơn 126 tỷ đồng để thực hiện chương trình. Ngoài ra, tỉnh cũng bố trí vốn đối ứng hơn 12 tỷ đồng và huy động các nguồn lực khác từ người dân.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh giảm được hơn 10.700 hộ nghèo và cận nghèo (từ 52.178 hộ xuống còn hơn 41.300 hộ). Toàn tỉnh có 2 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình được triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo cơ hội cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

W-minhhoa.png

Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo khác cũng tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin,…).

"Thông qua việc triển khai thực hiện chương trình, đời sống người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo từng bước được nâng lên, góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh", UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá kết quả.

Tuy nhiên, Sóc Trăng cũng nhìn nhận việc triển khai và giải ngân nguồn kinh phí thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình còn chậm; một số chỉ tiêu đạt thấp về dạy nghề, giải quyết việc làm,…

Qua kiểm tra, giám sát, đoàn công tác nhận thấy tiến độ giải ngân liên quan đến hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh chưa đạt hiệu quả đề ra. 

Các thành viên của đoàn giám sát đã nêu một số ý kiến và giải đáp những kiến nghị của tỉnh liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động,…

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ LĐTBXH tại TPHCM, cho rằng Sóc Trăng có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế xã hội để góp phần giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, tiềm năng này cần được tỉnh xác định đi đúng hướng.

Theo ông Thắng, thống kê cho thấy tỉnh có khoảng 650.000 người trong độ tuổi lao động từ 15-50 tuổi. Đây là tiềm năng để triển khai các chương trình đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phục vụ phát triển của tỉnh.

"Sóc Trăng có nhiều điều kiện để thu hút đầu tư sau khi các dự án lớn như cảng, đường cao tốc… được hoàn thành. Nếu không làm từ bây giờ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì sau này khó thu hút đầu tư, bởi chất lượng nguồn nhân lực phải đi trước một bước", ông Phạm Anh Thẳng gợi mở.

Phó Chánh văn phòng Bộ LĐTBXH cũng nhấn mạnh, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một nhiệm vụ trọng tâm để thoát nghèo. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân còn hạn chế như không biết đi làm gì, thu nhập ra sao, nên tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức kể cả với cán bộ chứ không chỉ người dân.

Kết luận buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh đề nghị tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo, trong đó tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa bàn còn khó khăn để tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh. Ngoài vốn Trung ương, tỉnh cần ưu tiên cân đối nguồn vốn địa phương để triển khai thực hiện các chương trình và lưu ý phải có kiểm tra giám sát, tránh thất thoát.

Tỉnh tiếp tục tổ chức đầy đủ các chính sách giảm nghèo thường xuyên như bảo hiểm y tế, nhà ở, vay vốn giải quyết việc làm,... Bên cạnh đó, huy động thêm các nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo.

Bạt Tuấn và nhóm PV