Nếu đã từng đi máy bay, chắc chắn bạn sẽ phải đi qua khu vực quét an ninh. Ở bước này nhân viên sân bay sẽ quét hành lý để đảm bảo không có vật dụng kim loại nào được mang lên máy bay.
Nhờ có máy quét tia X, người ta thấy được bên trong hành lý mà không cần mở để đảm bảo riêng tư. Nhiều ý kiến cho rằng tia X có thể gây hại cho sức khỏe con người. Vậy thiết bị điện tử có giống như con người, có thể chịu tổn hại bởi tia X?
Kiểm tra hành lý là thủ tục bắt buộc diễn ra trước mỗi chuyến bay. Ảnh: NYpost.com |
Tia X là gì?
Tia X là một loại bức xạ điện từ. Cụ thể hơn, đây là loại ánh sáng mà con người không thấy được, vì có bước sóng nhỏ hơn ánh sáng khả kiến nhiều lần. Một quang tử tia X có năng lượng lớn hơn ánh sáng thông thường song tần số lại cao hơn. Điều này cho phép nó len lỏi qua các cấu trúc vật liệu mà ánh sáng thông thường bị phản xạ hoặc bị hấp thụ.
Tuy được xem là “bức xạ điện tử” và là một hình thái của phóng xạ, tia X hoàn toàn không được tạo ra bởi các vật liệu phóng xạ như Uranium hay Plutonium. Thực tế, chúng không quá gây hại cho sức khỏe để khiến bạn phải lo lắng.
Máy quét an ninh hoạt động ra sao?
Tia X vừa có thể tạo ra ảnh tĩnh, vừa tạo ra phim hoặc hình ảnh theo thời gian thực, thậm chí cả ảnh 3 chiều (chụp CT). Tuy nhiên ở sân bay, các thiết bị quét chỉ dùng chế độ ảnh theo thời gian thực.
Sau khi tạo ra tia X trong một ống đồng, người ta chiếu nó vào vật thể cần xem và đo lượng tia X đi xuyên qua nó. Các vật liệu có khối lượng riêng lớn như kim loại hay xương thường cản, không cho tia X đi qua, trong khi các vật liệu khác như da lại cho phép xuyên qua dễ dàng.
Trong máy quét ở sân bay, bộ phận thu tia X được trang bị các vật liệu phát quang khi tiếp xúc với tia X. Do đó, các vật thể như điện thoại hay laptop sẽ hiện ra màu tối, còn lại phông nền sẽ trắng xóa.
Một số máy quét hiện đại có thể chụp được cả màu sắc vật thể được chiếu tia X, chứ không chỉ 2 màu đen trắng như chúng ta thường thấy ở các phòng khám. Khi kiểm tra hành lý, đôi khi người ta chụp CT chứ không hẳn dùng tia X. Mục đích là để thấy được hình ảnh 3D toàn bộ các góc của hành lý nhằm tránh thiếu sót.
Nhiều người dùng mang nỗi lo thiết bị hư hỏng khi phải kiểm tra tại sân bay. Ảnh: Quartz. |
Tia X có làm hư đồ điện tử không?
Tia X là một loại bức xạ ion, do đó các photon của nó hoàn toàn đủ năng lượng để đánh văng các electron ra khỏi nguyên tử khi va chạm, làm tích điện các vật liệu được chụp ảnh.
Ở cường độ rất lớn, các bức xạ ion sẽ gây hại cơ thể người do chúng tàn phá các DNA nhanh hơn khả năng phục hồi của cơ thể. Tuy nhiên chúng chỉ có hại đối với DNA, trong khi đồ điện tử sẽ miễn nhiễm do làm từ chất vô cơ.
Các thiết bị lưu trữ dữ liệu như ổ cứng, hoạt động bằng cách đọc các vùng nhiễm từ có chủ đích trên bề mặt của chúng. Mỗi vùng nhiễm từ chỉ có 2 giá trị 1 hoặc 0. Tuy các thiết bị này rất nhạy cảm với từ trường (không nên để gần nam châm mạnh), nhưng lại miễn nhiễm với các hình thái bức xạ ánh sáng. Cho nên các thiết bị dò đồ vật kim loại hoặc máy MRI (cộng hưởng từ) mới là sát thủ với ổ đĩa, còn tia X hoàn toàn vô can.
Cũng không cần lo lắng cho các loại ổ cứng SD, thẻ nhớ hay USB. Các thiết bị này sử dụng transistor (một loại linh kiện bán dẫn chủ động, thường được sử dụng như phần tử khuếch đại hoặc khóa điện tử để hoạt động) lưu trữ dữ liệu ở dạng 0 hoặc 1 bằng cách cho hoặc không cho dòng điện đi qua.
Về lý thuyết, tia X có thể ảnh hưởng tới thông tin được lưu trữ bên trong vì có thể làm thay đổi giá trị điện tích các electron được lưu trữ trong transistor. Tuy nhiên, cường độ tia X sử dụng ở sân bay rất thấp, nên việc mất dữ liệu chắc chắn không bao giờ xảy ra.
PC, tablet, smartphone, camera có bị hư hại khi soi chiếu?
Máy tính và tablet không có các bộ phận nhạy sáng, dù là ánh sáng khả kiến hay tia X. Nhân viên sân bay thường yêu cầu lấy laptop ra, không phải vì sợ làm hư, mà ngược lại laptop có thể che mất nhiều thứ bên trong trước tia X.
Các smartphone ngày nay gần như là một máy tính thu nhỏ. Nếu máy tính không hư, điện thoại cũng sẽ không bị ảnh hưởng.
Đối với những thiết bị có các cảm biến nhạy sáng như máy quay, chúng lại được bảo vệ bởi màn trập và các bộ phận đóng kín khác.
Bấm chụp hình hay quay phim trên máy ảnh, điện thoại, rồi đưa chúng vào máy quét tia X, khi đó bạn mới gặp rắc rối. Nhưng nếu chúng ở trạng thái nghỉ, mọi chuyện đều an toàn. Tốt nhất, người dùng nên lấy pin ra khỏi máy.
Máy tính và tablet không có các bộ phận nhạy sáng, dù là ánh sáng khả kiến hay tia X. Ảnh: Makeuseof. |
Phim chụp hình thì sao?
Không nhiều người sử dụng máy chụp phim cổ điển ngày nay. Tuy nhiên nếu có, những cuộn phim đắt đỏ chắc chắn sẽ bị tia X làm hư nếu chúng có khả năng xuyên qua các lớp bảo vệ, điều không thể xảy ra với tia X cường độ thấp như ở sân bay.
Nếu sở hữu các cuộn phim có độ nhạy sáng (ISO, ASA) rất cao, bạn buộc phải lôi chúng ra nếu không muốn bị tia X nướng chín.
Nhìn chung, không cần quá lo lắng với các thiết bị điện tử khi đưa vào máy quét sân bay. Thực tế, các bức xạ mà con người phải chịu khi bay thật cao (khoảng 10.000m) có cường độ lên đến 2 lần máy quét trong bệnh viện, chưa nói đến tia X ở máy quét an ninh.
Trái đất thường xuyên nhận bức xạ, chủ yếu từ ánh sáng Mặt trời, song chúng không hề ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Cho nên máy quét với cường độ rất thấp ở dưới đất lại càng không đáng bận tâm.