Các chuyên gia tại một trung tâm phòng chống ung thư ở Anh cho hay, các trường hợp phẫu thuật cắt bỏ núi đôi để ngừa bệnh ung thư đã tăng gấp đôi kể từ khi diễn viên quyền lực người Mỹ Angelina Jolie tuyên bố trải qua phẫu thuật tương tự năm 2013.

{keywords}

 Angelina Jolie đã phẫu thuật cắt bỏ núi đôi sau khi có nguy cơ cao mắc ung thư vú

Khái niệm "hiệu ứng Angelina" do Trung tâm phòng chống bệnh tật lịch sử gia đình tại Manchester đưa ra trong nghiên cứu về ung thư vú. Theo đó, số người chấp nhận cắt bỏ cả hai bên để phòng  bệnh sau khi tham vấn đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 18 tháng qua (từ 1/2014 - 6/2015).

Trước đó, vào tháng 5/2013, nữ diễn viên quyền lực kiêm nhà sản xuất phim Hollywood Angelina Jolie cho hay, cô đã chọn cách phẫu thuật trước để phòng ngừa sau khi biết khả năng mắc ung thư của mình là khá cao và khó thuyên giảm.

Theo báo cáo nói trên, khoảng 83 người đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ ngực so với 29 người giai đoạn từ tháng 1/2011-6/2012. Thông tin về động cơ của các bệnh nhân trải qua phẫu thuật không được nói rõ nhưng nhà nghiên cứu cho rằng, tuyên bố của Jolie có ảnh hưởng đáng kể. 

Jolie đã phẫu thuật sau khi mẹ cô mất vì ung thư vú. Bản thân cô cũng phát hiện bị lỗi gen làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú và buồng trứng. 

“Báo cáo này cho thấy, quyết định công bố công khai của Angelina Jolie có tác động đáng kể tới số lượng phụ nữ chịu rủi ro cao về chứng ung thư vú và đang tìm kiếm hỗ trợ", giáo sư Arnie Purushotham, bác sĩ phẫu thuật các khối u vú và cố vấn cấp cao tại cơ quan nghiên cứu ung thư ở Anh nói.

“Hiệu ứng Angelina Jolie dường như đã góp phần nâng cao nhận thức về nguy cơ ung thư vú, gia tăng số lượng phụ nữ tìm kiếm khuyến cáo của bác sĩ cũng như xét nghiệm gen, do đó dẫn tới kết quả có nhiều người tìm đến biện pháp phẫu thuật phòng ngừa.

Tổng cộng có 17 phụ nữ bị lỗi gen như Jolie đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ ngực tại trung tâm phòng chống nói trên trong vòng 18 tháng kể từ 1/2011-6/2012. Con số này tăng lên 31 người trong vòng 18 tháng kể từ tháng 1/2014.

Cùng lúc đó, số người trải qua phẫu thuật tương tự dù không bị lỗi gen nhưng có "nguy cơ cao" vì những lý do khác cũng tăng từ 12 lên 52 người.

“Tin tốt là những phụ nữ đã phẫu thuật đều khỏe mạnh. Giờ đây, chúng tôi cần nghiên cứu nhiều hơn để ngăn chặn bệnh ung thư vú ở những trường hợp có nguy cơ nhiễm cao giúp họ tránh được phẫu thuật", giáo sư Purushotham nhấn mạnh.

Trong khi đó, giáo sư Gareth Evans từ Trung tâm phòng chống bệnh tật lịch sử gia đình nói rằng, họ đang xem xét và chờ đợi kết quả từ các trung tâm khác ở Anh cũng như trên thế giới để cân nhắc về tác động của hiệu ứng nói trên.

An Nhiên (Theo Cancerresearchuk)