HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước đây, các thành viên HTX ghi chép nhật ký sản xuất thủ công trên giấy, không thuận lợi trong việc lưu trữ nhật ký sản xuất, khi có lô hàng xuất khẩu lại mất thời gian để tìm kiếm nhật ký ghi chép sản xuất.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX, chia sẻ: Những vấn đề đó đã được HTX giải quyết bằng việc đưa phần mềm nhật ký điện tử vào sử dụng. Giờ đây, chỉ với điện thoại thông minh có kết nối internet, thành viên dễ dàng cập nhật lịch sử canh tác, quản lý tốt hoạt động sản xuất và công khai minh bạch nguồn gốc, xuất xứ, nhật ký sản xuất đối với người tiêu dùng.
Việc làm này giúp HTX kết nối, mở rộng đối tác khách hàng cung cấp sản phẩm thanh long ruột đỏ cho hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ Winmart+, xuất khẩu các đơn hàng sang thị trường nước ngoài.
Riêng năm 2024, HTX xuất khẩu gần 1.000 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Italy và bán hàng nghìn tấn tại thị trường nội địa.
Theo ông Vinh, khi cây cho quả đến kỳ thu hoạch, ngoài gửi mẫu để chào hàng, hình ảnh của sản phẩm cũng được chuyển về đầu mối ký kết thu mua.
Bên mua chỉ cần check mã vạch, các thông số cụ thể về quy trình sản xuất, thời gian chăm sóc, thu hoạch, địa điểm của người sản xuất sẽ hiển thị đầy đủ.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT đã triển khai hỗ trợ truy xuất nguồn gốc (tem nhãn) đối với 72 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xây dựng cơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng toàn tỉnh đối với 205 mã số vùng trồng, 195 tài khoản nhật ký vùng trồng xuất khẩu trên hệ thống farmdiary.online; 11 tài khoản nhật ký vùng trồng lĩnh vực trồng trọt trên hệ thống cơ sở dữ liệu trồng trọt (csdltrongtrot.mard.gov.vn). Cung cấp quản lý dữ liệu 154 sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La trên phần mềm (https://sohoaocop.vn).
Đến nay, 7 huyện, thành phố đã áp dụng 2 hệ thống phần mềm truy xuất riêng biệt để truy xuất nguồn gốc cho 2 nhóm sản phẩm thuộc nông sản (OMFARM) và sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến, đóng gói (OMFOOD).
Thiết kế và kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc cho 15 sản phẩm của 15 cơ sở trên hệ thống phần mềm tương ứng.
Hiện nay, toàn tỉnh đang duy trì 214 mã số vùng trồng, trong đó, 205 mã phục vụ xuất khẩu với diện tích gần 3.000 ha, 9 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt với diện tích 124 ha; 11 mã số đóng gói nông sản xuất khẩu.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên ngành, như: Cơ sở dữ liệu giám sát đánh giá phục vụ công tác quản lý ngành (giamsatdanhgia.mard.gov.vn); hệ thống quản lý dữ liệu thống kê (thongke.mard.gov.vn); cơ sở dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (msvt-csdg.ppd.gov.vn), phần mềm quản lý cơ sở đóng gói (cms.packinghouse.online), phần mềm quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu (farmdiary.online)…
Tích cực chuyển đổi số, nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp đưa được sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm, giúp mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, khách hàng yên tâm sử dụng.
Nhờ đó, giá trị hàng hóa nông sản Sơn La tham gia xuất khẩu năm 2024 đạt 190 triệu USD, tăng 6,9% so với năm 2023, sản lượng nông sản tham gia xuất khẩu ước đạt 175.823 tấn.
Việc chuyển đổi số trong quản lý mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản còn tồn tại một số khó khăn, như: Quy mô sản xuất chủ yếu ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, manh mún và trình độ canh tác còn hạn chế, dẫn đến nhiều sản phẩm không đủ điều kiện thực hiện truy xuất.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, khiến việc thực hiện và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc còn hạn chế về trình độ, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Ngành Nông nghiệp tiếp tục thông tin, tuyên truyền các ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, khuyến khích các cơ sở sản xuất tiêu biểu, hệ thống phân phối uy tín ứng dụng số hóa trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo phục vụ ông tác truy xuất nguồn gốc nông sản.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản thông qua các hoạt động truy xuất nguồn gốc nông sản, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của công tác truy xuất nguồn gốc trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản đối với người sản xuất, bảo đảm sản phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo vệ thương hiệu các sản phẩm nông sản đã xây dựng.
Có chính sách hỗ trợ phát triển các hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng các phần mềm, số hóa trong quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản.
Trước những quy chuẩn của các nhà nhập khẩu về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa, chứng nhận chất lượng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật... việc chuyển đổi số vào sản xuất, quản lý chất lượng nông sản là việc làm hết sức cần thiết.
Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, HTX phải là đầu tàu trong chuyển đổi số để cùng người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững.
Theo Nguyễn Yến (Báo Sơn La)