{keywords}

Ông Don Ritchie đã cứu sống ít nhất 160 người có ý định tử tự.

Trong gần 5 thập kỷ, ông Ritchie sống trong ngôi nhà ở Sydney với tầm nhìn ra Thái Bình Dương. Đây là một trong những khung cảnh đẹp như tranh vẽ ở Úc. Nhưng không chỉ có tình yêu với biển đã kéo ông đến với địa điểm này, việc quan sát quang cảnh bên ngoài khung cửa sổ của Don Ritchie có một mục đích lớn hơn nhiều.

Ritchie tình cờ sống gần “The Gap”, một vách đá đại dương ở Sydney, Australia. Đây là một điểm đến nổi tiếng với khách du lịch, nhưng cũng là địa điểm mà nhiều người tìm đến để tự sát trong những năm qua. Người ta ước tính rằng có khoảng 50 người tìm đến cái chết ở đây mỗi năm.

Nhưng nhờ giọng nói điềm tĩnh và thái độ cảm thông, ông Ritchie đã giúp “kéo lại” mạng sống của những người tuyệt vọng bằng cách lôi cuốn họ vào những cuộc trò chuyện trên đỉnh vách đá trong giây phút quyết định ấy. 

Từ ngôi nhà của mình, ông Ritchie sẽ phát hiện ra những người có ý định tự tử, rồi ông từ từ băng qua phía bên kia. Ở rìa vách đá, ông chỉ mỉm cười và hỏi họ: “Tôi có thể giúp gì cho bạn được không?”. Sau đó, ông sẽ mời họ trở lại nhà mình để uống một tách trà, trò chuyện và thỉnh thoảng có người sẽ quay lại nhiều năm sau đó để cảm ơn ông vì đã cứu sống họ theo cách như thế.

Không tư vấn, không tọc mạch, ông chỉ lắng nghe họ. Một số người trong số này có vấn đề về tâm thần, một số mắc bệnh y tế, một số chỉ là những người đang trải qua một giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Đối với nhiều người, một đôi tai biết lắng nghe rõ ràng là thứ họ cần khi trong giờ phút tuyệt vọng.

“Trong những năm qua, tôi đã nói chuyện với nhiều người, hầu như chỉ theo cách đó, rằng: “Bạn đang làm gì ở đây?”, “Hãy đến và nói chuyện với tôi”, “Hãy ghé qua nhà tôi và uống một tách trà”, “Hãy đến và uống một cốc bia”, hoặc một cái gì đó tương tự để họ không nghĩ tới việc tự tử nữa”.

“Tham vọng của tôi luôn là đưa họ ra khỏi vách đá, kéo dài thời gian, cho họ cơ hội để suy ngẫm và cho họ cơ hội nhận ra rằng mọi thứ có thể sẽ đẹp hơn vào sáng hôm sau”, ông tâm sự.

“Bạn không thể chỉ ngồi đó và để mọi thứ diễn ra. Bạn phải cố gắng để cứu họ”.

{keywords}

“The Gap”, một vách đá nằm ở lối vào cảng Sydney, đây là một địa điểm nổi tiếng về các vụ tự tử ở Australia.

Con gái của ông Ritchie, Sue, cho biết cha cô rất thích tầm nhìn của ngôi nhà, nhưng cũng ông luôn để ý đến những người đang gặp rắc rối ngoài kia. Ông từng nói rằng “đừng đánh giá thấp sức mạnh của một lời nói tử tế và một nụ cười”, cô nhớ lại.

Ông là “sự kết hợp tuyệt vời giữa sức mạnh và lòng trắc ẩn, một người đã làm những điều phi thường cho nhiều người, đã cứu sống họ mà không muốn được công nhận”, Sue nói thêm.

Người đàn ông này từng là một thủy thủ trong Hải quân Hoàng gia Úc trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trở lại Sydney, ông làm việc trong ngành bảo hiểm. Ông thường nói với bạn bè mỗi khi được  hỏi về việc cứu sống mọi người: “Tôi là một người bán hàng trong phần lớn cuộc đời mình và tôi đã bán cho họ một cuộc đời”.

Kể từ năm 1944, ông Ritchie đã cứu ít nhất 160 mạng người, mặc dù một số người nói rằng con số thực còn cao hơn nhiều. Ông Ritchie qua đời vào ngày 13/5/2012 ở tuổi 86, được biết đến với biệt danh Thiên thần của Khoảng cách (Khoảng cách ý nói tên của vách đá The Gap), một danh hiệu mà mọi người thân ái dành tặng cho ông.   

Đăng Dương (Theo Independent)

 

Ở phòng trọ hơn 1 triệu đồng, chàng trai cứu người mỗi đêm

Ở phòng trọ hơn 1 triệu đồng, chàng trai cứu người mỗi đêm

Họ lao tới hiện trường các vụ tai nạn giao thông với 5 tiêu chí: Không bỏ rơi - Không thu phí - Không phân biệt - Không tranh cãi - Không kết án.