Xem cách diễn tưng tửng, lúc thiện, lúc tà nhưng luôn gây cười đến nao ruột người xem của Phi Phụng, ai chú ý sẽ thấy lối diễn ấy phảng phất bóng dáng của người cha: nghệ sĩ hài Phi Thoàn, một trong thất quái của làng hài Sài Gòn trước 1975.


Gia đình nghệ sĩ Phi Phụng.

Những lời dạy từ người cha quá cố

Đời nghệ sĩ, sau những giờ phút thăng hoa trên sân khấu là những khoảng lặng rất thật. Thường giữa những khoảng lặng đó, nghệ sĩ hài Phi Phụng hay nghĩ về người cha của mình.

Gia đình chị có bảy người con, nhưng chỉ có chị theo cha đi diễn từ nhỏ.

Chị kể: “Năm 1980, ba tôi về đoàn Bông Hồng, tôi cũng xin vào phụ bán vé và phát lương nhân viên. Không rành về tiền bạc, tôi làm mất nhiều phiếu tạm ứng, thất thoát tiền, vậy là bị đình chỉ công tác. Ba tôi phải diễn không lương một thời gian dài mới trừ hết số nợ do tôi gây ra. Chuyện như vậy, nhưng ba không hề trách la tôi một tiếng. Một thời gian sau, đoàn cần vai diễn nhưng thiếu người nên gọi tôi vào. Vai bà đầm trong vở Cô lái xe và chiếc bình cổ coi như là vai diễn đầu tiên của tôi”.

Từ vai bà đầm, rồi những vai hài nhỏ, dần dà chị có được những vị trí mới trong các vở lớn như Những mảnh tình sôi nổi, Đi qua số phận, Phép lạ... “Tôi học được cách tạo cái thần, tạo tiếng cười cho khán giả từ sự nghiêm khắc của ba. Ba tôi cực kỳ nóng tính. Nhớ lần đó tôi tập vào vai phải ngất xỉu, nhưng tôi toàn xỉu trước khi thoại, vậy là bị ba cốc mạnh vào đầu khá đau. Ba thường dạy tôi, khi diễn phải biết nhìn thẳng vào mắt bạn diễn, tinh ý nhận biết tâm lý của họ để ứng xử vai diễn cho thích hợp. Và quan trọng, đừng đánh rơi sự tự nhiên của mình, diễn mà như sống thì mới thành”. Có lẽ nhờ sự nghiêm khắc của người cha, nên Phi Phụng vào các vai hài rất ngọt, tự nhiên, gây cười sảng khoái cho không biết bao người.

Chị thổ lộ:

“Nghề diễn của tôi cũng lắm nhiều phân đoạn. Làm ở đoàn Bông Hồng được mười mấy năm thì đoàn giải thể, sát nhập với đoàn khác. Tôi nghỉ để sinh con. Sau đó thì đi tấu hài tự do ở các rạp hàng đêm. Đến năm 2003 tôi mới xin về sân khấu IDECAF, lúc đó ba tôi đã già yếu lắm rồi. Mỗi đêm tôi diễn về, ông hay gọi tôi vào, hỏi tôi có chuyện gì vui buồn trong nghề thì kể ông nghe. Đến năm 2004, ba tôi theo mẹ về chốn thiên thu. Cho đến giờ tôi vẫn trong lòng một niềm tiếc nuối: đã không đưa ba đi xem những vở mình diễn. Đó là tâm nguyện tôi chưa làm được cho ba khi ông gần đất xa trời.

Sống không cần hư danh

Giữa thời buổi không ít người chen lấn để có được những vai diễn trên các sân khấu lớn, mong được vinh danh, được ổn định vị trí lâu dài trong lòng người hâm mộ, nghệ sĩ hài Phi Phụng lại tách biệt với những bộn bề bon chen kia.

Chị vẫn luôn đầy “lửa” khi lên sân khấu, nhưng không phải là người bất chấp tất cả để có được danh vọng.

Chị chia sẻ:

“Thời ba tôi còn sống cũng hay bị mẹ tôi phàn nàn. Mẹ khuyên ba nên đi ra ngoài, mở rộng quan hệ xã giao, tạo mối quan hệ thì mới có vai diễn tốt. Ba tôi không thích vậy, ông cứ sống trong khoảng trời của mình, có vai diễn thích hợp, người ta mời thì tham gia. Tôi học được cái tính an phận của ba. Ông cũng thường căn dặn tôi, đã diễn hài thì phải diễn sạch, chứ không dung tục. Rằng đã trót là nghệ sĩ thì phải biết sống vui vẻ, lễ phép, đúng giờ, tuyệt không được trăng hoa, bay bướm. Hồi tôi lập gia đình năm 1984, ba mẹ chồng cũng phản đối vì cái nghề hát này. Họ sợ tính nghệ sĩ cả thèm chóng chán. Nhưng rồi sau cùng ai cũng hiểu tính tôi không lăng nhăng nên đã dần hoà thuận. Chồng tôi lúc đầu ít nhiều phản ứng, nhưng sau dần anh thông cảm và ủng hộ nghề của vợ. Nếu tôi đi diễn xa, anh đưa đón rồi thay vợ lo chuyện ở nhà, chăm sóc hai con. Tôi giữ được hoà khí trong nhà cũng nhờ ảnh hưởng bởi sự an phận của ba mình”.

Sữa chua luôn ngon, vai diễn luôn ngọt

Ít ai biết rằng mười mấy năm qua, không chỉ nổi tiếng trên sân khấu, Phi Phụng còn nổi danh với những hũ sữa chua ngon tuyệt. Ở con hẻm trên đường Ngô Quyền, gần chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10, ai cũng thèm được ăn một bịch sữa chua của nhà chị Phụng, vừa được nghe giọng cười vô tư của chị.

Nghệ sĩ hài Phi Phụng hay “Phụng sữa chua”, ở lĩnh vực nào chị cũng bỏ cái tâm mình vào trong đấy, nên sữa thì luôn ngon, mà vai diễn lại rất ngọt.

Chị thổ lộ: “Hồi kinh tế còn khó khăn, cátsê sân khấu và lương của chồng không đủ đóng học phí cho con, hai đứa nhỏ đi học về là tập trung vào giúp mẹ làm sữa chua, mang bỏ mối, kiếm tiền ăn học. Có thể nói, mấy hũ sữa đó đã nuôi hai con tôi trưởng thành, nên giờ cuộc sống dẫu đầy đủ thì cả nhà cũng khó bỏ nghề được. Tôi thường nói với hai con: việc cỏn con nhưng được làm từ đôi bàn tay của mình, có ý nghĩa cho cuộc sống của mình thì không nên từ bỏ. Hãy biết nhìn xuống và bằng lòng với những gì mình có để thấy được giá trị của hạnh phúc”.

Theo Nguyên Cao - Sài Gòn Tiếp Thị