Sáng 22/4, hội thảo “Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn” do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự góp ý của các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà quản lý đô thị… hiến kế phát triển hành lang sông Sài Gòn

Theo Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung, sông Sài Gòn là kho báu của TP.HCM, nhìn thấy tài nguyên và kho báu đó phải sớm biến thành tài sản của cư dân TP và của cả nước. 

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Quy hoạch-kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã nói, "trong quá trình phát triển, chúng ta đã không đối xử với dòng sông như mong đợi. Hiện nay, thành phố đang quan tâm nhiều hơn, sâu sắc hơn đến cảnh quan sông Sài Gòn như một trục mới trong sự phát triển thành phố". 

Một phần sông Sài Gòn nhìn từ trên cao

“Cách đây 2 năm, lãnh đạo thành phố đã nhận ra điều này. Sở Quy hoạch-kiến trúc TP.HCM đã được giao chuẩn bị đề án. Đến nay, các bước đi rất bài bản từ ý tưởng, đề án đến quy hoạch”, ông Nhã thông tin. 

Theo ông, Sở đã đề xuất với UBND TP rà soát, quy hoạch sông Sài Gòn từ huyện Củ Chi đến Mũi Đèn Đỏ (huyện Cần Giờ). Tập trung rà soát những quy hoạch nào đã, đang thực hiện, khu vực nào phát triển không phù hợp để tháo gỡ, từ đó đề ra giải pháp cụ thể. 

Theo đó, khu vực nào chưa phát triển thì lập quy hoạch ở đó, khu vực nào đã phát triển rồi thì sẽ đề ra những quy chế, quy định quản lý cho khu vực đó. Đặc biệt, trong quy hoạch hạn chế và không làm trầm trọng thêm việc xâm lấn sông, lưu ý đến việc bảo tồn văn hóa sông Sài Gòn. 

Bên cạnh đó, TP sẽ lập quy hoạch mới để phát huy thế mạnh và tiềm năng sông Sài Gòn. Chuyển hướng xem sông Sài Gòn như là mặt tiền của TP. Trong hoạch định, hướng tới phát triển các khu vực không gian công cộng phục vụ người dân.

“TP kiên quyết loại bỏ những dự án không hướng đến mục tiêu cộng đồng dọc sông Sài Gòn”, ông Nhã khẳng định.

Song song đó, TP cũng sẽ tạo ra nhiều nguồn lực, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia vào phát triển sông Sài Gòn, phù hợp với phát triển không gian của TP. 

Theo ông Nhã, quy hoạch phát triển sông phải tiếp cận theo hướng cộng đồng cùng tham gia. 

Quy hoạch phải hướng đến ổn định cuộc sống người dân tối đa, ưu tiên đến sự hưởng thụ của người dân. Nhưng cũng có những khu vực buộc phải giải tỏa người dân, đụng chạm đến người dân. Nhưng nếu kèm theo các chính sách phù hợp, thỏa đáng thì người dân sẽ đồng thuận và ủng hộ. 

Phát triển trên nguyên tắc bảo tồn không gian văn hóa

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa cảnh báo về nguy cơ, thậm chí là tai họa với tương lai nếu không ứng xử đúng đắn với dòng sông Sài Gòn hiện nay. 

Theo ông, sông Sài Gòn uốn lượn chứ không phải là dòng sông thẳng, tạo ra những "cục u của con lạc đà", như bán đảo Thanh Đa hay đô thị Thủ Thiêm. Nếu không cẩn thận, con người sẽ bào mòn những "cục u" đó, khiến giá trị của dòng sông mất đi. 

Một phần Công viên Bến Bạch Đằng được quy hoạch không gian công cộng, thu hút khách du lịch

Do đó, phải tìm ra mô hình phát triển để thích nghi với dòng sông, để lại di sản dòng sông cho con cháu, không làm chúng biến dạng vì mục đích kinh tế. 

Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh nhận định, TP đang quay lưng lại với dòng sông dù dòng sông cho chúng ta sự sống. Chúng ta đang ứng xử với dòng sông theo cách không tương xứng với giá trị nó mang lại". 

“Sông Sài Gòn là bố cục chính của tổng thể TP.HCM, phía Bắc có rừng Củ Chi, phía Nam có rừng Sác, rất giống với đô thị Paris, như 2 lá phổi cân bằng hệ sinh thái và tạo thành cấu trúc bền vững lâu nay. Chỉ một phần tư thế kỷ nữa, nếu chúng ta không kịp thay đổi, sẽ có nhiều hậu quả làm hại dòng sông”, ông Vinh cảnh báo.

Còn KTS Steven Townsend (Công ty tư vấn quy hoạch kiến trúc B+H Architects, Canada) nhận định, từ xưa đến nay, sự phát triển của nhân loại luôn gắn với nguồn nước, với các dòng sông. Sự phát triển của sông, kênh rạch cũng gắn liền với nền văn minh của loài người.

Ông đưa ra triết lý, dòng sông cũng là biểu tượng về bảo tồn văn hóa, trong khi những ước mơ là nền tảng cho tương lai. 

TP.HCM là thành phố bên sông, từ những vết tích đầu tiên đến thời hiện đại luôn mang giá trị kinh tế, văn hóa, hành chính và sự tiếp nối thế hệ. Sông Sài Gòn có rất nhiều giá trị có thể khai thác, nhất là phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ.

Với KTS Nguyễn Đỗ Dũng, triết lý phát triển là “hướng vào lòng dân, hài hòa với thiên nhiên”. Còn hiện nay, thực tế phát triển của TP.HCM là không hề thân thiện với dòng sông Sài Gòn như triết lý của ông cha. 

“Chỉ 5% chiều dài dòng sông là không gian công cộng. Giải pháp là phải dành không gian cho nước, lấy dòng sông làm mặt tiền đô thị, gia tăng hệ số sử dụng đất để tạo không gian công cộng”, ông Dũng đề xuất.

Với độ dài 256km, đoạn chảy qua TP.HCM là 80km, sông Sài Gòn thực sự là nguồn tiềm năng vô cùng lớn trong việc phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho TP mà còn cho cả khu vực Đông Nam bộ.

Hồ Văn