Thành phố Hà Nội đang thử nghiệm cả 2 công nghệ của Nhật Bản và châu Âu trên các đoạn sông Tô Lịch với kỳ vọng tìm ra phương án hiệu quả xử lý ô nhiễm trên sông.

Đây không phải lần đầu thành phố đưa ra các phương án và tiến hành thử nghiệm giải pháp làm sạch con sông này. Tuy nhiên, nhiều phương án vấp phải tranh cãi ngay từ khi đề xuất và nhiều dự án đã có kế hoạch cụ thể nhưng chưa được triển khai.

Thau rửa nước sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng

Cùng thời điểm Nhật Bản giới thiệu đến Việt Nam công nghệ xử lý nước Nano-Biorector, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội (MTV) cũng đề xuất phương án lấy nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch.

Theo đó, dự án của công ty có tên là “Đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây” với công suất trạm trên 150.000 m3/ngày đêm. Dự án này được đề xuất thực hiện theo quy trình lấy nước từ sông Hồng qua hệ thống máy bơm và đường ống áp lực để bổ cập nước hồ Tây.

Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết sẽ điều tiết nước sông Hồng qua hai cửa xả thải đến sông Tô Lịch để thau rửa và làm sạch nguồn ô nhiễm sông.

Việc lấy nước sông Hồng được giải thích do hồ Tây từng là một đoạn của sông Hồng trước kia, trong quá trình ngưng đọng và đổi dòng chảy mà thành. Vì thế, nước sông Hồng sẽ phù hợp và không gây xáo trộn cho hệ sinh thái hồ Tây.

Song To Lich tung duoc de xuat lam sach bang nhung cong nghe nao? hinh anh 1
Công nhân môi trường phải nạo vét bùn định kỳ mỗi năm một lần để khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Ảnh: Việt Linh. 

Trước đó, tháng 12/2018, công ty này cũng đưa ra phương án dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô Lịch. Để thực hiện kế hoạch, công ty thậm chí đã huy động công nhân xuống nạo vét lòng sông Tô Lịch để khơi thông lòng chảy trước khi triển khai. 

Tuy nhiên, phương án này vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi của các chuyên gia khi cho rằng đây là giải pháp không có tính căn cơ và chỉ xử lý được trong một thời gian ngắn.

Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS. Trần Hồng Côn, Giảng viên khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), cho rằng việc thau rửa nước sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng là giải pháp mang tính phiến diện.

Theo ông, giải pháp này không khác gì quét nhà rồi đổ rác sang nhà hàng xóm. Bởi lẽ, sau khi thau rửa sông Tô Lịch, tất cả chất thải, chất bẩn lại chuyển sang các hồ khác và đổ ra sông. Vì thế từ một con sông thành ra nhiều con sông ô nhiễm.

“Đây là giải pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng không thể lâu dài”, vị phó giáo sư khẳng định.

Xây dựng nhà máy xử lý nước thải và nạo vét bùn sông Tô Lịch

Ngày 2016, Hà Nội khởi công dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá tại xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì. Dự án có tổng vốn đầu tư 16.300 tỷ đồng, được kỳ vọng làm sống lại các con sông như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.

Theo kế hoạch của dự án, nhà máy xử lý nước thải sẽ có công suất 270.000 m3/ngày đêm với hệ thống thu gom, thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm.

Song To Lich tung duoc de xuat lam sach bang nhung cong nghe nao? hinh anh 2
Tháng 10/2016, UBND TP. Hà Nội tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy nước thải Yên Xá. Tuy nhiên khu vực này hiện vẫn là bãi đất trống. Ảnh: Bảo Lâm. 

Hệ thống cống nối dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần tả ngạn sông Nhuệ. Tổng chiều dài cống các loại dự kiến khoảng 52,6 km sẽ thu gom, xử lý nước thải trên phạm vi khu vực các quận nội thành Hà Nội.

Dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản với tổng mức đầu tư hơn 61 triệu Yên Nhật, tương đương với 16.300 tỷ đồng.

Ở thời điểm khởi công vào tháng 10/2016, nhà máy được dự kiến xây dựng và hoàn thành vào tháng 10/2019. Tuy nhiên đến tháng 6/2019, khu vực được khởi công xây dựng nhà máy hiện vẫn là bãi đất trống và chưa có kế hoạch xây dựng trong thời gian tới.

Áp dụng công nghệ nước ngoài

Hiện, Hà Nội đang thử nghiệm 2 công nghệ của nước ngoài trên các đoạn sông Tô Lịch để đánh giá mức độ hiệu quả, sau đó mới cho triển khai rộng rãi. 

Tháng 4/2019, công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản được thử nghiệm trên một đoạn sông Tô Lịch (đoạn ngã tư Hoàng Quốc Việt - Bưởi) và một góc hồ Tây. Công nghệ này được mô tả như nhà máy xử lý nước thải đặt dưới lòng sông. 

Theo đó, công nghệ Nano Bioreactor là sự kết hợp giữa vật liệu xử lý nước thiên nhiên Bioreactor và máy sục khí Nano công nghệ Nhật. Hệ thống này sẽ kích hoạt những vi sinh vật có lợi sẵn trong môi trường cần xử lý, tự phân hủy các chất gây ô nhiễm và chất độc hại, khiến các vi sinh vật có lợi phát triển, tăng khả năng tự làm sạch sẵn có của tự nhiên.

Song To Lich tung duoc de xuat lam sach bang nhung cong nghe nao? hinh anh 3
Chuyên gia môi trường Nhật Bản lội xuống sông để lấy mẫu đối xứng, sau đó đem so sánh và đánh giá việc cải thiện nước ở nơi được đặt thiết bị. Ảnh: Xuân Phương. 

Sau 3 tuần thử nghiệm, kết quả phân tích mẫu nước cho thấy lượng bùn và mùi hôi trên sông đã giảm đáng kể. Các chuyên gia môi trường Nhật Bản phân tích nước sông ở khu vực đặt thiết bị có màu trong hơn, lớp bùn ở tầng đáy cũng không còn dày như trước. 

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Môi trường Nhật Việt (JVE), cho biết sau một tháng, các đơn vị đánh giá độc lập sẽ tiếp tục công bố các chỉ số làm sạch của công nghệ này. Sau 2 tháng, JVE và đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ tổ chức họp báo, thông tin đầy đủ về kết quả, chỉ số ô nhiễm sau khi kết thúc quá trình thí điểm.

Cùng với công nghệ này, Hà Nội cũng tiếp tục cho thử nghiệm công nghệ châu Âu Redoxy3C ở 2 vị trí của sông nằm ở Nguyễn Đình Hoàn (Cầu Giấy) và cầu Khương Đình (Thanh Xuân).

Đây không phải lần đầu thành phố sử dụng công nghệ này. Kể từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã áp dụng Redoxy3C để xử lý nước trong 87 hồ trong thành phố. Chế phẩm này được cho là có kết quả tích cực khi các hồ bị ô nhiễm sau khi sử dụng đã có nồng độ pH, vi sinh vật và chất thải rắn ở mức cho phép.

Tuy nhiên, công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm trên một đoạn sông Tô Lịch và hiện chưa có kết quả cụ thể về tính khả thi của công nghệ. 

'Hà Nội chưa vào cuộc quyết liệt'

Trao đổi với Zing.vn, GS. Phạm Hoàng Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững cho rằng Hà Nội nên biến sông Tô Lịch thành niềm tự hào của thành phố thay vì bức tử, biến con sông thành hố nước thải tự nhiên như ngày nay.

Đồng quan điểm, TS. Trần Hồng Côn cho rằng Hà Nội đang tắc trách và chưa quyết liệt xử lý tình trạng ô nhiễm, chưa đầu tư thời gian, công sức một cách tương xứng cho con sông này.

Các chuyên gia cũng nhận định việc Hà Nội vẫn chưa có một cơ quan chuyên trách vấn đề làm sạch sông Tô Lịch dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Quả bóng trách nhiệm được đưa hết cho các sở, bộ rồi lại đá về thành phố.

"Mong ngóng của người dân ở xung quanh sông là rất lớn, chờ hết dự án này đến dự án kia không biết đến năm nào. Các nhà khoa học, chuyên gia như chúng tôi đã nói rất nhiều lần về việc phải đẩy mạnh xử lý con sông này, nhưng mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. Chúng tôi nói không có ai nghe", GS. Phạm Hoàng Hải bức xúc. 

Chuyên gia Nhật ngửi mùi nước sông Tô Lịch sau 20 ngày thí điểm xử lý Ngày 5/6, chuyên gia môi trường Kubo Jun xuống sông Tô Lịch lấy mẫu nước và bùn để kiểm tra sau 20 ngày thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản.