Nhiều gia đình ở TPHCM cuống cuồng tìm người trông nhà dịp Tết sắp đến. Sẵn sàng trả lương hấp dẫn, yêu cầu công việc không cao nhưng tìm được người thích hợp không dễ.



Ngôi nhà 3 tầng của gia đình anh Phong nằm trên đường Trần Xuân Soạn, Q.7 dường như nằm trong tầm ngắm của đạo chích.

Gia đình liên tục phát hiện một người lạ mặt suốt ngày dạo quanh nhà, khi thì vào vai người bán rong, khi làm người lượm ve chai. Đề phòng, anh Phong trang bị hệ thống camera giám sát kín kẽ.

Tết năm nay, cả gia đình anh Phong dự định sang Mỹ thăm ba mẹ. “Mọi thứ đã chuẩn bị xong, nhưng vẫn chưa tìm được người trông nhà. Đi gần 2 tuần, không thể để nhà trống hoác không có ai trông coi”, anh Phong nói.

Gần 1 tháng nay, anh Phong đăng rao tuyển người trông nhà với các tiêu chí: ưu tiên người miền Trung, sinh viên, là nam giới khỏe mạnh, không hút thuốc... Nhiều người đến xin việc nhưng vẫn chưa chọn được ai.

Nhiều gia đình khá giả ở TPHCM lâm vào hoàn cảnh tương tự. Chị Thanh (phường Bến Thành, Q.1) đỏ mắt tìm người trông nhà trong một tuần cả nhà sang Canada thăm con gái đang du học, kết hợp đi du lịch.

“Trong nhà toàn đồ đắt tiền. Tôi đi đến mấy trung tâm giới thiệu việc làm nhưng đều cảm thấy không an tâm. Lên mạng tìm kiếm thấy rao tuyển tùm lum, càng lúng túng”, chị Thanh kể.

Theo nhiều gia chủ, trông nhà ngày tết công việc không vất vả nặng nhọc. Chủ yếu là coi ngó cửa nẻo, chăm sóc thú cưng, cây cối, hương khói cho ông bà tổ tiên và lau chùi đồ đạc trước khi qua năm mới.

Đỏ mắt tìm

Trông nhà ngày Tết gồm các công việc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây trồng vật nuôi, hương khói... nhưng không dễ tìm được người thích hợp.

“Mấy ngày Tết không thể để nhà vắng hơi người, lạnh lư hương. Có nhờ bà con, người làng ở dưới quê lên trông giúp nhưng họ bảo có cho vàng cũng không xa nhà dịp Tết”, chị Thanh nói.

Sinh viên, cử nhân được tin cậy

Dạo quanh trên mạng, dễ dàng tìm được rất nhiều ứng viên giới thiệu trông nhà ngày Tết.

Nguyễn Thế Anh (khu phố 6, phường Linh Trung, Q. Thủ Đức) hiện đang là sinh viên một trường ĐH ở TPHCM, quê Quảng Ninh, nhận trông coi nhà, cửa hàng, văn phòng ngày Tết với mức lương 400-700 ngàn đồng/ngày.

Nhận việc từ 28-1 đến 20-2 (từ ngày 17 tháng Chạp đến ngày 11 tháng Giêng ÂL). Thế Anh cho biết, sẽ đưa giấy chứng minh nhân dân và thẻ sinh viên để làm tin. Phần lớn các ứng viên giới thiệu đều là nam. Ai cũng công khai chiều cao, cân nặng, tình trạng sức khỏe.

“Những người to cao, khỏe mạnh thường tạo cho gia chủ sự an toàn”, Hoàng Văn Hải, một ứng viên cho biết. Hải vừa tốt nghiệp ĐH nhưng chưa tìm được việc làm.

“Các công việc bán thời gian như tiếp thị, bán hàng... thu nhập không cao. Đêm 30 Tết nằm ngủ trông nhà cho người ta, tuy buồn nhưng tiền công lại cao”, Hải cho hay.

Hải rao tuyển với mức lương từ 500-700 ngàn đồng/ngày. Nhiều ứng viên giới thiệu là bộ đội xuất ngũ, có kinh nghiệm trong việc bảo vệ yếu nhân, công trình... Mức lương họ đưa ra khoảng 900-1,2 triệu đồng/ngày.

Không dám đặt niềm tin vào người lao động tự rao tuyển trên các trang web, nhiều gia chủ tìm đến lực lượng sinh viên, cử nhân, nhân viên văn phòng... ở lại thành phố kiếm thêm thu nhập dịp tết thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm của Đoàn Thanh niên.

Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ Học sinh, sinh viên TPHCM, Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên đang có hàng ngàn đầu việc làm thêm ngày Tết cho sinh viên, thanh niên, trong đó không ít công việc trông nhà, giúp việc nhà.

Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống sinh viên thuộc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh, sinh viên TPHCM cho biết, do kinh tế khó khăn, nên số lượng đầu việc năm nay giảm 15-20% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, những công việc đặc thù như trông giữ nhà, văn phòng... vẫn đang rất cần lao động. Tiền công cho sinh viên 300-500 ngàn đồng/ngày.

(Theo Tiền phong)